Chênh vênh bên miệng “hà bá”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều hộ dân tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đang sống trong cảnh bất an, lo lắng khi tình trạng sạt lở bờ sông Nậm Huống, sông Dinh đe dọa đến nhà cửa, đất canh tác.
Chênh vênh bên miệng “hà bá” ảnh 1
Sạt lở bờ sông Dinh nghiêm trọng đoạn qua xóm Sợi Dưới, xã Tam Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An

Trước đây, bờ sông Nậm Huống cũng có hiện tượng sạt lở nhưng không đáng kể. Người dân thường trồng các hàng tre sát bờ để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, bờ sông này bị sạt lở nặng làm nhiều diện tích đất sản xuất, công trình phụ ven sông bị xóa sổ và đang có dấu hiệu ăn sâu vào nhà dân.

Ngôi nhà của ông Lữ Văn Lý (trú xóm Yên Luống, xã Châu Quang) nằm chênh vênh bên bờ sông Nậm Huống, vết sạt lở ăn sâu vào sân. “Chưa năm nào sông lở mạnh như năm nay. Trận lũ năm 2022 đã cuốn mất chuồng lợn, chuồng bò xuống sông Nậm Huống. Cách đây hơn 1 tháng, mưa lũ cũng đã ăn sát vào khu vực sân, bếp. Cứ đà này chỉ một thời gian ngắn nữa thì sông lấn mất cả nhà”, ông Lý lo lắng. Dọc dòng sông Nậm Huống, nhiều diện tích đất canh tác với những ngô, mía, lạc... đã bị “ăn” sâu. “Cánh đồng mía sắp đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều diện tích đã trôi xuống sông. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm có biện pháp khắc phục để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân”, ông Lý nói.

Ông Phạm Công Truyền, Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết, dòng sông Nậm Huống bắt nguồn từ các xã Châu Thành, Châu Hồng, đi qua địa bàn xã hơn 3km. Các đợt mưa lũ đã gây sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 1km, 30 hộ dân ở xóm Yên Luống bị ảnh hưởng, có trên 8 ha đất canh tác, đất bãi bồi bị trôi xuống sông. “Những năm qua, xã đã huy động bà con trồng tre, đóng cọc tre, một số điểm sạt lở nặng kè tạm đá nhưng cũng chẳng ăn thua, cứ đến mùa lũ tất cả lại trôi tuột xuống sông. Xã đã báo cáo tình trạng sạt lở lên cấp trên, huyện cũng đã về nắm tình hình nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể”, ông Truyền cho hay.

Tương tự, sông Dinh đoạn qua xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp hiện cũng đang bị sạt lở khoảng 3km, với 154 hộ dân thuộc diện cảnh báo nguy cơ sạt lở; trong đó, có trên 40 hộ dân nằm ở vùng đặc biệt nguy hiểm, chủ yếu ở các xóm Tân Mùng, xóm Dinh, Đồng Chảo, Sợi Dưới… Ngoài thiệt hại về đất đai, tài sản của bà con nhân dân, sông Dinh đã làm hư hỏng Tỉnh lộ 532 dài hơn 2km. Những năm qua, chính quyền xã Tam Hợp đã phản ánh thực trạng sạt lở, UBND huyện Quỳ Hợp cũng lập các đoàn về kiểm tra khảo sát. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp kè chống sạt lở.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp cho biết: “Những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông Dinh, sông Nậm Tôn, sông Nậm Huống đi qua các xã Châu Quang, Thọ Hợp, Tam Hợp… diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản cũng như ảnh hưởng đời sống của nhân dân. Sạt lở bờ sông đã cuốn trôi các công trình phụ của nhà dân, mất đất canh tác, đất thổ cư. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, vào mùa mưa bão, huyện chỉ đạo các xã cắt cử lực lượng, canh trực, nắm bắt tình hình và có phương án di dời các hộ dân ở vùng sạt lở bờ sông khi cần thiết”.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.