Cháy bãi giữ xe của Cảnh sát giao thông TP Thủ Đức: Ai phải bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt xe trơ khung sắt sau vụ cháy đêm 30/3 ở Thủ Đức. Ảnh: NB
Hàng loạt xe trơ khung sắt sau vụ cháy đêm 30/3 ở Thủ Đức. Ảnh: NB
Tối 30/3, bãi giữ xe tang vật và xe vi phạm của Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Thủ Đức (TPHCM) bỗng dưng bốc cháy khiến hàng loạt xe máy bị thiêu rụi. Dư luận đặt vấn đề về việc tài sản của người dân bị thiệt hại thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Theo đó, khoảng 22h đêm 30/3, ngọn lửa bùng cháy tại bãi tạm giữ xe vi phạm thuộc Đội CSGT khu vực 3 (Công an TP Thủ Đức) nằm trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức. Lực lượng tại chỗ đã sử dụng bình chữa cháy dập lửa nhưng không thành. Ngọn lửa nhanh chóng cháy lan bao phủ bãi giữ xe rộng cả trăm mét vuông. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập tắt được ngọn lửa thì hàng loạt xe máy đã bị cháy trơ khung sắt.

Đến chiều 31/3, lực lượng chức năng Công an TP Thủ Đức vẫn đang phong tỏa nghiêm ngặt hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Trả lời phóng viên, một lãnh đạo Công an TP Thủ Đức cho biết, vụ việc đang được điều tra nên tạm thời chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí. Sau khi có kết luận điều tra, cơ quan công an sẽ có thông tin chính thức.

Ghi nhận của phóng viên, khu vực xảy ra cháy là bãi giữ xe nằm trên khu đất rộng lớn, được bao quanh bằng tường cao, không có mái che và nằm tách biệt với khu dân cư. Theo quan sát, có khoảng hơn 50 chiếc xe máy để ở khu vực này đã bị cháy rụi. Một khu vực khác cũng thuộc bãi xe này nhưng có mái che, có hàng trăm xe máy dựng xếp lớp may mắn không bị cháy.

Người dân trong khu vực cho biết, bãi giữ xe này thuộc Đội CSGT khu vực 3, thuộc Đội CSGT - Trật tự quận Thủ Đức cũ (nay là TP Thủ Đức). Bãi xe này là nơi tạm giữ phương tiện vi phạm luật giao thông, tang vật vụ án. “Bãi xe rộng hàng nghìn mét vuông được bao quanh bằng tường rào cao hơn 2m. Phía trước là khu vực có mái che dùng để giữ xe máy còn mới, có giá trị cao. Khu vực bị cháy không có mái che toàn là xe cũ nát đã phơi mưa, phơi nắng lâu lắm rồi”, ông Lê Quang Hải (46 tuổi, ở gần hiện trường) nói.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, khi phương tiện của người vi phạm giao thông chỉ bị phạt tạm giữ thì tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, trách nhiệm trông coi tài sản thuộc về cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này, trách nhiệm cụ thể thuộc về CSGT TP Thủ Đức.

Trong trường hợp xe bị tạm giữ bị hư hỏng, cháy nổ hay mất mát thì về nguyên tắc, nếu chủ xe có yêu cầu, cơ quan CSGT TP Thủ Đức phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ sở hữu của những chiếc xe đó.

“Theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì chủ xe có thể tự thỏa thuận, thương lượng với cơ quan CSGT TP Thủ Đức để nhận được đền bù tương ứng bằng tiền hoặc bằng hiện vật cụ thể. Trường hợp không thỏa thuận được thì chủ sở hữu có quyền khởi kiện ra Tòa, yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường thiệt hại”, luật sư Lê Quang Vũ nói.

Theo luật sư Vũ, nếu xe máy đã được mua bảo hiểm tự nguyện cho mô tô - xe máy (phạm vi bảo hiểm bao gồm bảo hiểm cháy nổ) thì thiệt hại này do Công ty bảo hiểm chi trả không vượt quá số tiền bảo hiểm hoặc giá trị bảo hiểm đã ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau đó, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức gây ra vụ cháy bồi thường số tiền đã chi trả.

“Còn đối với xe đã có quyết định tịch thu, chuẩn bị đem bán đấu giá thì đây là tài sản công thuộc sở hữu nhà nước. Trong trường hợp này, sau khi điều tra, xác minh nguyên nhân cháy nổ, người gây ra vụ cháy sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà nước”, luật sư Vũ nói.

MỚI - NÓNG