Chàng trai quẳng ba lô đi về quê làm 'Robinson gạo sạch'

Tiếng chỉ trồng lúa 2 vụ/năm, vụ còn lại để dành cho... đất nghỉ. Ảnh: H.H
Tiếng chỉ trồng lúa 2 vụ/năm, vụ còn lại để dành cho... đất nghỉ. Ảnh: H.H
Chàng trai trẻ bỏ học, xách ba lô lên đường xuyên Việt để rồi cuối cùng nhận ra giấc mơ của đời mình là trở về bên gốc rạ quê nhà làm nông dân.

Căn chòi của Võ Văn Tiếng nằm chơ vơ giữa mênh mông đồng nước vùng biên giới Hồng Ngự của Đồng Tháp Mười. Từ trong chòi có thể ngắm cả mặt trời lên ở phía đông và lặn ở phía tây. Tứ bề chỉ có đàn vịt ồn ào, tiếng đàn dê, tiếng cá quẫy và văng vẳng tiếng máy gặt trên đồng xa.

'Ngựa ô' quay đầu về ruộng

“Ngựa ô can trường” là nickname của Võ Văn Tiếng sau khi tham gia hoạt động Hướng đạo sinh. Tiếng nói cái tên đó gắn với bản tính và hình dáng của mỗi người. Với riêng Tiếng, “ngựa ô can trường” là người không sợ khó khăn, trở ngại hay đường dài. “Cũng tại em đen nữa”, Tiếng cười rộn rã trong căn chòi giữa đồng.

Ít ai biết chàng trai bùn lấm từ đầu đến chân, cười hiền, suốt ngày chỉ chăm chăm vào cây lúa lại có một quãng đời “dữ dội”. Chỉ học hết cấp hai, 18 tuổi Tiếng đi bộ đội. Gần 20 tuổi thì vác ba lô lên TP.HCM học du lịch. Nhưng chàng trai 20 tuổi thích trải nghiệm hơn là những ngày học lý thuyết trên giảng đường.

Hành trình qua 63 tỉnh, thành của Việt Nam bắt đầu với chàng trai trẻ. Tiếng mê mải với những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời. Hết đi bộ thì chuyển sang xe đạp, xe máy, chạy hết quốc lộ thì ngược lên miền núi phía Bắc. Trong túi lúc nào cũng có lương khô. Hết tiền thì dừng lại xin làm thuê để kiếm lộ phí đi tiếp.

Ôm ba lô đầy bụi đường, Tiếng trở về Hồng Ngự, huyện biên giới xa xôi của tỉnh Đồng Tháp. Trở về để làm nông dân, để cứu lấy cánh đồng đang ngập trong hoá chất là tâm niệm của Tiếng.

Nhưng rào cản đầu tiên lại đến từ gia đình. “Ba không cho làm. Mẹ nghĩ từ nhỏ tới lớn chỉ chơi có biết gì về làm ruộng đâu. Ai cũng nghi ngờ vì đang đi học tự dưng về đòi làm nông dân”, Tiếng chia sẻ.

Cuối cùng, cậu con trai khó bảo có được 2 ha đất để thử nghiệm phương pháp trồng lúa mới của mình. Năng suất mùa đó giảm sụt so với cách làm truyền thống của gia đình. Tiếng cũng không tránh khỏi ánh mắt hoài nghi của ba, một nông dân miền Tây thứ thiệt.

Chàng trai quẳng ba lô đi về quê làm 'Robinson gạo sạch' ảnh 1 Hoạt động của nông trại vẫn được Tiếng cập nhật hằng ngày trên Facebook cá nhân. Nhiều bạn trẻ cũng quyết định bỏ phố về làm nông dân trên cánh đồng 20ha lúa của Tiếng. Ảnh: H.H

“Ba bảo người ta làm cách cũ mà năng suất cao. Em nói mình năng suất thấp nhưng giá trị cao hơn. Tính ra, lợi nhuận vẫn nhiều hơn dù làm ít hơn, khoẻ hơn vì không dùng thuốc hoá học”, Tiếng kể lại.

