Chiếc nỏ thể hiện sức mạnh đàn ông

0:00 / 0:00
0:00
Già Siu Meh bắn nỏ
Già Siu Meh bắn nỏ
TP - Qua chiếc nỏ (ná), những người đàn ông vùng đất Tây Nguyên thể hiện được sức mạnh, bản lĩnh và sự khéo léo.

Theo già Siu Meh (70 tuổi, trú buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai), làm một chiếc nỏ không khó, nhưng làm sao để nó hoạt động hiệu quả khi đẩy mũi tên xa hàng trăm mét lại là thách thức. Phần quan trọng nhất của nỏ là cánh, nhất quyết phải được làm từ thân gỗ tốt của núi rừng Tây Nguyên là trắc, là giáng hương. Dòng gỗ này không chỉ bền mà còn có tính đàn hồi, ổn định rất cao, chấp cả nắng, mưa. Thường những đoạn gỗ được chọn làm cánh nỏ phải có thớ gỗ thẳng đều, không mắt, khô. Khó nhất là phần vót cánh nỏ, đòi hỏi hai bên cân đối; việc này tốn thời gian nhất. Để vót ra một cánh nỏ chuẩn, người thợ chỉ làm khi vui vẻ, trau chuốt từng nhát dao; nếu bực tức hay nóng vội, sẽ phá hỏng cả một thanh gỗ quý. Cánh nỏ thể hiện sức mạnh của người đàn ông. Thanh niên khỏe mạnh trong bản làm nỏ lớn (cánh nỏ chừng 1 mét) để săn nai, lợn rừng, còn cánh nỏ nhỏ cỡ 2 gang tay để săn thú bé như thỏ, sóc…

Quan trọng không kém là dây nỏ. Với người dân tộc Jrai, họ thường vào rừng tìm một loại cây thân leo là “Brang Chăm”, sau đó cắt về phơi khô, đập dập, rồi bện lại với nhau. Dây này rất bền, chắc, chịu được thời tiết nắng gió của Tây Nguyên. Phần cuối cùng là tên, thân nỏ, cò… đều được làm đơn giản theo cách thức được truyền lại tuỳ từng vùng.

Nay đã 70 tuổi nhưng già Siu Meh vẫn đều đặn mỗi chiều mang cây nỏ do cha mình để lại ra sau núi tập bắn. Với ông, đây vừa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe vừa giải trí. Ông nhớ, lúc còn trẻ cùng nhóm thanh niên khỏe mạnh nhất vào rừng săn bắn được nhiều nai, lợn rừng về đãi cả làng. Bây giờ điều ấy chỉ còn trong ký ức và nỏ được treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. “Mình có 3 người con trai nhưng giờ có gia đình cả rồi, bọn nó không thích nỏ đâu vì nỏ không cho nó bát cơm được. Có khi rảnh, nó mang nỏ mình ra nhưng có kéo nổi đâu”, ông Siu Meh bộc bạch.

Nhà thơ Văn Công Hùng, người có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, nhận định, nỏ của người Tây Nguyên phù hợp với thời kỳ săn bắt, hái lượm; họ truyền nhau từ đời này sang đời khác, nhưng giờ đây nỏ không còn hợp thời. Tuy vậy, đây là nét văn hóa đặc trưng của người Tây Nguyên nên cần bảo tồn, gìn giữ trong làng bảo tồn, khu du lịch.

MỚI - NÓNG
Phát hiện mới bất ngờ về Mái ấm Hoa Hồng; Bé gái 14 tuổi nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'
Phát hiện mới bất ngờ về Mái ấm Hoa Hồng; Bé gái 14 tuổi nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'
TPO - Tại Mái ấm Hoa Hồng, bước đầu cơ quan chức năng ghi nhận có 10 trường hợp trẻ được sinh ra từ các 'bà mẹ trẻ em’; TPHCM tồn đọng gần chục ngàn hồ sơ vì chờ bảng giá đất mới; Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch; Đồng Nai phát hiện ca nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người',... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
TPO - Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 ( tên quốc tế YAGI) tác động trực tiếp khi nằm trên trục di chuyển của cơn bão sau khi đổ bộ đất liền. Trong 24 giờ qua Hà Nội có mưa dông và gió giật dữ dội, dự báo trong ngày 8 - 9/9 khu vực vẫn nằm trong ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão.