Chàng trai bỗng dưng hóa điên sau khi đỗ vào đại học Y

Chàng trai bỗng dưng hóa điên sau khi đỗ vào đại học Y
Gương mặt ngô nghê,anh liên tục hỏi mẹ: “Con làm bác sĩ phải không?” khiến người mẹ đáng thương chỉ biết gạt nước mắt. 10 năm theo con đi viện, cô đã khóc hết nước mắt vì xót xa con phải bỏ học giữa chừng khi đang là cậu sinh viên năm 2 trường ĐH Y.

Chàng trai bỗng dưng hóa điên sau khi đỗ vào đại học Y

Gương mặt ngô nghê,anh liên tục hỏi mẹ: “Con làm bác sĩ phải không?” khiến người mẹ đáng thương chỉ biết gạt nước mắt. 10 năm theo con đi viện, cô đã khóc hết nước mắt vì xót xa con phải bỏ học giữa chừng khi đang là cậu sinh viên năm 2 trường ĐH Y.

Hà Nội những ngày đầu mùa rét, mưa và gió lạnh nhưng người phụ nữ chỉ có duy nhất một chiếc áo chống nắng lấy ra làm áo ấm. Giọng lập cập, cô vội vàng cho biết: “Tôi phải lên bón cơm cho nó thật nhanh rồi còn phải về viện huyện để truyền thuốc nữa không thì tôi không trụ được đến tối cô ạ”.

Đã 10 năm theo con đi viện chữa bệnh, với cô Dung, Hùng vẫn như một đứa trẻ ngô nghê không biết gì.
Đã 10 năm theo con đi viện chữa bệnh, với cô Dung, Hùng vẫn như một đứa trẻ ngô nghê không biết gì..
 

Vừa nói cô vừa khe khẽ lấy ra chiếc hộp cơm đựng trong túi xách để khỏi động vào mũi kim truyền vẫn còn giữ chặt ở cánh tay. Cái dáng khắc khổ, lật đật, cô đi nhanh trên cái lối quen thuộc đến thẳng khoa Điều trị B của bệnh viện Tâm thần Hà Nội để gặp cậu con trai. Nước mắt ngắn dài, như bao lần cô lại bật khóc khi nhìn thấy con được bác sĩ dẫn ra từ phòng bệnh.

Từ một cậu sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Y Hà Nội, Hùng trở thành bệnh nhân của bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Từ một cậu sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Y Hà Nội, Hùng trở thành bệnh nhân của bệnh viện Tâm thần Hà Nội..
 

Gương mặt điển trai, nhìn hiền lành, phúc hậu nhưng ánh mắt ngô nghê như một đứa trẻ, cậu con trai Lê Xuân Hùng (sinh năm 1983) hỏi mẹ liên tục: “Con làm bác sĩ phải không mẹ? Mẹ bảo với mọi người là con làm bác sĩ chữa bệnh đi”. Không xa lạ với câu nói của con bởi đã 10 năm nay cô nghe thuộc điều đó nhưng không lần nào cô cầm lòng được. Đôi bàn tay yếu ớt, run lẩy bẩy của mẹ lại nắm chặt lấy tay con mà dỗ dành: “Ừ, con làm bác sĩ. Bác sĩ thì phải ăn cơm đi” rồi nước mắt lại cứ thế mà túa ra. Bữa cơm trưa của con theo đó cũng chan đầy nước mắt của mẹ nhưng con không biết gì nên vẫn ngồi lặng yên ăn ngon lành.

Người phụ nữ đáng thương ấy là cô Phạm Thị Dung (khu 10, thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội). Đã 10 năm nay con trai cô phải ở viện vì chứng bệnh tâm thần phân liệt nhưng lại càng bi đát hơn khi hoàn cảnh gia đình quá éo le. Chồng của cô đã bỏ đi bặt vô âm tín sau khi Hùng bị bệnh không lâu, bỏ lại hai mẹ con trong cảnh đói nghèo, kiệt quệ.

“Chuyện của ông nhà tôi đã lâu rồi, tôi cũng không muốn nhắc đến nữa vì ông ấy không thương mẹ con tôi nữa, tôi cũng không thể giữ nổi. Nhưng còn thằng Hùng, sao ông trời nhẫn tâm với nó đến thế. Từ bé nó đã khao khát lớn lên được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, rồi nó thi đỗ vào trường ĐH Y Hà Nội và học đến năm thứ 2 thì đổ bệnh. Giờ thì con trai tôi lại mắc chứng bệnh mà không có hi vọng ngày khỏi… Nó trở thành bệnh nhân vĩnh viễn ở bệnh viện này cô ạ”- cô Dung cho biết.

Chồng bỏ đi bặt vô âm tín, nhà cửa đã bán sạch, cô trở nên trắng tay khi bệnh của con trai vẫn còn dai dẳng
Chồng bỏ đi bặt vô âm tín, nhà cửa đã bán sạch, cô trở nên trắng tay khi bệnh của con trai vẫn còn dai dẳng.
 

