Chàng trai Bắc đoạt 'Chuông Vàng Vọng cổ' miền Nam

Chàng trai Bắc đoạt 'Chuông Vàng Vọng cổ' miền Nam
TPO - Vượt qua hàng trăm thí sinh chủ yếu ở vùng đất cải lương Nam bộ, chàng trai sinh năm 1982 đến từ Bắc Giang đã đoạt giải Ba Giải Chuông Vàng Vọng cổ 2012 do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức.
Nguyễn Văn Đáng tại cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ 2012
Nguyễn Văn Đáng tại cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ 2012.

Đây là một hiện tượng lạ, bởi sau 7 lần tổ chức, lần đầu tiên Giải chuông vàng Vọng cổ mới có một thí sinh miền Bắc đạt giải cao.

Đáng yêu cải lương là nhờ bố. Hồi nhỏ cứ có chương trình cải lương nào thì bố lại mở, Đáng nghe nhiều đến thuộc lòng từng giọng ca, từng trích đọan.

Nghe nhiều, dần dần Đáng cũng tập ca thử, bắt chước luyến láy ngân nga y như thật. Vậy mà Đáng lại tự tin đem cái hành trang tự nghe tự diễn đó để dự thi vào bộ môn cải lương thuộc khoa Kịch hát của trường Sân khấu Điện ảnh.

Nào ngờ đậu thật, thế là Đáng đi theo nghiệp cải lương. Ra trường, được về công tác ở nhà hát Cải lương Trung ương nhưng Đáng ít có cơ hội phát triển bởi trong đoàn tòan những bậc “cây đa cây đề”, những người trẻ như Đáng chỉ nhận tòan những vai phụ, vai ít đất diễn.

Và cũng như nhiều nghệ sỹ trẻ chưa thành danh khác, ngoài giờ diễn ở Nhà hát thì Đáng cũng tranh thủ đi… làm thêm như làm MC, hát lót trong những chương trình nhỏ, thậm chí cả đám cưới, đám hỏi. Và Đáng vẫn trau dồi nghề nghiệp để hy vọng có một ngày cơ hội sẽ đến.

Cơ hội đã đến với Đáng khi giải Chuông Vàng Vọng cổ mở rộng tuyển thí sinh tại Hà Nội.

Ban đầu Đáng không tính đăng ký dự thi nhưng bạn bè xúi, rồi cả vài diễn viên trẻ trong đoàn cũng đăng ký dự thi. “Bạn bè khen tôi có giọng ca ngọt, ca có hồn nên tôi mạnh dạn đăng ký, nhưng cũng không dám nghĩ là mình sẽ vào sâu trong giải được vì trong Nam, các bạn ấy hát rất hay.

Tuy nhiên, đã đăng ký dư thi thì phải luyện tập và cố gắng hết mình”, Đáng kể. Công sức tập luyện của Đáng đã được đền đáp khi trong danh sách 9 thí sinh lọt vào đến vòng Chung kết đã có tên Đáng.

Bước vào vòng Chung kết với 5 đêm thi, Đáng đã trở thành “Chú ngựa ô” của giải khi lần lượt chiến thắng trong từng đêm diễn.

Đặc biệt trong đêm Chung kết thứ 3, Đáng đã thể hiện rất ngọt ngào bài tân cổ giao duyên Dòng sông quê em để vươn lên dẫn đầu với số điểm 19,58. Ngoài chất giọng khoẻ, hơi dài và có cao độ tốt, Đáng còn có cách xử lý khá tốt các câu vọng cổ, tạo sự truyền cảm, mượt mà trong từng câu hát.

Hầu hết các nữ nghệ sỹ khi phụ diễn với Đáng đều thừa nhận Đáng có khả năng nắm bắt rất nhanh, biết tung hứng để bắt nhịp cùng bạn diễn. Nhiều người đã dự đoán Đáng chính là chủ nhân của chiếc Chuông Vàng năm nay.

Thế nhưng Đáng đã không may mắn khi vào những vòng thi cuối thì lại bị bệnh.

Lạ phong thổ, Đáng đã bị cảm và giọng bị khàn đi. Chính vì thế mà những đêm chung kết tiếp theo, giọng ca vang khoẻ và cao độ đã không còn nữa.

Đáng buồn lắm: “Em biết mình vào đến đây là may mắn rồi, nhưng giá như không bị khan tiếng thì có thể em diễn sẽ tốt hơn, sẽ không phụ công sức những người đã bình chọn cho em”.

Kết quả giải 3 của Chuông Vàng Vọng cổ đã là một sự nỗ lực hết sức của Đáng. Trong lễ trao giải, mọi người thấy Đáng rưng rưng nước mắt.

Tuy chỉ là giải 3 nhưng Đáng cho rằng đây là cơ hội để đặt chân đến vùng đất phương Nam- cái nôi của cải lương. Đã có những lời mời Đáng tham gia các chương trình cải lương ở phía Nam.

Đáng cho biết: “Rất nhiều bạn đồng nghiệp của tôi có chất giọng rất tốt, hơi dài nhưng vì không có điều kiện trau dồi nên không phát triển được. Vì thế tôi quyết định sẽ vừa hát ngoài Bắc, vừa hát trong Nam để nâng cao tay nghề và tìm thêm khán giả”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG