Đế chế mới
Tính riêng ở kỷ nguyên Premier League (bắt đầu từ mùa giải 1992/1993), Chelsea chỉ còn kém M.U về số lần vô địch. Chiến thắng tối thiểu trên sân West Brom đêm qua giúp họ giành được danh hiệu này lần thứ 5, kém Man Utd 8 lần nhưng đứng trên tất cả phần còn lại.
Đáng nói hơn, Chelsea chỉ thực sự lột xác khi tỷ phú người Nga Roman Abramovich đặt chân đến London vào năm 2003. Tính từ thời điểm đó đến nay, Chelsea không hề kém cạnh đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh khi cùng nhau vô địch Premier League 5 lần.
Người ta đã kỳ vọng Chelsea tạo nên “đế chế” mới khi họ vô địch liên tiếp 2 năm 2004 và 2005 với Jose Mourinho, nhưng Man Utd dưới tài dẫn dắt của Sir Alex Ferguson nhanh chóng thiết lập lại trật tự. Chỉ đến khi HLV người Scotland về hưu, The Blues mới có cơ hội quật khởi trở lại với 2 chức vô địch trong vòng 4 năm. Và hơn bao giờ hết, tất cả bắt đầu thấy một đế chế mới, đế chế màu xanh ở xứ sở sương mù.
Cách làm bóng đá không giống ai
Sở dĩ người hâm mộ có cảm giác đó không chỉ vì sức mạnh hiện tại của Chelsea mà còn vì cách họ âm thầm phát triển trong những năm gần đây. Sau giai đoạn đầu tiên “tiêu tiền như nước”, tỷ phú Roman Abramovich đã giúp The Blues trở thành CLB có thể tự lực cánh sinh bằng các nước đi khôn ngoan.
Ngoài việc phát triển mạnh về thương mại quốc tế hay lên kế hoạch xây dựng sân vận động mới, điều Chelsea khiến giới mộ điệu thán phục nhất chính là việc thâu tóm và phát triển các tài năng trẻ theo cách không giống ai.
Thông thường các CLB lớn ở châu Âu sẽ sử dụng trinh sát viên tìm kiếm “ngọc thô” trên khắp thế giới và đưa họ về học viện CLB để đào tạo. Chelsea không làm tuần tự như vậy. Thay vì đưa các tài năng trẻ về London, họ chỉ ký hợp đồng và ngay lập tức đẩy họ đến một CLB khác theo dạng cho mượn. Trong các mùa giải qua, The Blues luôn dẫn đầu châu Âu về số hợp đồng cho mượn. Cá biệt có năm, đội “lính đánh thuê” của họ có thể tạo thành 3, 4 đội hình khác nhau.
Cách làm này không chỉ giúp Chelsea sở hữu nhiều tài năng trẻ cùng lúc mà còn nhanh chóng giúp họ sàng lọc các cá nhân xuất sắc nhất. Trong đội hình The Blues vô địch năm nay, Thibaut Courtois và Victor Moses là 2 cầu thủ phát triển theo phương thức này và họ đều là những ngôi sao không thể thiếu của HLV Conte.
Quan trọng hơn, Chelsea cũng biến mình trở thành CLB “xuất khẩu” cầu thủ kiểu mới. Thực tế rất ít các tài năng trẻ có thể chen chân vào đội hình một của The Blues như Courtois hay Moses. Thay vào đó, khi các cầu thủ tỏa sáng ở các CLB khác, Chelsea sẽ bán họ ngay lập tức và thu lãi lớn.
Các thương vụ điển hình có thể kể đến như việc Romelu Lukaku đến Everton với giá 28 triệu bảng, De Bruyne đến Wolfsburg với giá 18 triệu bảng… Những thương vụ khôn ngoan giúp Chelsea xoay vòng tiền tái đầu tư cho đội hình rất nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.