Chết người vì cây, lá rừng
Từ nhiều năm qua, việc hái và sử dụng cây lá trên rừng ở các vùng sâu, vùng xa diễn ra khá phổ biến trong nhân dân. Thậm chí lá cây hái từ rừng về đã và đang trở thành món canh không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người dân. Từ đây, hiểm họa từ những vụ ngộ độc đã xảy ra.
Cây lá ngón mọc ở nhiều nơi trên núi rừng. Ảnh: minh họa - Internet |
Đau thương từ bữa ăn và rượu
Đã mấy tháng kể từ ngày bà Lưu Thị Hiên, ở thôn Phú Cường 2, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai chết do ngộ độc nấm rừng, không khí đau buồn, ảm đạm vẫn còn hiện hữu trong gia đình bà. Chị Đoàn Thị Gấm (con gái bà Hiên) kể lại cái chết đau lòng của mẹ: Sau khi lên rừng về, bà Hiên có hái được một ít nấm mang về xào ăn một mình.
Ngay tối hôm ấy, bà có hiện tượng đau bụng, đau đầu, tiêu chảy và sốt. Cho rằng mình bị cảm, bà Hiên đã tự điều trị bằng nước cây chó đẻ và đến truyền dịch tại một cơ sở y tế tư nhân, nhưng bệnh tiếp tục chuyển biến nặng hơn. Sau khi chuyển lên bệnh viện huyện, bà được giới thiệu ngay đến Bệnh viện đa khoa số 1 Lào Cai trong tình trạng da tím tái, hôn mê sâu.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bà Hiên không qua khỏi vì ngộ độc quá nặng, độc tố đã ngấm sâu vào nội tạng. Chị Gấm cũng cho rằng, cái chết của mẹ mình là bài học đắt giá trong việc sử dụng cây, rau từ tự nhiên, chị nói: "Gia đình rất đau buồn và tôi mong muốn không xảy ra thảm kịch tương tự. Đây cũng là bài học cho gia đình tôi và tất cả mọi người".
Liên tiếp những ngày sau tại thôn Thái Vô, xã Xuân Quang cũng ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai, lại xảy ra một vụ ngộ độc nữa cũng do ăn nấm rừng. Nạn nhân là hai mẹ con bà Thào Thị Chảo và anh Lù Văn Sơn. Hậu quả, bà Thào Thị Chảo tử vong, còn anh Lù Văn Sơn sau khi được điều trị tích cực tại Lào Cai đã được chuyển về Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chưa hết, tại gia đình anh Vàng A Sử, thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai lại tiếp tục xảy ra ngộ độc, gây họa cho 4 người trong cùng gia đình. "Thủ phạm" được xác định từ rượu ngâm rễ cây rừng. Hậu quả, anh Vàng A Sử tử vong, chị Thào Thị Si, anh Đinh Văn Lực và một người nữa cũng đã phải nhập viện điều trị.
Vụ ngộ độc này khiến nhiều người ở Lào Cai nhớ lại một năm trước, tại xã Lùng Khấu Nhin của huyện Mường Khương, sau khi uống rượu ngâm cây rừng, 2 người đã tử vong, một người ngộ độc nặng. Không chỉ riêng bà Hiên, người dân sống ở các tỉnh miền núi thường có thói quen đi lấy cây lá ở rừng về chữa bệnh. Nhưng nhận thức của họ về nhiều loại cây trên rừng nhiều khi còn khá mơ hồ, chỉ dựa trên hình dáng bề ngoài, đặc điểm, kinh nghiệm… đôi khi chỉ bằng cảm nhận chủ quan.
Không báo chính quyền nên rất khó quản lý!
Trên thực tế, việc hái và sử dụng cây rừng hiện vẫn diễn ra khá phổ biến, như một thói quen bình thường trong cuộc sống của người dân. Ngoài sử dụng cho gia đình, nhiều loại cây, rau mọc tự nhiên còn được bà con hái mang đi bán như những loại rau khác ngoài chợ. Đương nhiên, những loại cây này hoàn toàn không có một cơ quan chức năng nào nghiên cứu hoặc kiểm định về mức độ an toàn chứ chưa nói đến việc chữa được bệnh như quan niệm của nhiều người.
Theo BS. Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Lào Cai thì trên địa bàn tỉnh, tình trạng ngộ độc cây, rau rừng hầu như năm nào cũng xảy ra, tập trung chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có trình độ dân trí thấp, cuộc sống, tập tục sinh hoạt của bà con gắn liền với núi rừng. Có một thực tế đáng ngại nữa, sau khi xảy ra ngộ độc, hầu hết người dân vẫn rất chủ quan và tự chữa trị theo thói quen của mình. Chính vì vậy, số các vụ ngộ độc trên thực tế rất khó kiểm soát, không loại trừ có những vụ nguy hiểm đến tính mạng do không được đưa đến cơ sở y tế.
Thực tế này đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý chuyên ngành cũng như việc tiếp cận, tuyên truyền, cảnh báo các biện pháp an toàn đến người dân. Bà Hải Anh phân tích: “Do nhận thức của đồng bào về an toàn thực phẩm còn rất hạn chế, cây hái về là cứ ăn, không cần biết nguồn gốc cây đó độc hay không? Mặt khác, công tác cứu chữa nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn vì có rất nhiều vụ ngộ độc không báo với chính quyền cơ sở; khi xảy ra, bệnh nhân tự chữa ở nhà, có những trường hợp lúc đưa tới bệnh viện thì đã… quá muộn!”.
Với hệ thực vật phong phú, rừng ở nước ta chứa rất nhiều những nguyên - dược liệu quý hiếm, có tác dụng tốt cho việc phòng, chữa bệnh bằng Đông y. Tuy nhiên, việc sử dụng cây, rau cỏ trong tự nhiên phải được nghiên cứu, thử nghiệm trên cơ sở khoa học. Khi ngành y tế có khuyến cáo về mức độ an toàn thì người dân mới nên sử dụng. Để cây và rau tự nhiên phát huy được hiệu quả thiết thực, thực sự là nguồn nguyên liệu quý trong y học, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để kịp thời hạn chế những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết về những loài thực vật trong tự nhiên.
Theo Phương Liên
Sức khỏe & Đời sống