Cô gái từng mù chữ cho đến tận 16 tuổi ấy không chỉ gây dựng cho mình một khoảng trời riêng là doanh nghiệp xã hội Sa Pa O Châu, mà còn đem đến cơ hội học hành và việc làm cho hàng trăm thanh niên dân tộc thiểu số mỗi năm.
Dạy tiếng Anh và nghề miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số
Gần 10 năm trước, tôi quen Tẩn Thị Shu (sinh năm 1986) khi theo một nhóm tình nguyện viên người nước ngoài lên Sa Pa. Khi đó, tiếng Việt của Shu còn khó nghe, tôi hay đùa là muốn hiểu phải bắn phụ đề. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng cô gái người Mông phải dùng tiếng Anh để diễn đạt ý của mình. Shu học tiếng Anh từ chính các khách du lịch đến Sa Pa, 22 tuổi, cô đã có 7 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên.
“Em nói với các bạn, thay vì dành quá nhiều thời gian để nói chuyện yêu đương, phải dùng nó để học, vì ở tuổi này không học thì sau sẽ rất vất vả, lớn tuổi rồi mới “tỉnh ngộ” học lại càng vất vả gấp đôi”, Shu kể.
Shu có cái dạn dĩ của “dân bán hàng rong” từ nhỏ. Trong khi nhiều người trông thấy khách nước ngoài thì thẹn, Shu ngược lại, như cá tìm được nước, bắn tiếng Anh vèo vèo. Nhờ tiếng Anh, Shu kiếm được những khoản tiền đáng kể đầu tiên. Rồi từ đó, cô kết nối với bốn người bạn Úc, thành lập Sa Pa O Châu - tiếng Mông có nghĩa là Xin chào Sa Pa. Doanh nghiệp này chuyên làm các dịch vụ du lịch cộng đồng, đề cao tiêu chí dạy tiếng Anh miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số, về sau Shu mở rộng ra cả việc dạy nghề, tất nhiên, cũng miễn phí.
Giáo viên tình nguyện đứng lớp tiếng Anh của Shu chính là các khách hàng của Sa Pa O Châu. Để thuyết phục khách, Shu kể cho họ nghe về cuộc sống khó khăn của thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số khi không được học hành và không có việc làm. Bản thân Shu là một nhân chứng sống cho việc này, khi lập ra Sa Pa O Châu cô mới tốt nghiệp lớp 10 hệ bổ túc văn hóa. Nhiều người bạn ngoại quốc bị câu chuyện của Shu hấp dẫn, tình nguyện ở lại. Zack Wagner, một thanh niên người Mỹ vốn chỉ định lên Sa Pa chơi, cuối cùng nán lại dạy tiếng Anh cho những người bạn nhỏ của Shu cả tháng trời.
Bẵng đi, giữa hai khoảng lặng của dịch COVID-19 vừa rồi tôi mới gặp lại Shu. Sa Pa O Châu giờ không chỉ đơn thuần là mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa nữa, mà có cả dịch vụ lưu trú (homestay và khách sạn). Ngoài cơ sở 1 ở Sa Pa, hiện Sa Pa O Châu đã có cơ sở 2 ở Hà Giang “to đẹp sành điệu hơn” như lời Shu giới thiệu và một chi nhánh dưới Hà Nội.
“Hiện em đang tuyển sinh lớp tiếng Anh miễn phí vào tháng 5 này. Sẽ dạy các bạn cả tiếng Anh và nghề, trong 9 tháng” Shu khẳng định. Thời gian 7 năm đủ biến Shu từ một người ngay cả từ “doanh nghiệp” và “kỹ thuật số” cũng cần giải thích, thì nay cô đã rất tự tin khi nói về marketing online hoặc thuyết trình bằng powerpoint.
Cô gái truyền cảm hứng
3 tuổi Shu đã bắt đầu theo mẹ đi bán hàng rong ở Sa Pa. Bố thường xuyên ốm đau, một mình mẹ Shu phải làm rất nhiều việc một lúc để nuôi nấng mấy chị em. Bảy năm trước Shu bảo tôi: nghèo làm em mặc cảm lắm, có lúc chỉ ước bố mẹ làm giáo viên, nhà mình giàu một chút. Bảy năm sau, vẫn cô gái ấy khẳng định chắc nịch: em chắc chắn sẽ không ngồi chờ một người đáp lại tình cảm của mình, ai bỏ lỡ tình cảm của em là người đó thiệt!
Trên quãng đường đi bán hàng, mỗi ngày Shu đều đi qua các trường học, cô bé người Mông khôn trước tuổi ấy khi đó chỉ ao ước, có đủ tiền để học. Cho nên, khi nghĩ đến những khao khát thơ bé ấy, Shu không ngần ngại bỏ công bỏ của để tạo điều kiện học hành cho những thanh thiếu niên cùng hoàn cảnh với mình.
