Chiêm ngưỡng bức tranh gạo ST lớn nhất Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Lễ khai mạc Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần thứ V năm 2023 và Tổ chức xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam (do tổ chức Vietkings xác nhận) đối với bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST 25 với chủ đề “Cây lúa Sóc Trăng xưa và nay” nhằm tôn vinh sự phát triển của ngành nông nghiệp và công lao của những nhà nghiên cứu, người lao động trong ngành.

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng, cây lúa là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Sóc Trăng, trong đó, nhóm giống lúa thơm ST với chất lượng vượt trội, đạt kim ngạch xuất khẩu cao và đưa hạt gạo Việt Nam nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng vươn ra tầm thế giới, như: gạo ST 24 được vinh danh “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” năm 2017 và gạo ST25 giành giải cao nhất Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Tác phẩm Bức tranh làm bằng gạo ST25 với chủ đề: “Cây lúa Sóc Trăng xưa và nay” có kích thước cao 4m và ngang 7m, do Nghệ nhân Trần Đăng Nghiêm (cơ sở tranh nghệ thuật Đăng Nghiêm, quận Ninh Kiều-TP.Cần Thơ) cùng 8 người thợ thực hiện bằng phương pháp thủ công trong thời gian 18 ngày. Trong có độ dày 10mm, lắp ghép từ 14 bức nhỏ, mỗi bức 1m x 2m được phủ sơn trong suốt, chống thấm, chống nhiệt với độ bền trên 30 năm.

Chiêm ngưỡng bức tranh gạo ST lớn nhất Việt Nam ảnh 1

Cắt băng ra mắt tranh gạo ST25 được Tổ chức VietKings xác nhận Kỷ lục Việt Nam

Tác phẩm thể hiện sự so sánh và phản ánh giữa 2 thời kỳ khác nhau để làm nổi bật thêm sự phát triển và thay đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Bức tranh là một cánh đồng tổng thể mênh mông tái hiện lại truyền thống của nghề nông Sóc Trăng, những cô gái đang khoan thai cắt lúa bằng tay, hình “đôi Trâu cộ lúa” trên đồng và phía sau là những mái nhà lá đơn sơ mộc mạc, tô điểm nét quê thật giản dị và thanh bình, thể hiện nét đẹp lao động cần cù và gắn bó của tỉnh Sóc Trăng qua các thời kỳ.

Bên cạnh đó là sự cải tiến về công nghệ mà ngành nông nghiệp đang ứng dụng với chiếc máy gặt đập liên hợp và con đường nhựa thênh thang trải dài, kết hợp với những ngôi nhà kiến trúc hiện đại, qua đó, thấy được sự tiến bộ về mặt khoa học, kỹ thuật trong canh tác lúa, giúp tăng năng suất và cải thiện đời sống của người dân. Điểm nhấn của bức tranh là biểu tượng giống lúa ST25 thể hiện niềm tự hào và vinh dự của ngành nông nghiệp Sóc Trăng khi lần đầu tiên được vinh danh Gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019.

Chiêm ngưỡng bức tranh gạo ST lớn nhất Việt Nam ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng với bức tranh

Dự kiến bằng kỷ lục Việt Nam với nội dung: Bức tranh ghép chủ đề “Cây lúa xưa và nay” làm từ gạo ST lớn nhất Việt Nam sẽ được trao cho sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng vào ngày 25/11 tới.

Theo Ban tổ chức Lễ hội, bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ Gạo ST 25 với kích thước 4x7m, dày 10mm, gồm 14 bức nhỏ, mỗi bức 1m x 2m, được phủ sơn trong suốt, chống thấm, chống nhiệt với độ bền trên 30 năm. Bức tranh này do Nghệ nhân Trần Đăng Nghiêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thực hiện. Bức tranh hoàn toàn được làm từ gạo ST 25.

