Gồng lỗ từng ngày
Nhìn vào trại gà hàng chục ngàn con đang rớt giá từng ngày, ông Nguyễn Tấn Minh (chủ trại gà lông trắng tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) không khỏi lo lắng: “Tôi đầu tư chuồng kín hàng chục tỷ đồng nuôi gà công nghiệp, nhưng hiện giá gà chỉ còn 20.000 đồng/kg. Giá này chỉ mới được 70% chi phí chăn nuôi, chúng tôi đang gồng lỗ 30%. Nếu giá thành cứ tiếp tục xuống thế này, chúng tôi không cầm cự nổi”.
Trại gà của ông Minh đang trong tình hình bấp bênh vì thua lỗ. Ảnh: M.T |
Theo ông Minh, để chăn nuôi gà, ông phải đầu tư khoảng 4 trại, mỗi trại rộng khoảng 1.500m2 nuôi 15.000 con; chi phí đầu tư tới 5 tỷ đồng/trại… Cả năm qua, giá gà đã giảm nhưng từ đầu năm 2023 đến nay là đợt sụt giảm giá thê thảm nhất.
“Không mặn mà với nuôi heo nữa”
Mặc dù giá thịt heo hơi có xu hướng tăng nhưng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không mặn mà vì bị âm vốn thời gian dài.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, thời gian qua giá heo (lợn) hơi liên tục điều chỉnh tăng giá, mỗi đợt tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trong đó, giá heo hơi tại Đồng Nai hiện có mức cao nhất khu vực Đông Nam bộ, từ 55.000 - 57.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá heo hơi tăng là do nhu cầu tiêu dùng đang trên đà hồi phục trong khi nguồn cung giảm hơn so với trước.
Tuy giá heo hơi có xu hướng tăng nhưng chỉ những công ty chăn nuôi và các các trang trại lớn mới còn nguồn cung, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn nhiều bởi đa số đều đã ngừng nuôi, “treo chuồng” sau thời gian dài chăn nuôi lỗ vốn. Bà Lê Thị Thúy (chủ hộ chăn nuôi heo ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Cầm cự được vài lứa heo xuất chuồng là âm vốn, càng nuôi càng lỗ nên phải “treo chuồng”. Những hộ chăn nuôi khác cũng lâm vào tình cảnh như tôi, không ai còn mặn mà với chăn nuôi heo nữa”.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cho biết: “Dự báo giá heo hơi sẽ tiếp tục giữ đà tăng trong quý II và quý III/2023 khi nhu cầu thị trường dần ổn định, trong khi nguồn cung heo có thể tiếp tục giảm do người chăn nuôi hạn chế đầu tư vì khó khăn suốt từ đầu năm đến nay. Hiện nay, Đồng Nai cung cấp cho TPHCM và các tỉnh lân cận trung bình gần 5.000 con heo thịt/ngày.Nhóm PV
Theo nhiều chủ trại gà, lý do giá gà thịt sụt giảm rất sâu là do các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp đã có sự lựa chọn gà đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng sản xuất đã cắt giảm lao động, giảm suất ăn… Vì thế khiến sản lượng tiêu thụ thịt gà công nghiệp trong nước giảm thê thảm. “Gà, vịt trong nước lép vế cạnh tranh với gia cầm nhập khẩu ngay trên sân nhà. Trong khi đó, người chăn nuôi rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Lãi suất vay cũng quá cao” - bà Lê Thị Huệ (chủ cơ sở chăn nuôi gà, vịt tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho hay.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, thực tế thời gian qua, ngành chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà, phát triển quá nhiều. Nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn được cấp phép đầu tư mà không gắn liền với phương án xuất khẩu. Trong khi đó, thịt gà đông lạnh nhập khẩu không ngừng gia tăng hằng năm đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây áp lực lớn lên thị trường tiêu thụ trong nước. Ngoài thịt gà nhập khẩu chính ngạch, một lượng lớn gà đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, thậm chí nhập lậu qua biên giới. Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, vấn đề “nóng” đang gây bức xúc cho người chăn nuôi hiện nay là tình trạng thị trường thịt gia cầm trong nước lâm vào cảnh dội chợ, rớt giá nhưng vẫn cho nhập khẩu tràn lan. Việc kiểm soát thịt nhập khẩu của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo nhưng khi xuất khẩu thì phải chịu nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt của các nước.
Ngoài gặp khó vì giá cả, vốn vay, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang triển khai kế hoạch di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch cũng như tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ phải “giải nghệ” do việc di dời, xây mới chuồng trại chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn này là điều không thể. Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) Lê Văn Quyết cho biết: “Tôi đang có trang trại thuộc diện phải di dời. Mong chính quyền rà soát lại. Những trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì buộc phải ngưng hoặc di dời ngay nhưng với các trường hợp chuồng trại đúng quy cách, không gây ô nhiễm môi trường thì nên cho giãn lộ trình thực hiện”.
Trứng gia cầm cũng rớt giá
Trong khi giá gà trong nước giảm sâu, thì trứng gia cầm cũng rớt giá mạnh khiến người chăn nuôi càng khó khăn. Ghi nhận tại nhiều chợ, siêu thị ở TPHCM, giá trứng gà giảm từ 4.000-10.000 đồng/chục. Đơn cử như Trứng gà tươi Gfood giá từ 31.500 đồng/chục, giảm còn 28.500 đồng/chục. Trứng gà ta Vfood từ 46.000 đồng/chục, giảm giá còn gần 39.900 đồng/chục… Nhiều thời điểm, các siêu thị, nhãn hàng còn tung khuyến mãi mua 10 tặng 2, thậm chí mua 10 tặng 6 để hút khách. Còn tại chợ lẻ, trứng gà được bán với giá bất ngờ: 30 trứng chỉ 50.000 đồng.
“Gà, vịt trong nước lép vế cạnh tranh với gia cầm nhập khẩu ngay trên sân nhà. Trong khi đó, người chăn nuôi rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Lãi suất vay cũng quá cao”
Bà Lê Thị Huệ (chủ cơ sở chăn nuôi gà, vịt tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)
Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Vfood) cho biết, thị trường tiêu thụ trứng chủ yếu gồm người tiêu dùng trực tiếp và các DN bánh kẹo, các công ty làm suất ăn công nghiệp. Hiện nay, nhiều DN sản xuất gặp khó khăn về đơn hàng nên thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm lao động… kéo theo DN cung cấp suất ăn công nghiệp cũng giảm theo, lượng trứng cung cấp cho các đơn vị này cũng bị ảnh hưởng. “Một số đối tác lớn của chúng tôi trong ngành bánh kẹo trước đây sản xuất bánh khô lưu kho, nhưng nay ế quá đành phải phát cho công nhân ăn. Họ không sản xuất được nên chúng tôi cũng không bán được hàng. Để đẩy mạnh tiêu thụ trứng, chúng tôi liên kết với siêu thị tăng cường các chương trình khuyến mãi. Mà ngặt nỗi, khuyến mãi nhiều thì ảnh hưởng đến giá thành, đến người chăn nuôi” - ông Thiện chia sẻ.