Gia đình hai bên nội, ngoại của cô Dung không ai mắc chứng bệnh này nên khi Hùng được các bác sĩ kết luận bị tâm thần phân liệt, cô bàng hoàng như rụng rời chân tay. 12 năm đèn sách, ngày con đỗ đại học dường như vẫn mới hôm qua, bởi trong trí nhớ của người mẹ đáng thương: “Hôm đó tôi vừa đi làm về thì thằng Hùng ôm cổ mẹ ngay rồi khoe giấy báo nhập trường, nó vui đến phát khóc, tôi cũng không dấu nổi niềm vui cô ạ”.

Thời gian đi học, Hùng không có biểu hiện gì bất thường cho đến ngày tin dữ đến với cô: “Hôm đó thầy giáo và một bạn học của con trai tôi đưa Hùng về nhà nói cho Hùng đi khám bệnh bởi nó hay nói nhảm và thường đi lang thang trong đêm. Tôi chỉ nhớ có vậy thôi, rồi là nó đi viện từ ngày đó đến giờ”.

Lần nào gặp mẹ, Hùng cũng nhắc đi, nhắc lại câu:
Lần nào gặp mẹ, Hùng cũng nhắc đi, nhắc lại câu: "Con là bác sĩ phải không mẹ, mẹ đi nói với mọi người đi".
 

Những năm đầu chữa bệnh cho con, bản thân cô Dung còn hi vọng bởi nghĩ con khỏi bệnh rồi sẽ trở về trường học tiếp. Không có tiền, chỉ có ngôi nhà ngói 4 gian là tài sản duy nhất cô cũng đã mang đi cầm cố lấy tiền cho Hùng đi bệnh viện. Nhưng rồi tiền cũng hết mà bệnh thì vẫn dai dẳng không thôi, hai mẹ con lâm vào cảnh “trắng tay” không tiền, không có cả chỗ nương thân.

Hoàn cảnh gia đình cô Dung vào diện khó khăn đặc biệt được chính quyền xã và bà con thôn xóm giúp đỡ nhưng rồi cũng chẳng thấm vào đâu. Đã nhiều năm nay, cả hai mẹ con được người hàng xóm tốt bụng Phan Văn Lâm cho ở nhờ để lấy chỗ che mưa, che nắng lúc không ở viện.

Cô Dung xót xa khi hai mẹ con ngồi đối mặt với nhau nhưng con hoàn toàn không hiểu những điều mẹ nghĩ
Cô Dung xót xa khi hai mẹ con ngồi đối mặt với nhau nhưng con hoàn toàn không hiểu những điều mẹ nghĩ.
 

Trao đổi với bác Lâm, được biết: “Bình thường những lúc cô ấy không lên viện chăm con thì về ngủ với mẹ tôi vì cô ấy làm gì còn nhà nữa đâu. Kể ở đây mọi người cũng thương lắm, nhưng ngại một nỗi anh Hùng mà ở cùng thì sợ xảy ra việc nọ, việc kia thì phiền lắm. Thành ra hoàn cảnh như thế nên cô ấy đã khổ lại càng khổ hơn. Bản thân cô ấy ốm đau liên miên, hôm trước tự nhiên lăn đùng ngất ra đấy nên nhà tôi phải cho đi viện, ở viện bác sĩ cho biết sức khỏe của cô ấy rất kém và ngày nào cũng phải truyền thuốc”.

Về căn bệnh của Hùng, bác sĩ Nguyễn Quang Bính (Trưởng khoa điều trị B - bệnh viện Tâm thần Hà Nội) cho biết: "Đối với bệnh nhân bị tâm thần phân liệt cần có sự can thiệp thường xuyên của bác sĩ và sử dụng thuốc để hạn chế những rối loạn mà họ gây ra cho xã hội. Với hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân Hùng rất đáng thương, phía bệnh viện mong muốn cô Dung được xã hội giúp đỡ để có điều kiện sống những ngày tiếp theo".

Đường cùng, không nơi bấu víu, lại cảnh không nhà, không cửa, không chồng, cô trở nên đáng thương, lầm lũi và ngại khi tiếp xúc với người lạ. Chân nọ đá chân xiêu, sau bữa cơm trưa vội vàng của con cô lại tất tả trở về để kịp giờ bác sĩ truyền thuốc. Nước mắt ngắn dài rớt trên hàng lang bệnh viện và trên cả con đường về nhà, trong đầu cô vẫn le lói một hi vọng cho dù quá đỗi mong manh rằng: “Thằng bé Hùng ngày nào của cô sẽ khỏi bệnh trở về đi học tiếp để thực hiện ước mơ được làm bác sĩ của mình”.

Theo Phạm Oanh
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG