Cuộc chơi lành mạnh
Những năm gần đây, phong trào chạy bộ trên khắp cả nước ngày càng lan rộng, lôi cuốn đông đảo số người tham gia. Những hội chạy bộ như Sunday Running Club (SRC), Vietrunners, Runclub, LDR hay DNR v.v... ghi nhận số thành viên trên facebook lên tới gần hàng vạn người. Một số tập đoàn, doanh nghiệp cũng có nhóm chạy riêng, như nhóm của VNG, Decathlon v.v... Các thành viên chạy thường không ràng buộc gì từ hội, nhóm. Hễ có thời gian rảnh và điểm gặp gỡ nào gần nhà, thì tham gia cho thuận tiện.
Phong trào chạy bộ với tính chất phi cạnh tranh, phi lợi nhuận không chỉ đem lại niềm vui và sức khỏe, mà còn có thể giúp người tham gia góp phần vào những mục tiêu thiện nguyện xã hội mang tính nhân văn sâu sắc.
Mới đây, sáng ngày 5/11, gần 20.000 người tham gia cuộc chạy bộ Terry Fox Run tại TP HCM đã quyên góp được hơn 2 tỉ đồng ủng hộ chương trình nghiên cứu ung thư xương, như di nguyện của chàng trai người Canada, tên Terry Fox đã khởi xướng trước khi qua đời ở tuổi 22 vì chứng bệnh này.
Những năm gần đây cả nước ghi nhận những sự kiện chạy bộ phong trào nổi bật như HCMC Run, Vietnam Mountain Marathon, Da Nang international Marathon v.v. thu hút hàng ngàn người tham gia ở mọi lứa tuổi không chỉ mọi miền đất nước mà cả ở nước ngoài đến Việt Nam tham dự
Các bạn trẻ tại vạch xuất phát của giải Vietnam Mountain Marathon
Những thành tích đáng nể
Người chơi phong trào thường ít quan tâm tới giải thưởng. Tuy nhiên, mức tự rèn nhằm vượt qua chính mình ngày càng khắt khe của không ít chân chạy có hạng, đã khiến nhiều tên tuổi trở thành “sao”, được giới runners không chuyên cả nước biết tiếng, kính nể.
Tại giải báo Tiền Phong 2017, sự xuất hiện của Cao Ngọc Hà, một cái tên hoàn toàn xa lạ trong làng điền kinh, sau cả đêm lái xe từ Hà Nội đến Ninh Bình để kịp giờ tranh tài nhưng vẫn là người cán đích đầu tiên trong số vận động viên marathon phong trào, luôn nằm trong tốp 10 người dẫn đầu đã khiến công chúng vô cùng hào hứng. Dù chỉ về đích thứ 8 trong toàn giải, nhưng khả năng cạnh tranh của Cao Ngọc Hà với các VĐV chuyên nghiệp vẫn rất đáng khâm phục.
Tiếp đó, cái tên Trần Duy Quang, một runner Việt Nam cũng đã gây chấn động cộng đồng chạy bộ, khi ghi danh Á quân giải Ultra Trail d’Angkor 2017 cự ly 128km cũng như giải Cameron Ultra Trail (Malaysia) cự ly 100km.
Nhưng cái tên gây sốt nhất gần đây nhất về chạy phong trào chắc chắn là Nguyễn Trung Kiên, tức “Kiên Running”, người vừa xác lập kỷ lục chạy bộ xuyên Việt nhanh nhất Việt Nam, đã “nuốt trọn” 1.868km từ Hà Nội vào TP.HCM đường bộ ở tuổi 40. Liên tục trong 26 ngày, mỗi ngày Kiên chạy bộ được gần 72km.
Anh Nguyễn Trung Kiên (bên phải) về đích Hành trình chạy bộ xuyên Việt
Kiên chia sẻ, anh chạy do thấy “người Việt Nam rất lười vận động, đặc biệt là lớp trẻ. Họ dùng quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, điện thoại…” Mà theo anh, giá trị sống là ở trải nghiệm. “Không có trải nghiệm, bạn không thật sự rút ra được gì cả”.
Đồng quan điểm với Kiên, là nữ nhà văn Trang Hạ, nguyên phóng viên báo Tiền Phong, người từng chạy bộ ở Đài Loan, Philippines, chạy marathon ở Hạ Long, Hà Giang, chạy từ thị trấn Đồng Văn xuyên đèo Mã Pí Lèng sang Mèo Vạc, chạy ở Hà Nội, TP HCM, chạy lên thủy điện Sơn La... để trải nghiệm, để thấy mình có “một cuộc đời mãi mãi tràn trề sức sống và khao khát”
Anh Minh, một runner thuộc CLB SRC, đã từng tham gia không chỉ các sự kiện trong nước từ Bắc chí Nam mà cả ở Singapore, Malaysia, cho biết anh tham gia chạy mới 2 năm rưỡi. Ban đầu chạy chỉ nghĩ để cơ thể chắc khỏe, có sức bền, sau anh mới thấy chạy được thêm rất nhiều điều thú vị khác, có những quan hệ giữa người với người trên đường chạy tuyệt đối vô tư, thuần túy tinh thần thể thao. Anh xem chạy bộ như rèn luyện một lối sống văn minh và lành mạnh.
Chạy bộ được xem như 1 môn thể thao góp phần vào lối sống văn minh
Hiện nay các runner hào hứng theo dõi từng nguồn tin mới về thể lệ dự giải Việt dã báo Tiền Phong năm 2018, mà theo tiết lộ của ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó tổng Thư ký liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Ban Tổ chức sẽ nới rộng một số điều kiện để những runner hàng đầu có thể tham gia. Một số runners không chuyên cho biết họ sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, để tham gia sân chơi từng chỉ giành riêng cho vận động viên chuyên nghiệp này.