Giàng Thị Cờ (Lao Chải, Sa Pa) là một trong những cô gái tìm được cơ hội đổi đời “nhờ chị Shu”. Trước đây, Cờ chỉ ở nhà làm ruộng, quanh năm vất vả nhưng vẫn đói nghèo. Được Shu hướng dẫn học tiếng Anh, hiện Cờ đã có chứng chỉ hướng dẫn viên, chuyên dẫn khách trekking (du lịch theo kiểu đi bộ dài ngày) và trải nghiệm homestay. Công việc này đem lại thu nhập ổn định cho Cờ, nó cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 người khác cùng bản nhờ làm dịch vụ.
Giàng Thị Du (Lao Chải, Sa Pa) cũng không được đi học từ nhỏ. Du an phận ở nhà làm ruộng và chuẩn bị lấy chồng sớm. Cũng là “chị đại Shu” thuyết phục cô lên thị trấn học. Ở Sa Pa O Châu, Du được học miễn phí và có dịp tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh giống như mình. Du kể, bạn cùng phòng của cô là Hang Thị Lee, rất nhiều lần muốn bỏ học nhưng chị Shu lại mua quần áo và khuyên Lee kiên trì.
Trong số các học viên ở Sa Pa O Châu, có nhiều người đến từ tỉnh khác. Ví như Sùng Mí Phìn. Con đường của Phìn khá đặc biệt: anh tìm đến Sa Pa O Châu khi đã là một giáo viên miền núi. Sau một thời gian nhận thấy giáo viên không phải là công việc mơ ước của mình, Phìn quyết định bỏ dạy, mang theo 500 ngàn tìm đến Sa Pa O Châu xin học tiếng Anh trong sự phản đối quyết liệt của gia đình. Thời gian đầu, sự “khó chơi” của một ngôn ngữ mới khiến Phìn rất nản, mỗi lần anh tập phát âm một từ mới là rất nhiều bạn lại cười bò. Định bụng bỏ dở ước mơ xa vời, Phìn tâm sự với Shu và được cô động viên: “Ở Hà Giang, du lịch phát triển nhanh quá, người dân bản địa không thích ứng được. Muốn làm du lịch chuyên nghiệp mình phải học từ bây giờ. Em là người trẻ, em phải học để đánh thức tư duy cho cả cộng đồng”.
Thế là Phìn cắn răng học tiếp, vừa học vừa xin làm bồi bàn, dọn phòng, lễ tân để học thêm nghề và kiếm thêm thu nhập. Năm 2019 Phìn tốt nghiệp về Hà Giang mở homestay. “White Hmong homestay” của Phìn hiện rất nổi tiếng ở Hà Giang.
Ngồi buồn là một từ xa xỉ
Shu bảo mỗi ngày cô làm việc từ 6 giờ sáng đến 9 giờ đêm, không có thời gian để nghĩ vẩn vơ, ngồi buồn càng là một từ xa xỉ. Sở dĩ có câu chuyện “ngồi buồn” này là vì học viên của Shu rất nhiều em còn đang ở độ tuổi teen (13-19 tuổi), rất dễ mắc những xáo trộn tâm lý và sa vào suy nghĩ mông lung, đặc biệt với những em yêu sớm.
Ở Sa Pa O Châu, Shu không chỉ là chủ doanh nghiệp bận rộn kiếm tiền mở lớp dạy nghề miễn phí, cô còn là giáo viên, kiêm bác sĩ tâm lý, kiêm hướng dẫn viên. Rất nhiều đứa trẻ nghèo đi chèo kéo khách du lịch mua hàng rong được Shu đón về cơ sở giờ đều đã có công ăn việc làm ổn định. Bản thân Shu, thời gian “ngồi buồn” hầu như được dành hết cho các khóa học mới. Thấy trên mạng có khóa học bổ ích về công việc của mình là Shu đăng ký.
16 tuổi mới biết đọc
Làng Lao Chải của Tẩn Thị Shu rất nghèo. Phần lớn phụ nữ và trẻ em trong làng đều lên Sa Pa bán đồ lưu niệm cho khách du lịch và không được đi học. Mãi đến năm 16 tuổi Shu mới biết đọc tiếng phổ thông.
Năm 2007, với sự giúp đỡ của một số khách du lịch Úc, Shu thành lập Sapa O Châu nhằm giúp du khách có thể liên hệ trực tiếp với các hướng dẫn viên bản địa, chứ không phải đặt tour thông qua các công ty du lịch lớn, mà các công ty này thường trả công cho hướng dẫn người dân tộc rất ít. Cho đến nay Sapa O Châu đã trở thành một công ty du lịch quốc tế chính thức và được cấp phép, cam kết mục tiêu hoạt động phi lợi nhuận. Công ty đã dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 người dân tộc thiểu số.
Tẩn Thị Shu |
Lợi nhuận từ các tour du lịch của Sapa O Châu hiện được dùng để hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số với các lớp học tiếng Anh, dạy nghề, ký túc xá để các em có thể đi học trong thị trấn, cũng như học bổng cho các học sinh lớn hơn để các em có thể tiếp tục học về ngành khách sạn tại các thành phố, thị trấn khác trên mọi miền đất nước.
Nhờ những nỗ lực của mình, Shu từng được mời đến Anh, Mỹ, Australia và một loạt nước châu Á để chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch của bản thân. Tạp chí Forbes năm 2016 đã vinh danh cô gái người Mông Tẩn Thị Shu trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam.