> Người phục hồi Chèo cạn Tùng Luật
Một ngày trung tuần tháng Tư, tôi lại về Tùng Luật (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh), một làng chài nhỏ xinh thơ mộng cuối dòng Bến Hải, gối đầu bên Cửa Tùng ra với Biển Đông. Là nơi sinh ra những nghệ sĩ nổi tiếng.
Tìm hỏi trưởng thôn Trần Văn Minh về dòng tộc họ Bùi của Cố Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Châu Loan, thì ông bận họp trên huyện, đành chịu. Vào nhà NSƯT Nguyễn Hữu Ái Chủng, người có công đầu phục hồi điệu hò chèo cạn Tùng Luật vang bóng một thời, may, cụ có nhà. 82 tuổi cụ vẫn minh mẫn hoạt bát và rất… nghệ sĩ.
“Chú hỏi o Loan mô, NSND Châu Loan hở? Trật rồi, ở xã Vĩnh Giang thì đúng, nhưng không phải làng ni mô, o nớ người làng Cổ Trai Tây hay Phường Trầu xưa, nay là thôn Cổ Mỹ, cách trụ sở xã tầm ba trăm mét”.
Rồi cụ Chủng vào chuyện, không quên cao hứng theo giọng ngân bài Mẹ Suốt (thơ Tố Hữu) của Châu Loan trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam một thuở : Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình…
Cụ nhớ : O Loan một tuổi với chị Lệ Thi, cùng được phong một lần NSND đợt đầu tiên năm 1984. Chị Thi hiện ở Sài Gòn, phu quân chị-NSƯT, soạn giả Nguyễn Tường Nhẫn vừa mất năm trước. Cha o Loan, cụ Bùi Văn Mè là học trò cưng ông nội tui Nguyễn Hữu Như Bá, đồng môn với cha tui Nguyễn Hữu Như Giản.
Quãng 1957-1958, tui theo học khóa đào tạo diễn viên sân khấu tại 51 Nguyễn Bỉnh Khiêm-Hà Nội. Nhà o Loan gần trường, chỗ phố Huế chợ Hôm nên tui hay lui tới, chỗ đồng hương thân quen, và nữa, mê cái giọng ca trời phú réo rắt hút hồn không lẫn vô mô được của o. O nớ là người đa tài, đa đoan, rất trọng tình trọng nghĩa.
Bất chợt, giữa chừng cụ Chủng lại cao giọng, theo lối ngâm thơ của nghệ sỹ Châu Loan, một đoạn trong Kết nạp Đảng trên quê mẹ của Chế Lan Viên. Ông tiếp: “Người ta thường nói… sáng tạo kép, thăng hoa kép, thành công kép, có lẽ không quá lời chú à. Nhạc sĩ tài năng có nhạc phẩm sống mãi cùng năm tháng, thành công không ít nhờ sự thăng hoa phát tiết của ca sĩ.
Tiếng thơ, chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lay động bao con tim bởi giọng ngâm tuyệt vời làm thổn thức tâm hồn vào mỗi đêm cuối tuần của Châu Loan.
“O Loan đã mang tiếng ca của mình đi phục vụ kháng chiến, trong những năm chiến tranh ác liệt từ Việt Bắc, Tây Bắc, hải đảo cho đến vĩ tuyến 17. Tiếng hát của o, mọi người ví như chiếc cầu nối những tâm hồn không thể chia cắt của hai miền Nam-Bắc. Đạo diễn, NSND XUÂN ĐÀM |
Lúc ở Đoàn văn công Trị-Thiên Huế thời đánh Mỹ, rất nhiều dịp cận kề theo chân các anh bộ đội, không ít lần tui chứng kiến nhiều chiến sĩ của ta dũng cảm kiên trung gan dạ là vậy mà nước mắt lưng tròng khi nghe chất giọng Bình Trị Thiên đặc sệt của Châu Loan lúc ngâm bài thơ Bầm ơi, Chuyện em Hòa của Tố Hữu, rồi Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, hay Quê hương của Giang Nam, Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh… Tiếng thơ o Loan đúng là đi theo nhịp trường chinh bi hùng của đất nước, chú à”, cụ Chủng xúc động.
