Ngăn chặn bệnh dịch bùng phát trở lại
Kể về các công trình của mình, PGS. Nguyễn Đức Thành cho hay, vào thời điểm anh bắt đầu nghiên cứu sau tiến sỹ (Postdoc), ở châu Phi và các nước đang phát triển đang có sự xuất hiện trở lại của những đại dịch như: Ebola, Polio, Inflenza… rất nguy hiểm. Mấu chốt của vấn đề là ở những nước đang phát triển như châu Phi (hay kể cả ở các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam), hàng tháng người dân không thể mang con em của mình vượt hàng chục km để đến các cơ sở y tế tiêm những mũi vắc xin nằm trong liệu trình, dẫn tới việc các bệnh dịch lớn không thể hoàn toàn xóa bỏ.
Do đó, bệnh dịch cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và có thể trở thành những đại dịch. Lúc đó, Tổ chức từ thiện của Bill Gates đã tài trợ cho nghiên cứu của anh ở MIT để tạo ra một vắc xin, chỉ cần một lần tiêm (ngay khi trẻ ra đời). Đặc biệt, vắc xin này có thể tự động nhả thuốc ở những thời điểm khác nhau, không cần phải đưa trẻ quay lại trung tâm y tế hàng tháng để tiêm phòng. Với nền tảng kiến thức vi điện tử, anh đã nghĩ đến một phương án mới, ứng dụng công nghệ sản xuất chip máy tính để chế tạo những hạt vắc xin nhỏ, bằng vật liệu chỉ y khoa tự tiêu. Chỉ cần một lần tiêm duy nhất, những hạt vắc xin này sẽ tự động nhả vắc xin ở những thời điểm khác nhau theo mong muốn, và kích thích được sự miễn dịch trên cơ thể (thử nghiệm thành công đối với chuột).
Công trình này được đăng trên Tạp chí Science, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài Hoa Kỳ, giới công nghiệp cũng như nhiều hãng tin lớn (the Guardian, the Independence, Foxnews…) đưa tin về sản phẩm nghiên cứu của nhóm.
Công trình thứ hai là chuyển đổi vật liệu dùng trong y học thành những vật liệu “thông minh” sử dụng cho những ứng dụng khác nhau trong y học. Anh cho hay, khi bắt đầu công việc ở ĐH Connecticut vào năm 2016, điều anh nhận ra rằng, những vật liệu dùng cho chỉ tự tiêu có thể được xử lý để trở thành những vật liệu “thông minh” có khả năng tự chuyển đổi những áp suất cơ học thành tín hiệu điện (tức là vật liệu điện áp). Điều này giúp anh nảy ra ý tưởng có thể sử dụng những vật liệu này để chế tạo ra những cảm biến điện tử, có khả năng tự tiêu.
Những thiết bị này có thể cấy ghép vào cơ thể để đo những áp suất trong cơ thể bệnh nhân (ví dụ như áp suất ở não - brain pressure) của bệnh nhân bị chấn thương sọ não, nhãn áp của bệnh nhân đục thủy tinh thể…, truyền tín hiệu ra bên ngoài thông qua công nghệ không dây, và đặc biệt là có khả năng tự tiêu hủy. Điều này vô cùng quan trọng vì cảm biến này sẽ không cần có một lần phẫu thuật nào khác để lấy ra, gây nguy hiểm cho người bệnh giống như những cảm biến điện tử thông thường.
“Ý tưởng này được hiện thực hóa bởi những học viên xuất sắc trong nhóm nghiên cứu của tôi ở Đại học Connecticut. Nhóm đã công bố kết quả nghiên cứu trên PNAS - một tạp chí đa ngành nổi tiếng của Hoa Kỳ và thế giới. Nghiên cứu đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, công nghệ trên thế giới và đông đảo giới truyền thông”, anh Thành chia sẻ.
Cơ hội của Việt Nam
PGS. Nguyễn Đức Thành cho biết ở Mỹ, các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ y sinh và vật liệu y sinh thu hút được sự quan tâm rất lớn từ giới công nghiệp. Chính phủ cũng tài trợ rất lớn cho sự kết hợp giữa giới công nghiệp và các nhà nghiên cứu. Có rất nhiều công ty khởi nghiệp bắt đầu từ những kết quả nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu trong các viện và trường ĐH. Bởi chỉ có sự tham gia của giới công nghiệp, các sản phẩm nghiên cứu mới có thể thoát ra khỏi phạm vi phòng thí nghiệm, được phát triển ở quy mô lớn hơn, và dễ dàng đưa ra thị trường để đến với người sử dụng. Bản thân những giáo sư trong lĩnh vực này cũng phải rất năng động trong việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
PGS. Nguyễn Đức Thành cho rằng việc Việt Nam hợp tác với Mỹ để phát triển lĩnh vực này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Mỹ có thể mang đến cho Việt Nam công nghệ mới và cả nguồn tài trợ rất lớn, nhưng Việt Nam cũng cần biết được có thể làm gì cho Mỹ và điều đó phải là duy nhất, đặc thù của Việt Nam. Ví dụ, ở Việt Nam nghiên cứu thực hiện với động vật dễ dàng hơn nhiều so với Mỹ (thuận lợi về mặt quy trình, tài chính, thời gian, nguồn nhân lực...). Việt Nam có thể khai thác thế mạnh này để hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ y sinh và vật liệu y sinh. Để bắt đầu, có lẽ những người Việt Nam đã, đang và sẽ làm khoa học ở Mỹ sẽ là cầu nối tốt nhất. Các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại Mỹ đều có mong muốn đóng góp cho đất nước, nhưng đồng thời cũng muốn góp ích cho nền khoa học Hoa Kỳ, nơi đã tạo cơ hội cho mình được học tập, làm việc và phát triển. Có lẽ chỉ cần Việt Nam có những chính sách và tài trợ tốt để các nhà khoa học ở nước ngoài dễ dàng làm việc và nghiên cứu ở cả hai quốc gia.
Một tư duy hợp tác để hai bên cùng có lợi, chính sách dễ dàng tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu được làm việc độc lập, và có một sự đầu tư, tài trợ lâu dài đương nhiên sẽ tạo ra một hợp tác hiệu quả. Hơn nữa, bản chất của lĩnh vực công nghệ y sinh và vật liệu y sinh là đa ngành, và để phát triển được chắc chắn phải có sự đầu tư cho các hướng nghiên cứu đa ngành. Các nhà khoa học ở các ngành khác nhau cần phải có cơ hội gặp gỡ, thảo luận thường xuyên và quan trọng là cần có tư duy mở, khiêm tốn và một sự say mê để luôn học hỏi từ những người đồng nghiệp ở các ngành khác.
PGS. Nguyễn Ðức Thành cho rằng việc Việt Nam hợp tác với Mỹ để phát triển lĩnh vực này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Mỹ có thể mang đến cho Việt Nam công nghệ mới và cả nguồn tài trợ rất lớn, nhưng Việt Nam cũng cần biết được có thể làm gì cho Mỹ và điều đó phải là duy nhất, đặc thù của Việt Nam.
PGS. Nguyễn Ðức Thành là một trong 20 ứng cử viên lọt vào danh sách bình chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu của T.Ư Ðoàn năm 2019. Anh đồng thời cũng vừa được tạp chí MIT Technology Review bình chọn là một trong 10 Nhà Sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi (Innovators Under 35) của năm 2019.