Chàng trai công nghệ

Giảng viên trẻ Đặng Phạm Thiên Duy trao đổi về chủ đề AI tại ĐH RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC
Giảng viên trẻ Đặng Phạm Thiên Duy trao đổi về chủ đề AI tại ĐH RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC
TP - Đặng Phạm Thiên Duy (sinh năm 1990) tốt nghiệp Trường Đại học RMIT Việt Nam và nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của Chính phủ Úc vào năm 2012. Không ngừng trau dồi, tiếp thu kiến thức và công nghệ mới, Duy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống thông tin tại Đại học RMIT Melbourne (Úc) vào năm 2018.

Về Việt Nam làm việc và trở thành giảng viên trẻ nhất ngành Công nghệ thông tin tại khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam.

Chàng trai công nghệ ảnh 1 TS Thiên Duy luôn nhiệt huyết, khai phá những cái mới trong lãnh địa IT. Ảnh: NVCC

Sau một năm công tác, TS Thiên Duy hiện là Trưởng nhóm Nghiên cứu Công nghệ Tính toán, đồng thời giữ vị trí Trưởng chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại RMIT Việt Nam.

Như những giảng viên và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực IT nói chung, bộ môn Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AT) nói riêng, nhiệm vụ và niềm cảm hứng mỗi ngày của TS Thiên Duy chính là nâng cao trình độ đồng thời lan tỏa những kiến thức và cảm hứng đến cộng đồng sinh viên, doanh nghiệp và xã hội. Trong quá trình công tác, các công trình nghiên cứu của TS Thiên Duy đóng góp chủ yếu vào lĩnh vực an toàn thông tin, nâng cao nhận thức của mọi người về các mối nguy hiểm trong không gian mạng, đặc biệt bằng việc áp dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu và máy học (machine learning).

Kết nối doanh nghiệp với hoạt động học thuật chính là mục tiêu và cũng là động lực để Đặng Phạm Thiên Duy nỗ lực kiến tạo và kiên trì với con đường nghiên cứu khoa học, giảng dạy của mình. Khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ, anh đã thực hiện các dự án nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nhân ở Việt Nam về bảo mật thông tin và quản lý CNTT. Trong giảng dạy, TS Thiên Duy chủ động mời các chuyên gia IT về giảng các lớp anh phụ trách nhằm truyền đạt những kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Chính cách làm việc có sự gắn kết giữa 3 bên “nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên” này đã đem lại nhiều phản hồi tích cực và sự thích thú cho sinh viên khi được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT.

Chỉ vài ngày trước, Thiên Duy lần đầu tiên tự đứng ra tổ chức hội thảo về trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại RMIT Việt Nam, thu hút cả ngàn sinh viên tham dự. Đó là một trải nghiệm thú vị.

Để vượt qua được những thử thách, TS Thiên Duy cho rằng, người trẻ cần luôn giữ thái độ mình có thể làm được, cộng với tinh thần nhiệt tình, nhanh nhạy trong việc nhận biết và bắt lấy các cơ hội trong cuộc sống. Theo TS Thiên Duy, các bạn trẻ cần chủ động và tự tin vào bản thân mình; không nên giữ suy nghĩ rằng mình vẫn còn trẻ, hay mình chưa sẵn sàng cho những công việc khó nào đó. Cơ hội xuất hiện khi bạn nhìn xung quanh và tự đặt câu hỏi cho chính mình, rằng vì sao chưa ai làm việc đó? Và nếu bạn chần chừ hay do dự không bắt tay vào làm thì ai đó chủ động hơn bạn sẽ dấn thân vào làm thay cho bạn, thế là cơ hội sẽ biến mất.

Trong quá trình công tác, TS Thiên Duy nhận được các giải thưởng liên quan đến công tác giảng dạy và nghiên cứu, trong đó điểm nhấn là giải thưởng Tác động nghiên cứu lên doanh nghiệp Việt Nam do hệ thống RMIT toàn cầu trao tặng vào năm 2016 và sau đó là giải thưởng của Hiệp hội Máy tính Úc (ACS) với vai trò đồng tác giả nghiên cứu tại Hội nghị khu vực châu Đại Dương về Hệ thống thông tin năm 2017.

Chia sẻ về khát vọng của mình, TS Thiên Duy bày tỏ niềm vui khi trở thành người chia sẻ và truyền cảm hứng cho những thế hệ chuyên gia công nghệ thông tin và kỹ sư phần mềm vừa có tay nghề chuyên môn cao, phẩm chất tốt, thành thạo ngoại ngữ, luôn sẵn sàng cập nhật kiến thức mới nhất về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Đó sẽ là những người trẻ can đảm, xông xáo, chủ động dấn thân và nắm bắt các cơ hội học tập, phát triển bản thân. 

MỚI - NÓNG