Chấn động những vụ hãm hiếp trong nhà tù

Chấn động những vụ hãm hiếp trong nhà tù
TP - Tại bang Alabama của Mỹ (quốc gia có số tù nhân lớn nhất thế giới), Tutwiler là nhà tù nữ được canh phòng cẩn mật nhất, nhưng khét tiếng về số vụ cưỡng hiếp, tấn công tình dục trong buồng giam.

Tutwiler nằm cạnh xa lộ 231, ở thành phố Wetumpka. Sau hàng rào kẽm gai là hàng loạt ngôi nhà một tầng màu đá xám lạnh lẽo.

Có thai trong ngục

Một sáng chủ nhật, anh Robert Chancey cùng nhiều người khác xếp hàng dài vào thăm người thân. Anh đến thăm cô em họ Monica Washington. Chập chững cạnh anh Robert là con gái bé nhỏ của Monica - người đang thụ án 20 năm tù vì tội cướp của.

Ở cách xa Tutwiler, anh Robert giải thích việc tù nhân Monica có thai. “Cô ấy bị một lính gác hãm hiếp trong tù”. Robert biết chuyện trong một chuyến thăm thân, khi Monica đã có bầu được hai tháng.

“Nhìn chằm chằm em tôi trong phòng, tên lính gác bảo cô ấy điều hắn muốn làm với cô ấy nhưng bị từ chối. Hắn bảo cô: “Mày nghĩ người ta sẽ tin ai: mày hay tao?”. Cuối cùng, em tôi đành phải làm điều mà hắn muốn cô làm”, Robert kể.

Robert nói em họ anh sợ bị trả thù nên không dám báo cáo vụ cưỡng hiếp. Sau đó, những lời bàn ra tán vào trong tù khiến vụ việc bị phát giác, nhất là khi Monica không thể giấu được cái thai ngày càng lớn.

Justice Initiative (EJI - Sáng kiến Công lý Bình đẳng), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Montgomery, thủ phủ của bang Alabama, đã điều tra các vụ việc tại Tutwiler.

Bà Charlotte Morrison, luật sư EJI đại diện cho chị Monica, nói ngoài vụ này, còn nhiều trường hợp tương tự liên quan nhân viên nhà tù.

“Chúng tôi biết rất nhiều vụ mang thai trong tù . Chúng tôi đã phỏng vấn hơn 50 nữ tù nhân ở Tutwiler. Tất cả những phụ nữ chúng tôi phỏng vấn từng bị tấn công, quấy rối tình dục, hoặc chứng kiến nữ tù nhân khác bị như vậy”, bà Charlotte nói.

Nhưng thực trạng u ám này không chỉ tồn tại ở một bang miền nam. Mỹ là quốc gia có số tù nhân lớn nhất thế giới, với hơn 2 triệu người sống sau song sắt.

Chuyện như cơm bữa ở các nhà tù

Khảo sát mới đây của Cục Thống kê Tư pháp Liên bang Mỹ cho thấy, khoảng 9,6% số người từng bóc lịch trong nhà đá ở các bang khắp nước báo cáo về một hoặc nhiều trường hợp hiếp dâm, tấn công tình dục trong thời gian họ sắp mãn hạn tù.

Khoảng 5,4% báo cáo về một vụ dính dáng tù nhân khác, và 5,3% báo cáo về một trường hợp liên quan nhân viên nhà tù.

Trước thực trạng này, Quốc hội Mỹ đã ra tay; Đạo luật Loại bỏ nạn cưỡng hiếp trong nhà tù (PREA) có hiệu lực từ tháng 8 năm ngoái.

Đạo luật quy định cách thức nhà tù điều tra, xử lý khiếu nại, tố cáo; phương thức tù nhân báo cáo về sự lạm dụng và phòng tránh lạm dụng tình dục của nhân viên nhà tù.

Tại trại giam Turner Guilford Knight ở bang Florida, nhiều khuyến nghị của PREA được áp dụng. Nhân viên trại giam được Just Detension International (JDI - Giam giữ Công bằng Quốc tế), một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, huấn luyện về giảm thiểu nạn cưỡng hiếp, tấn công tình dục.

Tù nhân được cung cấp đường dây nóng 24/24 và cách thức phòng chống bị tù nhân khác hoặc lính gác lạm dụng.

Các cuộc gọi của họ được chuyển tới một trung tâm điều trị liên quan hãm hiếp và tới Mujer - một tổ chức phi chính phủ có người trực điện thoại là bà Ana Obregon.

“Hồi tháng 10 vừa rồi, tôi nhận được 18 cuộc gọi. Phần lớn là người bị hại hoặc bạn bè của họ - những người tự coi mình là đồng tính. Có nhiều sự động chạm không mong muốn đã và đang diễn ra. Có hai người báo cáo về cưỡng hiếp”, bà Ana nói. Tuy nhiên, giới chức nhà tù thường giải thích theo một cách khác.

Theo bà Marydell Guevara, Trợ lý giám đốc Phòng Cải huấn Miami-Dade, có những tù nhân báo cáo sai để cơ quan chức năng tách riêng người liên quan để điều tra.

“Tù nhân có thể đánh bạc ăn khoai tây chiên hoặc kẹo. Người thua có thể gọi đường dây nóng nói rằng, bạn cùng phòng tên là Jo đã tấn công tình dục tôi”, Marydell nói. Nếu thực tế có diễn ra như vậy thì hệ thống báo cáo lạm dụng vẫn hoạt động. “Tôi thà nhận được 100 báo cáo giả còn hơn là để lỡ một ca thật”, bà nói.

Công lý còn xa

Các tiêu chuẩn PREA mới được áp dụng bắt buộc tại các nhà tù liên bang. Nhưng đối với những trại giam địa phương, kiểu như Calhoun ở bang Alabama, tình hình không rõ ràng.

Khó làm rõ các vụ chỉ liên quan tù nhân với nhau. Còn những vụ liên quan nhân viên nhà tù, đặc biệt khi có em bé chào đời trong ngục, thì dễ phát hiện và xử lý hơn, dù bị nhiều người coi là không thỏa đáng.

Trong vụ Monica Washington, giám thị trại giam bị truy tố, nhưng không phải với tội danh hiếp dâm mà là có “hành vi không đúng đắn về mặt tình dục”.

Anh Robert Chancey bức xúc: “Hắn ta chỉ bị kết án sáu tháng. Tôi vẫn chưa thể hiểu tại sao. Đó chỉ là cú đập vào cổ tay”.

Luật sư đại diện cho chị Monica, bà Charlotte Morrison, lý giải: “Bởi vì trong vụ này, người ta không điều tra gì cả. Cô Washington không bao giờ được văn phòng luật sư công hoặc cảnh sát phỏng vấn, hỏi han gì cả. Cô chỉ được Sở Cải huấn Alabama hỏi”.

Luật sư Charlotte cho biết, có sáu vụ kết án liên quan “hành vi không đúng đắn về mặt tình dục” tại nhà tù Tutwiler trong ba năm qua.

“Chúng tôi tin rằng, đó chỉ là đỉnh của núi băng trôi . Trong sáu vụ đó, chỉ có hai bị cáo thực sự ngồi tù. Mà một người ngồi tù có mỗi một ngày, còn người kia cũng chỉ sáu tháng”, bà nói.

Hiện nay, sau khi có báo cáo của EJI về Tutwiler, Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra nhà tù này. Trong khi đó, mẹ vợ của anh Robert Chancey, bà Brenda Singleton, đang nuôi cháu gái của anh, tức cô con gái bé nhỏ của Monica. Cô bé bắt đầu hỏi về bố mẹ của mình.

“Tôi hoặc mẹ cháu sẽ phải nói sự thật đau lòng cho cháu biết, vì cuối cùng cháu cũng sẽ biết chuyện”, bà Brenda nói.

“Tôi bị y tá nhà tù cưỡng hiếp”

Chấn động những vụ hãm hiếp trong nhà tù ảnh 1
Chị Felecia Dixon (ảnh) mới đây được trả tự do sau khi thụ án tại Tutwiler vì tội ăn cắp và liên quan ma túy.

Chị kể: “Khi chúng tôi đang trần truồng tắm, mặc quần áo, hoặc làm bất kỳ việc gì, họ cũng cứ thản nhiên bước vào. Nếu họ thích, họ sẽ tiến sát”.

Felecia làm công việc dọn dẹp trong trung tâm y tế của nhà tù, quen một nam y tá và bị người này cưỡng hiếp.

“Sau vụ việc, tôi hoảng loạn, tuyệt vọng vì không biết phải làm gì. Tôi chỉ là một phạm nhân, đang trả nợ xã hội”. Cục Cải huấn Alabama điều tra vụ việc. Cuối cùng, nam y tá không bị truy tố, chỉ mất việc. Với sự trợ giúp của EJI, chị Felecia cuối cùng đạt được dàn xếp tài chính với thủ phạm.

Gia Tùng
Theo BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG