Lưới lừa đảo đã được các trùm mở rộng ra nhiều "thị trường" như: "Thị trường H" (hồ sơ) là đường dây chuyên lừa chạy dự án cấp Trung ương; "Thị trường ĐC" (lừa đa cấp); "Thị trường C" (lừa đồ cổ). "Thị trường T" (tiền giả) và thị trường mà tôi xâm nhập chỉ chuyên lừa hàng độc, lạ, hiếm được gọi là "hàng đê" (hàng Đ).
Hầu như điểm cuối của các đường dây lừa đảo đều được dồn về Hà Nội.
Chân dung các “cấp trên”
Đứng đầu hệ thống đường dây là một ai đó được gọi là "đại tướng"? Một "đại tướng" có rất nhiều đường dây. Đứng đầu một đường dây là một kẻ nào đó mang hàm "trung tướng". Mỗi "trung tướng" đứng đầu 1 loại hình kinh doanh (gọi là thị trường). Mỗi khu vực có một người mang hàm "thiếu tướng". Mỗi "thiếu tướng" chịu trách nhiệm 1 tỉnh, thành hoặc 1 cụm dân cư.
Khi thâm nhập vào giới buôn "hàng Đ" tôi mới biết toàn bộ các cấp hàm đó đều giả mạo. Mỗi nhân vật "cấp trên" ấy luôn cất trong hành lý 2 bộ sắc phục (1 bộ công an và 1 bộ quân đội) đúng với cấp hàm của mình. Để không bị "úp sọt" (bắt quả tang), những “cấp trên” này không bao giờ mặc sắc phục ở ngoài đường mà chỉ mặc khi vào "phòng giao dịch" tức một căn phòng khách sạn nào đó.
Các “cấp trên” thường ẩn kín mặt. Chỉ khi những giao dịch bước vào giai đoạn cuối, con mồi đã say với món hàng, “cấp tướng" mới xuất hiện. Khi “cấp trên” xuất hiện là có một "giao dịch sắp hoàn thành", tức kịch bản lừa đã đến thời điểm gần hạ màn, hoàn tất. Cũng có nghĩa là một ai đó sắp mất trắng tay một khoản tiền lớn.
Trong những ngày lê la cùng giới buôn "hàng Đ" ở khu chung cư Bà Điểm, tôi đã may mắn gặp được 2 “cấp trên” như thế.
Đó là Bảy Tr., xưng là “trung tướng quân đội" và Th. "độc nhãn" xưng là “đại tá công an” phụ trách an ninh tiền tệ?! Bảy Tr. là dân gốc Phú Yên, cũng thuộc loại "cấp trên của nghề lừa đảo". Có vẻ như ông ta là đầu mối của giới buôn "hàng Đ" ở khu vực TP Hồ Chí Minh. Ông ta luôn giới thiệu rằng, Bộ Quốc phòng giao cho ông ta nhiệm vụ đi quan sát, theo dõi đường đi của các “bảo vật quốc gia”, trong đó có "hàng Đ".
"Trung tướng" Bảy Tr. khoảng 60 tuổi, ít xuất hiện hơn Th. "độc nhãn". Ông ta thường thuê những phòng khách sạn bèo làm nơi tá túc và rất thường xuyên thay đổi chỗ ở.
Bảy Tr. luôn cảnh giác, không bắt chuyện với người lạ. Có lần tại quán cà phê Bà Điểm, ông ta nói cho thuộc hạ biết, Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt là người cùng nhóm nhưng khác... "thị trường"! "Thị trường" của Lê Xuân Giang chỉ chuyên kinh doanh đa cấp. Khi được hỏi, có phải Lê Xuân Giang chuyên nghề lừa đảo không, "trung tướng” Bảy Tr., phản ứng dữ dội: "Không được nghi ngờ đồng đội, đàn em của tôi. Giang "heo" được “Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thu hút lượng tiền nhàn rỗi trong nhân dân cho Tổng cục Tình báo”(!?) Bây giờ Giang "heo" đã “hoàn thành nhiệm vụ” nên “Tổng cục Tình báo” tạo một vụ án để đưa Giang "heo" vào tù rồi sau đó chuyển Giang "heo" ra nước ngoài làm nhiệm vụ"!?
Thật là điên cuồng và nhảm nhí!
Để kiểm tra mức độ "nổ" của Bảy Tr., tôi đưa bức ảnh của Lê Xuân Giang cho Hợi xem. Vừa trông thấy ảnh, Hợi khẳng định: "Bảy Tr., Th. "độc nhãn" và Giang "heo" là bộ ba rất thân. Lâu lâu, Giang "heo" vào Nam lái xe ô tô đeo biển số giả của quân đội chở Bảy Tr. và Th. "độc nhãn" chạy lòng vòng khu chung cư Bà Điểm để lòe mọi người.
Còn "đại tá" Th. "độc nhãn" luôn khoe: "Tôi là người đứng đầu lực lượng phụ trách an ninh tiền tệ của quốc gia. Tôi có nhiệm vụ cân bằng giá trị đồng tiền Việt Nam, không để tiền Việt Nam mất giá so với đồng tiền quốc tế. Mỗi khi đồng tiền Việt Nam mất giá, tôi có trách nhiệm bán 1 cục đồng đen ra nước ngoài để thu về hơn 500 triệu đô la. Thế là tiền Việt Nam... lên giá lại ngay"!?
Bảy Tr. và Th. "độc nhãn" đều khẳng định, ngoài nhiệm vụ chính là thu mua, bí mật bảo vệ bảo vật quốc gia, họ còn có nhiệm vụ... “bảo vệ lãnh đạo nhà nước từ xa”!? Khi lãnh đạo nhà nước đi Mỹ thảo luận với Tổng thống Obama về việc Việt Nam sẽ cho "nhân viên Tổng cục Nghiên cứu không gian của Bộ Quốc phòng" đi khắp thế giới thu mua đồng đen cho Mỹ thì "trung tướng" Bảy Tr. và đại tá Th. "độc nhãn" phải sang Nga cư trú để... làm công tác bảo vệ!? Còn khi Thủ tướng đang ở Việt Nam thì cặp lừa đảo này phải xuất hiện ở... khu chung cư Bà Điểm để thực thi nhiệm vụ?
Viên trung tướng dỏm đang thuyết phục phóng viên tham gia buôn "hàng Đ". Số tiền tham gia "hùn" là 50 triệu đồng.
Có nhiệm vụ cao cả và quan trọng đối với Tổ quốc như vậy nhưng Th. "độc nhãn" chỉ đi chiếc Attila màu đen già nua và thường xuyên ăn quỵt các quán cóc ở khu chung cư Bà Điểm. Hắn mượn của bà Ch. "Củ Chi" (cũng là dân buôn hàng Đ) 10 triệu đồng suốt gần 2 năm nay chưa trả nổi. Mỗi khi bà Ch. "Củ Chi" cất tiếng đòi là "viên “sĩ quan an ninh tiền tệ" lại móc bóp dứ dứ chiếc thẻ màu đỏ ra dọa: "Bà muốn sống yên thân thì im. Tôi gọi đàn em là thiếu tướng ở... là bà tèo đời. Tôi có quyền bắt bất kỳ ai không cần nêu lý do". Là người ít học, mỗi khi nghe dọa, bà Ch. "Củ Chi" tái xám mặt mày.
Trong đường dây lừa đảo mua - bán "hàng Đ" ở khu chung cư Bà Điểm, ngoài 2 "cấp trên" Bảy Tr. và Th. "độc nhãn" còn có nhiều nhân vật có thể nói là... “kinh dị” khác!
Mỗi nhân vật đều tự tưởng tượng cho mình một "thế lực". Thí dụ, H. "sún" (quê Tây Ninh) thì úp úp mở mở là người của lực lượng đặc biệt đang làm nhiệm vụ "trực cửa khẩu Mộc Bài". Thi thoảng, anh ta móc bóp gí vào mắt người khác chiếc thẻ "công an". Thậm chí, H. "sún" còn nổ rằng... “đồng chí “trung tướng” (của ngành Công an) là bạn chí thân” và hễ mỗi lần “trung tướng” vào Nam đều phải đi uống rượu với hắn!? Mỗi khi nhắc đến vị “trung tướng” này, Hoàng "sún" thường nói: "Ổng vào Nam mà không uống rượu với tôi thì khi về Bắc ổng day dứt gọi điện xin lỗi hoài". Điều lạ là hắn “nổ” sao mà nhiều người tin đó là mối quan hệ có thật(?!).
N. "thẹo" thì tự xưng là “trung tướng quân đội” nhưng lại kiêng kỵ Bảy Tr.
N. "thẹo" rất ít xuất hiện ở chung cư Bà Điểm. Nơi hắn ta thường la cà là một quán cà phê ở gần chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) và một quán cà phê ở Ngã Tư Ga (quận 12, TP Hồ Chí Minh).
“Nhân viên tập đoàn”
Cách tổ chức lừa đảo của dân buôn "hàng Đ" cũng có kịch bản giống như bọn lừa đảo kinh doanh hàng đa cấp. Vì vậy, hầu hết những "nhân viên tập đoàn" không biết mình bị lừa. Một số ít biết mình bị lừa cũng không lên tiếng vì "đã phóng lao đành phải theo lao".
Những kịch bản lừa này đều xuất phát từ một đầu mối đã bày biện ra từ hơn 10 năm nay không thay đổi.
Đầu tiên, đầu mối xuất hiện trong bộ quân phục, hàm tướng, đi cùng một số "sỹ quan tùy viên", chìa ra một loạt giấy tờ để chứng minh rằng ông ta là "đặc phái viên" - đại diện của 6 bộ gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các "sỹ quan tùy viên" thường đóng vai Công an hoặc chuyên viên kỹ thuật của Bộ Khoa học & Công nghệ.
Nhiệm vụ của "tổ đặc nhiệm" là xây dựng một "tập đoàn thương mại" chuyên truy lùng, theo dõi vị trí và đường đi của các "bảo vật quốc gia" để thu mua bằng bất cứ giá nào. Ai cũng có thể trở thành "nhân viên tập đoàn" nếu đạt 2 tiêu chuẩn: Phát hiện được 1 người sở hữu "hàng Đ" và có số vốn ít nhất 50 triệu đồng. Chỉ cần phát hiện là đủ. Món hàng đó giả hay thật sẽ được "các chuyên viên kỹ thuật xác định bằng một số tiêu chí".
Các đầu mối này thường nói: "Vì mang tính chất đặc thù như tình báo nên tập đoàn chỉ tuyển người ở các quán cà phê, nhà trọ. Đang trốn lệnh truy nã cũng được tuyển làm nhân viên nếu đạt 2 tiêu chuẩn. Khi trở thành nhân viên tập đoàn thì mọi án tích đều được xóa".
Khi có người muốn trở thành nhân viên tập đoàn, các đầu mối sẽ dạy nhanh một bài thuyết phục tuyển dụng không kém gì thuyết phục bán hàng đa cấp: "Tập đoàn của chúng tôi không phải là người cuối cùng thu mua các món đồ quý hiếm và độc đáo của quý vị. Nơi cuối cùng tập kết bảo vật là các tập đoàn quốc tế. Họ mua để nghiên cứu, bảo lưu tính hóa học của kim loại quý hoặc gìn giữ văn hóa vật thể đồ cổ. Vậy nên chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ người bán và bảo vệ quyền lợi đôi bên. Trong trường hợp quý vị có hàng hóa đúng theo tiêu chí của tổ chức thì chúng tôi sẽ đứng ra ký quỹ và kiểm tra kỹ thuật để xác định chính xác giá trị thực tế hàng hóa. Ngoài ra chúng tôi không hỗ trợ kỹ thuật các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, tính năng không thuyết phục theo các tiêu chí. Quý vị làm việc với chúng tôi sẽ được đội ngũ chuyên nghiệp kiểm tra kỹ thuật, hợp đồng mua bán, thanh toán linh hoạt, an toàn tuyệt đối. Chúng tôi cảnh cáo các đối tượng lừa đảo, cò lái, bán hàng sai tiêu chí gây thiệt hại tiền bạc, thời gian. Với những đối tượng đó, chúng tôi sẽ truy tố ra pháp luật".
Chúng in sao những bài báo (được chúng giả tạo) viết về các loại đá quý hiếm như thiên thạch, đồng đen, đồng lạnh, đồng đổi màu, đá hủy sắt... vài bản hợp đồng mẫu và 1 giấy phép kinh doanh (thật) rồi kẹp thành bộ hồ sơ.
Giấy phép kinh doanh thường có những cái tên đại loại như: Công ty Bảo vệ An ninh quốc tế; Công ty Đá quý Thiên Thạch; Công ty Kim Loại Thiên Bảo...
Riêng Công ty Bảo vệ An ninh quốc tế, chúng cho rằng, đó là công ty... tình báo do một đại tá an ninh Bộ Công an tên Đ.T.C. làm tổng giám đốc.
Trong giấy phép hoạt động kinh doanh có kèm theo chức năng kinh doanh đá, kim loại quý hiếm.
Khi phát hiện được 1 người sở hữu "hàng Đ", nhân viên tập đoàn tiếp cận để thuyết phục bán cho... quốc gia thông qua tập đoàn. Để thuyết phục người bán, nhân viên tập đoàn đưa ra mẫu hợp đồng.
Một nạn nhân đang bị hút hồn bởi chiêu "Viên ngọc rết biết nghe tiếng người".
Trong văn bản hợp đồng, khi thì tiêu đề ghi là "hợp đồng bàn giao thiên thạch". Khi thì ghi là "hợp đồng chuyển nhượng đá thiên nhiên". Khi thì ghi "hợp đồng kiểm tra tiêu chí hàng hóa". Bên A luôn là bên chủ sở hữu "hàng Đ". Bên B luôn là nhân viên tập đoàn. Phần đầu văn bản hợp đồng đó luôn viện dẫn hàng loạt bộ luật một cách chung chung. Đến dòng thứ 10 mới ghi "căn cứ tất cả những văn bản pháp quy, luật lệ liên quan đến mua bán đá quý". Dòng thứ 11 ghi "căn cứ nhu cầu của 2 bên". Xem như hợp đồng này chỉ là sự giao ước giữa người bán với nhân viên tập đoàn.
Nội dung bản hợp đồng mẫu lập lờ kiểu: "Tập đoàn chúng tôi chỉ là trung gian thu mua cho quốc gia. Nhiệm vụ của chúng tôi là kiểm tra kỹ thuật hàng hóa theo tiêu chí".
Cái mà chúng gọi là "tiêu chí", chính là những công năng đặc biệt của "hàng Đ" và thường thay đổi theo từng thời điểm, từng món hàng được ghi sẵn trong bản hợp đồng. Nếu là thiên thạch, chúng nêu 5 "tiêu chí": Làm gương tráng thủy rạn nứt nếu để gần vật phẩm 10 phút; làm thủy ngân từ trạng thái lỏng hóa đặc; bỏ đá vào nước không chìm; cân viên đá riêng, cân chai chứa nước riêng, sau khi bỏ viên đá vào chai chứa nước rồi cân thì chỉ có trọng lượng của chai chưa nước; bật lửa gần đá không phát ra tia lửa; lò xo bút bi để gần biến thành tro.
Đồng đổi màu thì chỉ 1 "tiêu chí": Cạo bề mặt hiện vật sau đó lấy thủy ngân đặt lên, thời gian chờ là 2 giờ. Nếu thủy ngân đông cứng là đạt tiêu chí (mẫu hợp đồng của người tên Ph xưng là “đại tá Tổng cục Hậu cần”).
Tiêu chí "con gà đồng lạnh" thì dùng đèn khò cho con gà nóng đỏ lên. Ngay sau đó gí nến vào. Nếu nến không chảy thì đạt "tiêu chí".
Tất cả nhân viên tập đoàn mới tuyển dụng đều phải thuộc lòng cách thuyết phục, cách ghi mẫu hợp đồng và các tiêu chí thử hàng.