Chị và em học cùng một lớp

Chị và em học cùng một lớp
Nhà nghèo, Cẩm nhường suất đi học cho đứa em tàn tật của mình. Ngày đầu cùng cha đưa em đến trường, cánh cửa mới đã mở toang với mình: Cẩm được thầy cô nhận vào học chung lớp với em.

Chị và em học cùng một lớp

> Cậu học trò 38kg đỗ hai trường đại học
> Cô bé không tay mơ thành kỹ sư công nghệ thông tin

Nhà nghèo, Cẩm nhường suất đi học cho đứa em tàn tật của mình. Ngày đầu cùng cha đưa em đến trường, cánh cửa mới đã mở toang với mình: Cẩm được thầy cô nhận vào học chung lớp với em.

Hai chị em Cẩm và Lai. Ảnh: Thúy Hằng
Hai chị em Cẩm và Lai. Ảnh: Thúy Hằng.

Cứ vậy, hai chị em cùng nương tựa nhau vượt khó đến trường.

Hình ảnh cô học trò Nguyễn Thị Cẩm (sinh năm 1995, lớp 8A9 Trường THCS Dưỡng Điềm, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, Tiền Giang) chen chúc giữa dòng học sinh, gồng mình đẩy thật mạnh chiếc xe đạp qua đường, rồi chạy nhanh vào con lộ bêtông để về nhà đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Ngồi trên yên xe là Nguyễn Hữu Lai (sinh năm 1996), em trai của Cẩm. Cậu bé bám chặt lấy yên xe, hai chân cứ run run vì không thể làm chủ được.

Niềm vui bất ngờ...

Mong hai em cùng đến lớp

“Ngày đầu tiên nhận Cẩm và Lai vào lớp tôi rất thương hai em. Cậu bé Lai dù cử động khó khăn nhưng đôi mắt lại rất linh hoạt. Còn Cẩm thì gương mặt bầu bĩnh, dễ thương. Em cứ đứng kế bên mân mê đôi tay đang run run của Lai. Tính theo tuổi lẽ ra Cẩm có thể học lớp 5 rồi nhưng do gia đình khó khăn nên cha của em chỉ xin cho Lai đến lớp.

Thấy vậy, tôi và các giáo viên trong trường khuyên gia đình cho cả hai vào cùng lớp, có khó khăn gì sẽ hỗ trợ thêm cho hai chị em. Từ đó hai đứa trẻ được đến lớp. Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng ở lớp hai em tiếp thu rất nhanh. Thấy Lai không viết bài được nhưng rất thông minh nên ngày nào tôi cũng rèn cho em cách cầm viết. Sau đó hướng dẫn Cẩm về nhà luyện tập cho em. Suốt mấy năm qua thấy hai chị em luôn học giỏi và thương yêu nhau, các thầy cô trong trường ai cũng thương”.

Phan Thị Phương
(giáo viên chủ nhiệm của Cẩm và Lai năm lớp 1)

Mới ra đời, cậu bé Lai đã phải gánh chịu nỗi đau khi đôi chân không thể đi lại được. Anh Nguyễn Văn Dũng (cha của Cẩm và Lai) ngậm ngùi kể: “Lúc Lai được ba tháng tuổi, tôi để bé lên ngực thấy hai chân bé không thể đứng thẳng được. Đem đến bác sĩ thì được biết là tật bẩm sinh.

Lúc ấy hai vợ chồng choáng váng, chẳng biết làm gì”. Suốt hai năm trời, anh Dũng và vợ đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh để điều trị. Hai vợ chồng làm thuê ngày này qua ngày khác nhưng vẫn không đủ tiền để chữa bệnh cho con.

Thấy vậy, cả nhà đùm túm nhau về quê nội ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) nương tựa. Anh Dũng gửi hai con lại cho bà nội và người bác bị bệnh tâm thần rồi đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về thăm. Kể từ đó cậu bé Lai cũng chấp nhận sống với đôi chân tật nguyền...

Năm Cẩm được 10 tuổi, nghe ba má có ý định cho Lai đi học, Cẩm liền đôn đốc: “Để con đưa em đi học. Con còn có thể đi làm thuê làm mướn được chứ em thì chỉ có đi học sau này mới có việc để làm”. Cẩm hiểu rõ hoàn cảnh của mình, chỉ mong đưa Lai đến lớp mỗi ngày chứ không mong mình được đến lớp.

