Chèn môn liên kết vào giờ học chính khóa: Trên cấm, dưới lách

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù môn học liên kết không bắt buộc nhưng nhiều trường học có cách làm, xếp lịch chèn môn học này giữa môn học chính khoá khiến phụ huynh phải tặc lưỡi cho con tham gia, nếu không học sinh sẽ phải lang thang ở sân trường.

Đây là thực tế tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để. Bộ GD&ĐT khẳng định, có nơi buông lỏng quản lý và yêu cầu các Sở GD&ĐT báo cáo thực trạng.

Mua chỗ ngồi trong lớp

Có 2 con đang theo học ở hai trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị Thái Thị Ngân cho biết, cả 2 con đều đăng ký học thêm môn học liên kết gồm Tiếng Anh và Toán Tiếng Anh với mức học phí mỗi môn là 100.000 đồng và 150.000 đồng/tháng. Số tiền không quá lớn nên đành “tặc lưỡi”, chị nói.

Chèn môn liên kết vào giờ học chính khóa: Trên cấm, dưới lách ảnh 1

Bộ GD&ĐT cấm nhưng nhiều trường vẫn xếp lịch chèn môn liên kết giữa môn học chính khóa

Thời khoá biểu lớp 1 của Trường Tiểu học Linh Đàm xếp môn Tiếng Anh liên kết và Toán Tiếng Anh vào giữa hai môn Tiếng Việt vào sáng thứ 5, thứ 6 và chiều thứ 3.

Chị Ngân nói rằng, trước khi bước vào năm học mới bàn về việc học các môn liên kết, nhóm phụ huynh của con gái lớp 5 cũng có nhiều ý kiến. Trong số 50 học sinh, có 48 phụ huynh đồng ý đăng ký cho con học, riêng 2 phụ huynh không tham gia. Khi đó, có người đã thuyết phục phụ huynh nên đăng ký 100% để đảm bảo con được ngồi trong lớp an toàn. “Các môn học liên kết không kiểm tra, đánh giá, không ghi điểm vào học bạ, phụ huynh cũng không kỳ vọng con học được nhiều. Thật ra, nếu sòng phẳng, nhà trường nên xếp lịch các môn liên kết sau giờ học chính khoá, khi đó ai có nhu cầu mới học, người không có nhu cầu có thể ra về”, chị Ngân nói.

“Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các Sở GD&ĐT nghiêm túc báo cáo thực trạng quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục tăng cường, ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông”.

Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT - Thái Văn Tài

Năm học này, thời khoá biểu của một trường tiểu học tại quận Ba Đình, Hà Nội cũng xếp nhiều môn liên kết vào giữa các tiết học chính khoá buổi sáng gồm: Tiếng Anh khoa học giữa giờ sáng thứ 2; Tiếng Anh liên kết giữa giờ sáng thứ 3; Tiếng Anh Toán giữa giờ sáng thứ 5; Tiếng Anh giáo viên nước ngoài sáng thứ 6.

Chị Ngô Thị Minh Lương, có con là học sinh lớp 5 trường tiểu học kể trên, nói rằng, năm học này khi giáo viên đưa phiếu đăng ký học các môn liên kết tự nguyện, chị lập tức ký tên vì biết với thời khoá biểu như trên, con không học sẽ ra cửa vật vờ. Năm ngoái, chị là một trong những phụ huynh không cho con theo học Toán Tiếng Anh, và Tiếng Anh khoa học nhưng sau đó nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm với nội dung: “Các môn xếp trong giờ học chính khoá, nếu mẹ không đăng ký, cả lớp học thì con sẽ đi đâu?”. Không trả lời được câu hỏi, cuối cùng chị Lương cùng một vài phụ huynh khác đành phải đặt bút ký vào tờ giấy tự nguyện. Trong đó, có cả phụ huynh đang làm ở trung tâm ngoại ngữ.

Xếp thời khóa biểu môn liên kết chèn vào giữa môn học chính khoá khiến học sinh không đăng ký thì đi ra ngoài là câu chuyện nhiều năm nay chưa có “thuốc giải”. Có phụ huynh còn kể, giáo viên chủ nhiệm dọa “chuyển lớp” nếu cha mẹ không đăng ký học Tiếng Anh liên kết vì cả lớp chỉ có một em không học. Không muốn con trở nên “dị biệt”, phụ huynh đành đóng mỗi tháng gần 300.000 đồng/ tháng cho môn liên kết. “Tính nhẩm trường có 1.500 học sinh, số tiền hằng tháng thu về sẽ không hề nhỏ. Làm dịch vụ trong trường học là điều khó có thể chấp nhận”, phụ huynh này nói.

Buông lỏng quản lý

Ông Lê Hồng Vũ, Phó trưởng phòng giáo dục phổ thông - Sở GD&ĐT Hà Nội, nói rằng, trường học xếp lịch các môn liên kết vào giữa giờ học chính khoá là không đúng theo hướng dẫn. Từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm.

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, Bộ GD&ĐT đã có các quy định về nội dung liên quan, tuy nhiên trong quá trình triển khai tại cơ sở giáo dục, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nơi còn lúng túng, thậm chí có hiện tượng buông lỏng quản lý dẫn đến những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh.

Theo ông Tài, khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên, nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức hoạt động giáo dục dựa trên quy định do địa phương quản lý như học Tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM... Từ đó, xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp chương trình. Nhà trường không được gây quá tải, không ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia”, ông Tài nói.

MỚI - NÓNG