Chiêm ngưỡng bức tranh gạo ST lớn nhất Việt Nam ảnh 3

Bức tranh gạo ST25

Theo giới thiệu của ông Trần Đăng Nghiêm, người thực hiện bức tranh “Cây lúa Sóc Trăng xưa và nay”, những điểm chính của bức tranh được nghệ nhân dùng hạt gạo còn nguyên, còn với những điểm phụ, hạt gạo được làm nhỏ lại để mịn màng, có những chỗ cần phải giã gạo mịn để trang trí các chi tiết. Để thực hiện bức tranh này, ngoài nghệ nhân Trần Đăng Nghiêm thực hiện, còn có 8 người hỗ trợ. Bức tranh được bắt đầu làm từ đầu tháng 11/2023, sau 18 ngày là hoàn thành. Bức tranh có 15 sắc độ từ trắng nhất đến màu tối đen. Để có màu trắng, kíp thợ phải rang gạo khoảng 30 phút mới ra được màu ưng ý; còn màu đen phải rang liên tục trong khoảng 20 tiếng đồng hồ mới ra được màu, màu sẽ đậm lên từ từ. Khi làm tranh, công đoạn khó nhất là xử lý hạt gạo nhỏ bởi các hạt gạo nhỏ khi làm tranh phải bôi keo lên trước rồi gắn gạo vào, vậy nên gạo dính liền luôn không lấy ra được. Còn hạt gạo lớn khi gắn vào thì có thể sửa được. Tổng số lượng gạo là 68kg.

Điểm nhấn của bức tranh là biểu tượng giống lúa ST 25, thể hiện niềm tự hào và vinh dự của ngành nông nghiệp Sóc Trăng khi lần đầu tiên được bình chọn gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019. Điều này cho thấy sự nỗ lực và khả năng đột phá của người dân Sóc Trăng trong việc phát triển nông nghiệp, mang tên tuổi của tỉnh Sóc Trăng đi xa trên bản đồ quốc tế, đánh dấu bước ngoặt cho sự tăng trưởng đáng kể về sản lượng và dấu ấn vượt trội về chất lượng.

Chiêm ngưỡng bức tranh gạo ST lớn nhất Việt Nam ảnh 4

Gạo ST25 của Kỹ sư Hồ Quang Cua

Tác phẩm “Cây lúa Sóc Trăng xưa và nay” đưa ra thông điệp về sự đổi mới và sự phát triển không ngừng của tỉnh Sóc Trăng trong việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Đồng thời cũng nhắc chúng ta không quên giữ gìn và tôn trọng những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của ngành nông nghiệp.

Sáng ngày 22/11, Sở Công Thương Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị “Giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng năm 2023”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2023 với sự tham gia của đại diện Tổ công tác Cục Xúc tiến thương mại phía Nam (Bộ Công Thương); các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 184 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 100 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao là gạo ST24, 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 172 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Được sự quan tâm kịp thời của tỉnh, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng… được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm hàng hóa vào tiêu thụ tại các thị trường, các kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống cũng đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong tỉnh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập thị trường quốc tế, liên doanh, liên kết, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy các quan hệ thương mại trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế chung của cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Các đại biểu tham dự hội nghị giao thương, kết nối đã được nghe các nhà phân phối chia sẻ những cơ hội và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kết nối, đưa sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của các địa phương vào siêu thị; xu hướng phát triển thương mại điện tử và giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của Sóc Trăng.

Tại hội nghị, các nhà phân phối và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh đã ký kết trên 30 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công Thương) ký kết hợp tác với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.

Cũng trong chiều 22/11, đã diễn ra Hội nghị Kết nối giao thương cụm Tây Nam Bộ kết nối cung cầu sản phẩm nội địa vùng-cà phê doanh nhân xúc tiến thương mại điện tử do Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại và Đầu tư Doanh nhân trẻ Việt Nam - Cụm Tây Nam Bộ phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng cùng Hội doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ tổ chức.

Anh Trần Quốc Tín, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Mục đích của Hội nghị là tạo sân chơi xúc tiến thương mại khu vực sông Mê Công; giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, cơ hội kết nối giao thương, giới thiệu hàng hóa đến các tỉnh thành trong khu vực với sự tham gia của hàng trăm gian hàng trưng bày giao thương và khoảng 300 doanh nhân đến từ 13 tỉnh thành trong khu vực.

Cũng nhân dịp này, 30 phần quà, mỗi phần 2 triệu đồng của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã được trao cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh Sóc Trăng.

MỚI - NÓNG