Đó là chuyện mùa trước. Còn mùa này, ba mẹ là người ủng hộ nhiệt thành khi Tiếng đứng ra thuê 20ha đất để hiện thực hoá giấc mơ nông nghiệp sạch của mình.

Trả lại lẽ công bằng cho đất

Võ Văn Tiếng cười rồi kể: “Ở đây, nhiều người gọi em là thằng điên vì trồng lúa gì mà thả quá trời cá xong cò về liên tục”. Ngày nào, trên trang Facebook của Tiếng cũng có hình ảnh nông trại với đôi dòng cảm thán trên có chim trời, dưới có cá, có vịt, có ruộng lúa. Nhưng ẩn sau nụ cười của chàng trai 25 tuổi cũng có những ngày thật nhiều đắng cay.

Chú Bảy, quản lý ở nông trại, chia sẻ 8 tháng trước chỉ có chú và Tiếng đến vùng đồng không mông quạnh này. “Cắm cái cọc xong trùm cái bạt lên thì thành lều. Trời nắng thì nóng mà trời mưa thì vẫn ướt như chuột. Nấu cơm bằng cả nước kênh”.

Mấy tháng sau xạ lúa xong, hai chú cháu mới nghĩ đến chuyện dựng chòi. Gọi là chòi nhưng chú Bảy kể có bữa trời mưa, người trong nhà vẫn phải đội nón và mặc áo mưa. Nhưng 8 tháng sau đó, căn chòi trống trơn ngày nào đã trở nên rộn rã bởi sự xuất hiện của những người bạn cùng chí hướng làm nông nghiệp sạch như Tiếng.

Hệ sinh thái trên đồng ruộng đã bắt đầu vận hành theo cách của tự nhiên. Thay vì làm 3 vụ/năm như truyền thống, Tiếng giảm xuống còn 2 vụ. “Một vụ em vùi rơm xuống, để cho đất nghỉ ngơi”, Tiếng nói.

Chàng trai quẳng ba lô đi về quê làm 'Robinson gạo sạch' ảnh 2 Đàn vịt, đàn cò, cá, ếch, nhái... đang giúp Tiếng làm nên hệ sinh thái tự nhiên trên đồng ruộng. Ảnh: H.H

Đàn vịt, cá, chim, cò, ếch thậm chí là nhện, là những kẻ hỗ trợ tích cực để giảm sâu bệnh trong ruộng lúa. Làm tất cả những điều đó, Tiếng chia sẻ một ngày nào đó đất sẽ hồi sinh trở lại với những dưỡng chất vốn có. “Cũng coi là trả lại lẽ công bằng cho đất”, chàng trai trẻ năm nào chỉ biết đi phượt giờ lại trầm tĩnh nói về triết lý của đất, của cây.

Từ xứ Đồng Tháp Mười, gạo sạch của Võ Văn Tiếng đã được phân phối tại các phiên chợ xanh ở TP.HCM, thậm chí sang cả nước Mỹ. Nhưng hai tháng sau, Tiếng lại phải xin lỗi vì... hết hàng. 20ha lúa của Tiếng không đủ cung cấp cho thị trường.

Hỏi Tiếng về tương lai đưa lúa sạch ra nước ngoài, Tiếng cười hiền: “Bao giờ người dân Việt Nam được ăn lúa sạch hoàn toàn, Tiếng mới nghĩ đến việc xuất khẩu. Việc của Tiếng bây giờ là làm cho tự nhiên khoẻ, con người khoẻ”.

Hồi tháng 10, dự án trồng lúa sạch của Võ Văn Tiếng cũng giành giải nhất cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp 2016” do Trung tâm BSA tổ chức.

Theo Theo Z
MỚI - NÓNG