Họ là Jamie Vardy tại Ngoại hạng Anh, là Luis Suarez tại La Liga, là Gonzalo Higuain tại Serie A và Robert Lewandowski tại Bundesliga. Rất lâu rồi, châu Âu mới gặp lại hiện tượng này.
Các đội bóng đang thực hiện lối chơi theo kiểu bằng mọi cách đẩy được bóng lên cho một tiền đạo đang “mắc võng” sẵn ở phía trên, và cầu thủ đeo áo số 9 ấy sử dụng tốc độ cùng lối dứt điểm nhanh gọn để giải quyết trận đấu. Đấy đích thị là phong cách của các đội bóng sử dụng những số 9 cổ điển ngày trước. Những con người như thế đã sống lay lắt suốt 10 năm qua khi bóng đá hiện đại cần nhiều hơn một tiền đạo không chỉ biết dứt điểm. Nhưng đến bây giờ, châu Âu đang bắt đầu xuất hiện trở lại những cầu thủ đó.
Bên cạnh câu chuyện về những số 10 cổ điển, câu chuyện về những số 9 cổ điển luôn là một trong những điều đặc sắc trong bóng đá.
Chuyện về họ có thể được đặt ở hai mốc thời gian quan trọng nhất: World Cup 1998 và Euro 2012. World Cup 1998 diễn ra ở Pháp, nơi 32 đội bóng mang đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh với hàng loạt các số 9 cổ điển tài giỏi.
Nổi hơn cả là ba cái tên: “Người ngoài hành tinh” Ronaldo, “Vua sư tử” Batistuta, và “Bò mộng” Christian Vieri. Dưới tầm họ một chút là Davor Suker, Patrick Kluivert, Oliver Bierhoff, và Alan Shearer, bên cạnh những Jurgen Klinsmann, Ivan Zamorano, Marcelo Salas, Stephane Guivarch, Filippo Inzaghi, Michael Owen… Kể sơ sơ cũng được gần 20 cầu thủ, mà ai trong số này cũng đều là những tay săn bàn cự phách, có thói quen lập hattrick như điều hiển nhiên. Nói không ngoa, World Cup 1998 là đỉnh cao rực rỡ nhất của các số 9 cổ điển, trước khi sự thoái trào bắt đầu đến.
Năm 2007, để đối phó với việc quá nhiều tiền đạo bị chấn thương, HLV của AS Roma khi đó là Luciano Spaletti đã xếp một sơ đồ kỳ lạ: 4-6-0. Trong đó, ông không sử dụng một tiền đạo thực thụ nào, mà chỉ dùng Francesco Totti ở một vị trí được đặt tên là “số 9 ảo”. Đấy là một cầu thủ chơi ở vị trí thấp hơn so với một tiền đạo cắm thông thường, nhưng lại chơi cao nhất trong hàng tiền vệ và thường nhận bóng ngay từ phần sân nhà để phối hợp ghi bàn.
Thập niên 1990 là giai đoạn thăng hoa của các chân sút đeo áo số 9 - những trung phong kiểu cổ điển, như Batistuta, Ronaldo...
Khi tiqui-taca của Pep Guardiola chinh phục thế giới, “số 9 ảo” Leo Messi trở thành ông vua của làng túc cầu. Đối thủ của Messi là Cristiano Ronaldo - một khẩu săn bàn số một xuất phát từ bên cánh. Và đá cặp với Ronaldo là Karim Benzema - tiền đạo tiêu biểu cho sự toàn diện và lối chơi tập thể. Đến Euro 2012, Tây Ban Nha đi đến vô địch mà không cần một tiền đạo thực thụ nào.
Tiqui-taca, Messi, Ronaldo, Benzema… đã thành chuẩn mực mới và đẩy các số 9 ảo xuống vị thế thấp hơn trong bản đồ bóng đá thế giới, và khiến số 9 sống lay lắt suốt 10 năm. Thỉnh thoảng xuất hiện những Edinson Cavani hay Radamel Falcao, nhưng so với xu thế chung của bóng đá, đấy chỉ là những cánh én đơn độc. Còn lại những cái tên như Javier “Chicharito” Hernandez, Sebastian Giovinco, Andy Carroll hay Klass-Jan Huntelaar đều là những con người sinh nhầm thời đại vào thời điểm đó.
Mãi đến mùa giải 2015-2016 hiện tại, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Cầu thủ săn bàn số một của Serie A là Gonzalo Higuain với 24 bàn sau 24 trận, trung bình mỗi bàn một trận, phong cách của Higuain là “bắn không cần ngắm”, kiếm về cho Napoli một phần ba số điểm và số bàn thắng. Cần phải nhớ Higuain phải sang Napoli là vì anh không thể cạnh tranh được với Karim Benzema - người chơi đồng đội tốt hơn anh tại Real Madrid. Nhưng giờ ở Serie A, Higuain rực rỡ như mặt trời chính ngọ.
Tại Bundesliga, dẫn đầu danh sách ghi bàn là Robert Lewandowski - số 9 được thèm khát nhất thế giới bây giờ. Đứng thứ hai là Aubameyang - người nhận bóng cuối cùng ở Dortmund. Tuy nhiên, tiêu biểu cho sự hồi sinh của số 9 cổ điển ở Bundesliga phải là Chicharito, chàng trai bé nhỏ này chạy dạt từ Man Utd sang Real và phải đến Leverkusen, vì mẫu tiền đạo mắc võng ở vòng cấm như anh không còn đất dụng võ. Nhưng mùa này, với 13 bàn thắng, Chicharito đóng góp 45% số bàn cho Leverkusen trên mặt trận Bundesliga, và đưa đội bóng này lên vị trí thứ tư trên bảng điểm.
Mẫu tiền đạo chơi đơn giản, rình rập gần vòng cấm và sẵn sàng chớp thời cơ ghi bàn như Chicharito đang được ưa chuộng tại Bundesliga.
Ở Ngoại Hạng Anh, “ngựa ô” Leicester City đang bay cao, khi HLV Claudio Ranieri xây dựng cho Leicester City một lối chơi lấy số 9 làm điểm tựa, bên dưới phòng ngự chặt, đưa bóng lên nhanh nhất có thể cho Jamie Vardy xử lý. Anh trở thành đích cuối cho mọi đường lên bóng và thực hiện nhiệm vụ ghi bàn cho “Chú cáo”. Bằng chứng: Vardy trở thành người phá kỷ lục ghi bàn của Nistelrooy – một số 9 khét tiếng của thập niên trước.
Nguyên thủy của trò chơi bóng đá là làm mọi cách đưa được quả bóng vào lưới. Việc Higuain, Chicharito hay Vardy trở thành nhân tố chủ chốt cho chiến thắng của các đội bóng đã trở thành tiếng vọng của một thời kỳ bóng đá xa xưa. Vực dậy được hy vọng lớn sau những hẫng hụt của một thập kỷ nhìn các số 9 chết dần đi theo sự thay đổi của chiến thuật bóng đá.
Sau cái chết của các “số 10 cổ điển”, người hâm mộ rõ ràng không muốn nhìn thêm một sự băng hà nào nữa.