Với sự kiện này, giới lãnh đạo EU muốn chứng tỏ với thế giới về sự đoàn kết của nửa tỷ người châu Âu tại 25 quốc gia thành viên có chung khát vọng “hoà bình, tự do và thịnh vượng”. Quá trình trưng cầu ý dân để phê chuẩn Hiến pháp EU có thể kéo dài trong 2 năm và Tây Ban Nha (TBN) là quốc gia đầu tiên thực hiện sứ mệnh lịch sử này.
Những ngày qua toàn châu Âu đang hướng về TBN với niềm tin Hiến pháp sẽ không gặp trở ngại nào trong bước khởi đầu. Gia nhập EU năm 1986, TBN liên tục gặt hái thành công trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong gần 20 năm qua, EU đã rót vào TBN khoảng 100 tỷ USD viện trợ phát triển và hình ảnh của liên minh luôn tốt đẹp trong mắt người dân nước này.
Các cuộc khảo sát cho biết hơn 50% người dân TBN hài lòng với Hiến pháp EU, chỉ có 7% phản đối. Tuy nhiên, vẫn còn 1/3 chưa bày tỏ ý kiến nên Chính phủ của Thủ tướng Jose L.Rodriguez Zapatero vẫn lo ngại số này có thể sẽ không bỏ phiếu cho bản Hiến pháp EU. Dù vậy, TBN được đánh giá sẽ thuận lợi hơn nhiều so với những quốc gia khác trong việc trưng cầu ý dân để phê chuẩn bản Hiến pháp này.
Một số thế lực chính trị tại các nước lớn phản đối Hiến pháp EU vì nó tạo ra “siêu quyền lực” cho ủy ban châu Âu. Trong khi người dân tại các nước thành viên nhỏ hơn của EU lại cho rằng Hiến pháp nghiêng về các nước lớn nên tỏ ra không mặn mà. Một cuộc khảo sát cho biết, có tới 33% người dân châu Âu nói chưa từng nghe việc trưng cầu ý dân bản Hiến pháp hoặc không quan tâm tới sự kiện này.
Giới quan sát EU còn lo ngại, cuộc trưng cầu dân ý này sẽ bị các nhà chính trị tại một số nước lợi dụng để thực hiện mục đích riêng hoặc gây sức ép với giới lãnh đạo. Tại Pháp, chính sách phúc lợi xã hội của Chính phủ sẽ là vấn đề nóng bỏng trong cuộc trưng cầu ý dân cho bản Hiến pháp EU. Tại Anh là vấn đề dân nhập cư và tỵ nạn chính trị...
Thất bại trong trưng cầu ý dân bản Hiến pháp EU tại một nước thành viên là khả năng có thể xảy ra. Khi đó, một số điều khoản Hiến pháp sẽ được thảo luận để ủy ban soạn thảo sửa đổi và sau đó lại tiếp tục được trưng cầu ý dân. Một số nước như Hungary, Latvia, Slovakia...không thực hiện trưng cầu ý dân mà đã phê chuẩn Hiến pháp EU tại Quốc hội.
Quy trình này đơn giản hơn so với trưng cầu dân ý, nhưng hầu hết các nước EU vẫn quyết tâm thực hiện vì xem đây là cách tốt nhất để tăng cường hiểu biết cũng như trách nhiệm của người dân với bản Hiến pháp. Thời gian phía trước còn dài với những diễn biến không thể lường trước trong các cuộc trưng cầu ý dân tại mỗi quốc gia. Giờ đây toàn châu Âu đang hướng về Tây Ban Nha, nơi Chính phủ đã tiêu tốn 7,5 triệu euro để quảng bá cho sự kiện này.