… Ông Chủ tịch xã Vĩnh Giang Nguyễn Văn An trông rất sung sức ở tuổi 49. Vị chủ tịch xã nghệ sĩ này (bởi trong xã có không dưới 20 NSND lẫn NSƯT). Cũng tặng khách mấy câu thơ theo kiểu… o Loan: Hôm nay sống trong lòng miền Bắc/ Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc/ Hai tiếng Quê Hương hai tiếng miền Nam… (Nhớ con sông quê hương-Tế Hanh).
Chủ tịch An bảo: “Tui nhớ những năm tháng chiến tranh ở bờ Bắc giới tuyến Bến Hải Vĩnh Linh ni, bom giội như vãi trấu, đêm đêm cả nhà chui dưới hầm nhưng vẫn hồi hộp háo hức quây bên cái đài cũ được cha tui chế lại bằng bốn viên pin con Ó nẹp ngoài mấy que tre để hóng nghe o Loan hát dân ca Bình Trị Thiên, ca Huế, ngâm thơ.
Hỏi đường vào xóm 1, thôn Cổ Mỹ của cố nghệ sĩ Châu Loan không khó. Người chỉ đường tới nhà bà Hồng, em dâu con chú ruột o Loan. Bà bảo, tui lúc nớ còn nhỏ, nhưng tối đến trốn cha đi nghe o Loan ca hát. Rồi những năm tháng binh lửa chiến tranh cả làng, cả xã đôi bờ Nam Bắc Bến Hải cùng cực là rứa, nhưng được ấm lòng một phần không nhỏ từ giọng mê hoặc của o Loan.
Bà Hồng mách nước, ba chị em gái Châu Loan, Châu Phụng, Thanh Thảo đã mất, chỉ còn chú trai út Thưởng ở TP Đông Hà thôi.
Tìm đến kiệt 51, số nhà 6 đường Nguyễn Trãi, Đông Hà hỏi, mới hay thầy giáo về hưu 73 tuổi Bùi Huy Thưởng đang phụ vợ đồng vô đồng ra bằng chân hợp đồng bảo vệ Trung tâm băng hình - chiếu bóng Quảng Trị mỗi tối. Hình ảnh chị Cả Loan hiện về trong ông… Năm 1960, ông ra Bắc ở nhà chị Cả Loan, ở Ngã Tư Vọng-Hà Nội, khu tập thể đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phòng chị ở cạnh nhạc sĩ Cao Việt Bách, Tân Huyền tuy chật nhưng lòng chị thì rộng mở. Ông nhớ có lần cận Tết, sáng ngủ dậy thấy mấy chiếc kẹo nằm trên đầu giường, hỏi, chị cười, phần thưởng Bác Hồ cho chị đó, chị dành cho cậu.
Năm 1972, ông cùng vợ đi B vô chiến trường quê hương Quảng Trị. Năm sau ra thăm Hà Nội thì chị đã mất. Chị mất chiều Noel 24/12/1972 lúc không lực Huê Kỳ đang muốn tận diệt Thủ đô, bởi căn bệnh ung thư quái ác ở tuổi 46 tài hoa độ chín.
Ông bảo, ông nhớ nhất chuyện một chiều tháng Tư 1956, giữa dòng sông giới tuyến Bến Hải, mạn hạ lưu cầu Hiền Lương, đồng bào đôi bờ dõi theo tiếng thơ ngân nga về Đảng về Bác kính yêu, về đồng bào miền Nam ruột thịt của chị Loan. Sân khấu rất độc đáo, bằng mấy chiếc thuyền ghép lại. Nghe giọng chị thướt tha da diết vang vọng giữa đất trời.