Ngày 29/8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số xanh (PGI) của thành phố và giải pháp nâng cao các chỉ số này.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV. |
Nhiều nội dung, tiêu chí chưa đạt hiệu quả
Theo báo cáo, chỉ số cải cách hành chính - PAR INdex năm 2021, 2022, 2023 của thành phố đứng trong top 10, đặc biệt năm 2022 và năm 2023, PAR INdex của thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư, tăng 7 bậc so với năm 2021.
Kết quả chỉ số PCI của Hà Nội năm 2023 đạt 67,15 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố - tăng 0,41 điểm.
Tuy nhiên nhiều nội dung, tiêu chí các chỉ số PAR INdex, SIPAS, PCI, PGI chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Phân tích, đánh giá về một số chỉ số của thành phố Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, nhìn chung, chiều hướng có tăng về mặt điểm số. Tuy nhiên, theo ông, Hà Nội còn một số hạn chế so với các tỉnh, thành phố khác về các tiêu chí: Tiếp cận đất đai; tính năng động của chính quyền; chi phí không chính thức.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích một số chỉ số của thành phố Hà Nội. Ảnh: PV. |
"Về tính năng động, tiên phong của chính quyền, đây là điểm "chưa mạnh" của Hà Nội. Chúng tôi hỏi doanh nghiệp thì họ đánh giá đang ở mức thấp hơn trung bình", ông Tuấn nêu. Đáng chú ý, theo ông Tuấn, khi được hỏi, có tỷ lệ tương đối cao doanh nghiệp cho rằng, các sở, ngành, quận, huyện chưa thực hiện đúng chủ trương, chính sách của thành phố (40 - 42%).
Về thủ tục hành chính, chi phí đi lại của doanh nghiệp "dù có thay đổi tích cực, nhưng so với bình quân chung cả nước vẫn thấp hơn". Khi thực hiện thủ tục hành chính, doanh nghiệp được hỏi cho rằng, mức độ hài lòng về sự chuyên nghiệp, thái độ thân thiện không cao.
Ông Tuấn nêu: Qua khảo sát hỏi doanh nghiệp về đánh giá thủ tục hành chính nào gây phiền hà nhất, thì doanh nghiệp nêu ở các lĩnh vực: thuế, đất đai và phòng cháy chữa cháy. Một vấn đề khác, theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp cho rằng có sự chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra; chi phí không chính thức còn ở mức cao so với các tỉnh, thành khác...
Xử lý và thay thế ngay các trường hợp vi phạm
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thời gian vừa qua, thành phố đã chủ động đề xuất T.Ư những cách làm hiệu quả và thành công như cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, sổ sức khỏe điện tử, trông giữ xe không dùng tiền mặt.
Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, ông Hải lưu ý các địa phương, đơn vị cần thống nhất nhận thức về vị trí và vai trò của cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06. "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, hiệu quả đo lường bằng sự hài lòng của người dân. Chỉ có thể đi tắt đón đầu, phát triển nhanh và bền vững thông qua khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính và chuyển đổi số", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải nhấn mạnh, cần xử lý và thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, không có tinh thần, thái độ, tâm thế phục vụ. Đồng thời tăng cường chuyển đổi số, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, triển khai quy trình giải quyết công việc theo phương châm "4 không, 3 rõ, 1 xuyên suốt".
"Trên cơ sở kết quả đánh giá các chỉ số hôm nay, các đơn vị, địa phương cần đánh giá, xác định rõ những nội dung đã đạt được, những nội dung nào chưa đạt, trách nhiệm thuộc về đơn vị hay cá nhân nào. Đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới", ông Hải nêu.