Vậy mà cái ngày đầu tiên cùng cha hộ tống em trai đến trường, một cánh cửa mới đã mở toang đối với Cẩm. Khi thấy gương mặt Cẩm phảng phất nỗi buồn, thầy cô giáo năn nỉ gia đình cho cả hai em được đi học.

Thế là Cẩm cũng được đến trường. Niềm hạnh phúc ngập tràn trong lòng cô bé. “Để đón niềm vui bất ngờ này, hai chị em đã hứa với nhau sẽ học tốt. Con cũng tự hứa sẽ là chỗ dựa vững chắc cho đến ngày Lai hoàn thành việc học của mình” - Cẩm nói.

Hương vị cuộc sống của cô học trò nhỏ

Rồi chẳng mấy chốc hai chị em cũng lớn lên. Cẩm bắt đầu biết chạy xe đạp. Năm lên lớp 3, Cẩm được ông ngoại tặng chiếc xe đạp cũ. Em liền xin phép cả nhà để tự chở Lai đi học. Mỗi ngày cứ đến giờ đi học, Cẩm nhờ người thân cõng Lai lên chiếc xe cũ kỹ rồi lóc cóc đạp đến trường.

Đến trước cửa lớp, Cẩm nhờ bạn bè giữ xe giúp rồi cõng em vào lớp. Nhớ lại những ngày đầu chở Lai đi học, Cẩm không đếm được mình đã làm ngã em bao nhiêu lần. Những năm qua, bạn bè luôn ngưỡng mộ Cẩm và Lai. Hai chị em đi học nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người, đến căn nhà còn phải ở đậu trên đất người khác vậy mà lúc nào cũng học giỏi. Cô Nguyễn Thị Lan (giáo viên chủ nhiệm lớp 8A9) cho biết: “Hai chị em rất cố gắng trong học tập. Vì Lai không thể đến lớp học phụ đạo của trường tổ chức nên Cẩm đi học rồi về dạy lại em. Những gì giáo viên dạy trên lớp em đều truyền đạt hết cho Lai. Vì thế thành tích học tập của hai chị em rất tốt”.

Hơn 15 năm theo cha mẹ về Tiền Giang sinh sống, Cẩm chỉ loanh quanh bên cạnh em trai. Cô học trò nhỏ chẳng biết đến những hoài bão to lớn là thế nào mà chỉ nuôi dưỡng ước mơ nhỏ nhoi đó là thực hiện lời hứa của chính mình vào ngày đầu tiên được bước chân đến lớp.

Cẩm có dáng người thấp bé, gương mặt hiền lành. Còn Lai tuy hai chân bị tật nhưng dáng người cũng không thua gì Cẩm. Ấy vậy mà chừng ấy năm, Cẩm cõng Lai lên xuống chiếc xe đạp cũ kỹ. “Việc chở em đi học như là việc con học hành, ăn uống, hít thở mỗi ngày. Nó như một hương vị trong cuộc sống của con. Những ngày không được đến trường với em con thấy trống trải, thấy như cuộc sống bị thiếu đi một thứ gì đó rất quan trọng. Em Lai ngày càng lớn nhanh, còn con thì không lớn kịp. Con chỉ ước sao bây giờ lớn nhanh hơn, lớn làm sao mà có thể chạy xe vù vù chở em đến lớp” - Cẩm tâm sự.

Người bạn nhỏ

Đó là Phạm Minh Tuấn, người bạn học chung lớp, ngồi chung bàn với Cẩm và Lai. Ngày nào Tuấn cũng chờ hai chị em ở trước cửa lớp học. Thấy bóng Cẩm và Lai xuất hiện thì Tuấn tất bật chuẩn bị tư thế cõng Lai vào lớp. Đến giờ tan học, Tuấn lại xếp nhanh sách vở. Sau đó Tuấn cõng Lai ra xe, cùng Cẩm đặt bạn lên yên xe. Trên đường về, Tuấn luôn túc trực phía sau xe của Cẩm và Lai. Đến dốc cầu, Tuấn nhảy phốc xuống xe rồi chạy nhanh lại đẩy xe lên dốc phụ Cẩm. Cứ như thế, ba năm quen biết nhau là ba năm Tuấn có mặt phía sau chiếc xe đạp cũ kỹ của hai chị em Cẩm. “Hồi trước con ngồi kế Lai, thấy Cẩm cõng Lai nặng nhọc quá nên con cõng giúp. Những lần đầu không quen hai đứa té nhào ra đất. Giờ cõng riết thấy Lai nhẹ lắm” - Tuấn hồn nhiên nói.

Theo Thúy Hằng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG