Chiếc áo đấu và bản quyền truyền hình V-League

V-League 2018 đã chính thức khởi tranh.
V-League 2018 đã chính thức khởi tranh.
TP - Cho dù chưa thực sự được như mong muốn của công chúng, bóng đá Việt Nam trực tiếp là giải VĐQG vẫn có những giá trị nhất định. Vấn đề có lẽ chỉ là, những người làm bóng đá có nhìn ra và khai thác được hay không, thay vì để lãng phí như bao lâu nay.

Ngày 10/3, giải bóng đá VĐQG, V-League 2018 đã chính thức khởi tranh với 2 cặp đấu đầu tiên giữa HAGL-Bình Dương trên sân Pleiku và Quảng Nam-Sài Gòn tại Tam Kỳ. Bên cạnh các vấn đề thuần tuý chuyên môn bóng đá, câu chuyện được nhiều người khá quan tâm lại là cuộc tranh chấp xoay quanh bản quyền truyền hình của giải đấu.

Sau khi nhận nhiệm vụ, ban lãnh đạo nhiệm kỳ 3 của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã quyết định thanh lý hợp đồng sản xuất V-League, ký với Next Media trước đó. Quyết định trên đã dẫn tới sự phản đối của Next Media, với diễn tiến hiện chưa có điểm cuối. Các thông tin mới đây chỉ cho biết, VPF và Next Media đã nhất trí việc thanh lý các hợp đồng cũ, đồng thời tiến hành đàm phán hợp đồng mới. Mặc dù vậy, như một nguồn tin trong cuộc, quá trình đàm phán chắc chắn sẽ không đơn giản, và mất nhiều thời gian.

Lâu nay, V-League nói riêng cũng như bóng đá Việt Nam nói chung vẫn bị coi là “cỗ máy” ngốn tiền, không tạo ra giá trị trực tiếp nuôi sống các đội bóng. Bản quyền truyền hình V-League trên thực tế cũng không đem lại nguồn thu cho VPF và các CLB. Thay vào đó, giữa đơn vị tổ chức với các đơn vị truyền hình chỉ có hợp đồng mang tính chất “hàng đổi hàng”. Nói như ông Phạm Ngọc Viễn, một thành viên kỳ cựu của VPF thì chưa thể gọi là có bản quyền truyền hình V-League vì thực tế, VPF không kiếm được tiền của các nhà đài. Vụ việc giữa VPF và Next Media đã cung cấp một góc nhìn khác, cho thấy V-League không hề “vô giá trị” mà vẫn tạo nên lợi ích, đủ để đẩy những người liên quan vào một cuộc cạnh tranh.

Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển, bản quyền truyền hình và vé là hai kênh tạo nên nguồn thu lớn cho BTC và CLB. Đơn cử như giải Ngoại hạng Anh, bản quyền truyền hình luôn là câu chuyện nóng bỏng không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam. Dĩ nhiên, so sánh giữa V-League với Premier League có phần khập khiễng nhưng nói như ông Trần Anh Tú, để bóng đá có thể phát triển thì về lâu dài, vấn đề bản quyền truyền hình phải được giải quyết một cách căn bản, tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn sau.

Nhân việc này lại phải nói sang một câu chuyện khác. Ở mùa giải năm nay, V-League chứng kiến một loạt thương hiệu nhảy vào tài trợ trang phục cho các đội bóng. Chẳng hạn như Thanh Hoá gắn với thương hiệu Mitre, Quảng Nam dùng trang phục của Jogarbola (Nhật Bản) cho đội 1, hay CLB Hà Nội tiếp tục hợp đồng với Kappa. Nhiều đội bóng khác như HAGL, Sông Lam Nghệ An, Bình Dương, Hải Phòng… cũng đều được tài trợ trang phục thi đấu.

Bóng đá nói chung và V-League nói riêng rõ ràng vẫn có những giá trị nhất định, và là một kênh quảng bá hình ảnh tốt cho các doanh nghiệp. Có lẽ không hề ngẫu nhiên khi ở nhiệm kỳ 3, một trong những ưu tiên tập trung đẩy mạnh của VPF, bên cạnh vấn đề chuyên môn tổ chức giải đấu, chính là công tác truyền thông. Nói như ông Trần Anh Tú, V-League nếu nhìn từ góc độ một sản phẩm để bán thì cần phải ngày càng tốt hơn về mặt chất lượng, ở đây là các trận đấu, và đẹp hơn về hình ảnh. Đây là một cách tiếp cận chuyên nghiệp, nếu so với quan niệm lâu nay về bóng đá, chỉ gói gọn trong cuộc đấu dưới sân cỏ của 22 cầu thủ.

Dĩ nhiên, để nâng tầm được V-League thì phía trước còn cần rất nhiều thời gian. Đại diện một nhãn hàng trang phục thể thao đang gắn tên với CLB ở V-League cho biết, một trong những băn khoăn của đơn vị này, là thói quen sử dụng hàng “nhái” của người đam mê bóng đá. Với trị giá trên dưới 400.000 đồng, áo chính hãng rất khó cạnh tranh với những bộ đồ “nhái”, giá có thể chỉ trên dưới 100.000 đồng. Chỉ khía cạnh trên đủ cho thấy sự khó khăn trong việc phát triển bóng đá Việt Nam. Mặc dù vậy, với định hướng mới của VPF hiện nay, có thể chờ đợi V-League về mặt lâu dài có thể tạo nên những thay đổi đột phá mang tính căn bản. Ít nhất cho tới lúc này, công chúng đã phải thay đổi phần nào cách đánh giá về V-League, cụ thể là giá trị giải đấu có thể đem lại.

MỚI - NÓNG