Nhưng theo Straitstimes, ở hậu trường, người châu Âu đang âm thầm lo sợ về tác động trước mắt và lâu dài từ chuyến đi của bà Pelosi.
Trước đó, châu Âu dường như chưa bao giờ nghĩ tới viễn cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Tuy nhiên, tình hình lúc này khiến họ nhận ra rằng bất kỳ tình huống nào cũng có thể xảy ra.
Vì vậy, mặc dù các chuyên gia chiến lược ở châu Âu đều thống nhất rằng khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc không cao, nhưng có một số ít người thừa nhận rằng các kịch bản xấu nhất đôi khi vẫn xảy ra, do đó không thể loại trừ bất cứ khả năng nào.
Cũng có người lo ngại rằng căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington có thể khiến Mỹ chuyển hướng sự chú ý khỏi cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Quân số Mỹ ở châu Âu tương đối nhỏ - không quá 100.000 người ngay cả sau những kế hoạch mới nhất nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu lục này, nhưng rõ ràng là sự bùng nổ của một cuộc khủng hoảng an ninh lớn ở châu Á có thể thay đổi các vấn đề ưu tiên trong Nhà Trắng.
Căng thẳng ở châu Á cũng có thể sẽ thúc đẩy Nga kiên trì với xung đột ở Ukraine, thậm chí tăng cường hợp tác với Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc đã từ chối tham gia làn sóng trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Mátxcơva, nhưng chưa có những động thái tích cực để giúp đỡ quân đội Nga – được cho là đang cạn kiệt đạn dược.
Điều này có thể thay đổi khi Bắc Kinh tìm kiếm những đòn bẩy để trừng phạt Mỹ. Việc tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế Nga - Trung sẽ được coi là một tin rất xấu ở châu Âu. Và có một sự thống nhất ngầm rằng châu Âu sẽ phải đứng về phía Washington nếu căng thẳng gia tăng hơn giữa giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bà Pelosi (mặc vest trắng) trong chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) sáng 3/8. Ảnh: AP |
Các quan chức Liên minh châu Âu từng cảnh báo Bắc Kinh không nên xem xét bất kỳ phương án quân sự nào nhằm vào Đài Loan (Trung Quốc).
“Trong trường hợp xung đột bùng phát, chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng EU cùng với Mỹ và các đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp tương tự hoặc thậm chí nặng nề những gì chúng tôi đã áp dụng hiện nay đối với Nga”, ông Jorge Toledo – tân Đại sứ EU tại Trung Quốc nói.
Như thường lệ, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng an ninh nào liên quan đến Mỹ, Anh luôn là người ủng hộ nhiệt tình nhất của Washington.
Ngoại trưởng Elizabeth Truss, người hiện đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh, trong những tháng gần đây đã thúc giục các quốc gia phương Tây giúp đảm bảo Đài Loan (Trung Quốc) có thể tự bảo vệ mình bằng cách đề nghị Anh cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.
Có thông tin cho rằng Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Anh đã bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào cuối năm nay, có thể vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12.
Vì vậy, Bắc Kinh phải chuẩn bị cho khả năng các lãnh đạo chủ chốt của châu Âu có thể “nối gót” Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi trong những tháng tới.