Chiêm ngưỡng điện thờ có tượng dát vàng, có một không hai ở Hà Tĩnh
TPO - Đền thờ Trần Triều Điện được vợ chồng doanh nhân xây dựng ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trên diện tích 5.000 m2. Bên trong điện thờ có nhiều pho tượng dát vàng độc đáo, với số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Trúc Lâm đại giác - Việt Nam Trần Triều Điện xây dựng từ tháng 4/2014 tại làng Kiều Lĩnh, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trên diện tích 5.000 m2.
Cận cảnh điện thờ dòng họ có nhiều pho tượng dát vàng ở Hà Tĩnh. Video: Đức Phúc - Cảnh Huệ.
Công trình này được đầu tư số vốn gần 200 tỷ đồng với tổ hợp công trình được thiết kế theo kiến trúc tân cổ giao duyên, với vẻ tráng lệ, linh thiêng. Toàn bộ chi phí xây dựng được vợ chồng một doanh nhân là người trong xã, nay sống ở TP Vinh (Nghệ An) tài trợ.
Cổng Tam quan (Đại Tiền Môn) cấu trúc bằng gỗ, được lợp mái ngói đao cong, long phượng đắp nổi uốn lượn ngoảnh mặt ra cánh đồng. Năm 2016, công trình này hoàn thành, được bàn giao cho ban chấp hành họ Trần ở Hà Tĩnh quản lý.
Khuôn viên của Trần Triều Điền gồm hơn 15 hạng mục chính, trong đó có 3 tòa nhà lớn là Đệ Nhất Điện, Đệ Nhị Điện và Đệ Tam Điện tương ứng với Phật đường, Thánh đường và Từ đường. Các tòa được phân cấp hai tầng, thiết kế theo kiến trúc xưa.
Lối đi vòng phía sau điện được làm vòm mái với hàng cột lớn. Khuôn viên ba khu nhà được chăm sóc bởi các sư thầy cùng phật tử là con cháu dòng họ Trần đảm nhiệm.
Bên trong các điện được bài trí thể hiện sự nguy nga, tráng lệ. 22 pho tượng uy linh được đúc bằng đồng nguyên chất, dát vàng.
Các pho tượng ở đây là các vị vua, tướng lĩnh có công với đất nước. Trong số này còn có bức tượng bằng đồng đúc hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng lĩnh tài ba của Việt Nam.
Các tòa điện lớn được trụ vững bởi những cây cột cao lớn, thiết kế, chạm khắc nổi cầu kỳ. Những cặp lục bình to lớn được làm bằng gỗ và đá màu nguyên khối.
Những bản sắc phong vua ban in hình rồng được đặt trong khung gỗ sơn son thiếp vàng, mặt trước gắn kính.
Phía Tây điện thờ là vườn cây cảnh, giếng ngọc và dãy núi đá nguyên khối, có hình con rồng uốn lượn vắt ngang.
Khuôn viên đền còn có một số kiến trúc khác như cổng Tam Quan, tượng Quan Âm, lầu chuông, quả cầu phong thủy...
Phía tây điện thờ có một tòa tháp 9 tầng, cao 16 m.
Họa tiết hoa văn, con giáp, long ly quy phượng được thiết kế trên mái các tòa điện thể hiện sự cầu kỳ.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân) cho biết cứ ngày 13 tháng Giêng hàng năm, đền Trần tại đây lại tổ chức lễ hội nhằm thể hiện lòng biết ơn của các tầng lớp nhân dân cùng con cháu dòng họ Trần đối với công lao to lớn của các đời vua Trần cũng như tướng lĩnh, công thần trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước.