> Hà Nội ô nhiễm nhất Đông Nam Á
Quản lý chất lượng không khí: Chồng chéo, bất cập
Theo báo cáo của Trung tâm quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị”, do Đại sứ quán Pháp, Cơ quan phát triển Pháp và Tổng cục Môi trường phối hợp tổ chức ngày 21-3, ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi tại Hà Nội ngày càng gia tăng, vượt mức cho phép nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân.
Theo số liệu quan trắc hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nồng độ bụi (TSP và PM10) trong không khí trung bình ở các khu đô thị lớn cao hơn trị số quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí xung quanh cho phép từ 1,5 đến 3 lần. Cục bộ ở một số nơi bị ô nhiễm bụi rất trầm trọng, cao hơn trị số quy chuẩn cho phép từ 5- 7 lần. Hoạt động giao thông với 4 triệu ôtô và xe máy chiếm tỷ lệ tới 70% nguồn gây ô nhiễm ở Hà Nội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Hoàng Dương Tùng cảnh báo, “nước bị ô nhiễm có thể xử lý lọc sạch, đun sôi trước khi uống, còn không khí bị ô nhiễm thì con người phải thở hít trực tiếp..., gây ra nhiều bệnh tật”.
Ông Tùng thừa nhận, “chất lượng không khí tại Việt Nam ngày càng đi xuống sẽ tác động không nhỏ tới sức khoẻ cộng đồng, gây tổn thất về kinh tế xã hội”. Ấy vậy mà, việc quản lý vấn đề tối quan trọng là chất lượng không khí này lại đang lâm vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, chồng chéo giữa các bộ ngành; thiếu văn bản quy định pháp luật; nhiều hoạt động như đánh giá, kiểm soát, dự báo về chất lượng không khí còn đang bị bỏ ngỏ - theo báo cáo từ Cục kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường.
Đơn cử như Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có không khí, nhưng rốt cục lại giao nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị cho Bộ GTVT.
Hay trong vấn đề đánh giá, kiểm soát nguồn thải, đang có sự chồng chéo về phạm vi trách nhiệm giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ khác như GTVT, Công thương, Xây Dựng...
Đáng ngạc nhiên, trong khi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong nước thải, chất thải rắn... đều được chú trọng thì quy định về quản lý chất lượng không khí (trừ TCVN, QCVN) lại hầu như chưa có nghị định, quyết định hay thông tư nào được ban hành. Dường như, lĩnh vực này đang bị bỏ ngỏ ?
Đáng buồn hơn, vẫn theo vị đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm, trong khi công cụ kiểm soát ô nhiễm không khí, quan trắc và kiểm kê nguồn phát thải của chúng ta vừa yếu lại vừa thiếu, thì nhiều trạm quan trắc chất lượng không khí đắt tiền do bạn bè quốc tế viện trợ hoặc nhà nước đầu tư xây dựng lại không hoạt động do thiếu kinh phí (?!).
Được biết, trị giá một trạm quan trắc chất lượng không khí tự động lên tới 300.000 USD. Thế nhưng, ngay cả với những trạm còn đang vận hành với 800.000 số liệu thu thập được mỗi năm, theo GS Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về môi trường tại Việt nam, cũng có sự lãng phí ghê gớm.
Ông cho biết, những số liệu đo đạc tự động rất có giá trị hàng ngày trên đáng ra cần phải được xử lý, phân tích rồi đưa công khai đầy đủ lên mạng internet để các nhà nghiên cứu môi trường như ông tham khảo, cảnh báo cho mọi người dân được biết. Song trên thực tế từ năm 2004 đến nay, ông Hiển không còn cập nhật được số liệu đầy đủ về chất lượng không khí tại Hà Nội, TPHCM nữa.
Trông người để ngẫm đến ta
Bà Laurence Rouil đến từ Viện nghiên cứu môi trường và rủi ro công nghiệp Pháp (INERIS) cho biết, hệ thống giám sát chất lượng không khí của Pháp và các nước thành viên EU buộc phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của EU về chất lượng không khí, trong đó quy định rất chi tiết mức độ phát thải cho phép của hàng loạt thông số như bụi (PM10, PM2.5), CO, NO2, SO2, O3...
Ngoài ra, mọi trường hợp phát thải vượt mức cho phép đều bắt buộc phải thông tin cho người dân. Nước thành viên EU nào không tuân thủ các quy định trên sẽ bị trừng phạt bằng tài chính rất nặng.
Về quản lý chất lượng không khí tại Pháp, cấp bộ chịu trách nhiệm thực thi các quy định của EU và chuyển hóa vào luật, đề ra các mục tiêu quốc gia về giảm lượng phát thải. Dưới bộ có 26 hiệp hội địa phương được giao nhiệm vụ giám sát ở cấp địa phương.
Mạng lưới đo đạc không khí tại Pháp có tới hàng nghìn trạm quan trắc mang tên CARA (riêng NO2 có 476 trạm, O3 có 427 trạm, SO2 có 260 trạm...), thông tin đo đạc từ các trạm này đều được kết nối tới Trung tâm xử lý dữ liệu để phân tích xử lý qua mô hình hóa tính toán tốc độ cao. Từ đó đưa ra các bản tin dự báo hàng ngày về chất lượng không khí kiểu như dự báo thời tiết vậy.
Mọi thông tin, dự báo về chất lượng không khí tại bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ Pháp đều có thể theo dõi trên Hệ thống dự báo chất lượng không khí quốc gia tại địa chỉ www.prevair.org.
Hiện Pháp có khả năng thống kê, giám sát lượng phát thải ô nhiễm không khí trong phạm vi 1x1km2, nghĩa là bản đồ phát thải rất chi tiết. Hệ thống đo đạc, quan trắc chất lượng không khí tại Pháp đang dần sử dụng các phương pháp đo hiện đại theo mô hình/mô phỏng, từ đó đưa ra các dự báo ngắn hạn, lập bản đồ quan trắc, nghiên cứu kịch bản để đánh giá các phương án quản lý nguồn phát thải.
Việc mô hình hóa sử dụng các siêu máy tính còn phục vụ cho việc xây dựng và đánh giá các kế hoạch hành động về chống ô nhiễm môi trường, dự báo các đợt ô nhiễm.
Những kinh nghiệm quản lý, công nghệ mà các chuyên gia đến từ INERIS và ARIA Technologies mang đến hội thảo được đánh giá là rất bổ ích trước thực trạng hiện nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia môi trường Việt Nam.
Theo đánh giá của WHO, Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á (tương đương Karachi và Delhi) và là TP ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Người dân Hà Nội, nhất là trẻ nhỏ, đang phải hứng chịu tác động của tình trạng ô nhiễm không khí với nhiều bệnh tật liên quan như viêm phế quản cấp và mãn tính, hen suyễn, các vấn đề về tim mạch... Nếu chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục đi xuống như hiện nay, số lượng người nhiễm bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. (Nguồn: Chương trình hành động về “Quản lý chất lượng không khí” cho Hà Nội – Tiến sĩ Sarath Guttikunda) |