Chăm mẹ, nuôi em vẫn đỗ hai trường đại học

Chăm mẹ, nuôi em vẫn đỗ hai trường đại học
TP - Mẹ bị tai nạn nằm liệt giường, bố mất sau đó 7 tháng, Lê Thị Việt An (SN 1994) ở thôn Lam Vĩ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) nhiều năm nay vừa chăm sóc mẹ, vừa nuôi em gái vừa mới hơn 2 tháng tuổi nhưng vẫn cố gắng học và thi đỗ hai trường đại học trong kỳ thi đại học mới đây.

> Việt 'xóm chạy thận' vào đại học

An đang chăm sóc mẹ. Ảnh: Hoàng Lam
An đang chăm sóc mẹ. Ảnh: Hoàng Lam.

Năm 2005, sau khi sinh người con thứ 2 được hơn hai tháng, chị Lê Thị Thảo (46 tuổi) quê ở thôn Lam Vĩ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa bị tai nạn làm tê liệt người. Bảy tháng sau đó, chồng chị Thảo bị bệnh hiểm nghèo qua đời.

Chị Thảo được gia đình bên ngoại đưa về một năm để tiện cho việc đưa đi điều trị tại bệnh viện. Cũng từ đó, cô con gái đầu của chị, em Lê Thị Việt An phải học cách nuôi em nhỏ thay mẹ.

An kể: “Ngày ấy, bế em bé tý tẹo em cũng sợ, nhưng được mọi người dạy cách cho em bú bình, chơi với em, nựng em lúc em khóc, cho em ăn ... rồi em cũng quen cách chăm sóc em. Rất may là, em gái em rất ngoan, không quấy khóc nhiều và dễ ăn, dễ uống nên em chăm sóc cũng đỡ vất vả. Lúc đó, nhiều người khuyên em nên nghỉ học để lo cho mẹ và em gái, nhưng vì mong muốn được học nên em gắng thu xếp mọi việc trong nhà để được đến trường”.

Cả bố mẹ An đều là công nhân về hưu non không có ruộng trồng lúa. Tiền sinh hoạt của cả nhà phụ thuộc vào tiền trợ cấp người tàn tật của mẹ và tiền tuất của hai chị em.

Để có tiền cho việc học của hai chị em, ngoài giờ học, An phụ mẹ tham gia đan các sản phẩm mây tre để kiếm thu nhập khoảng 300.000 đồng/tháng cho cả nhà.

Trước khi bố mẹ An cưới nhau, bố An đã có ba người con riêng, nhưng các anh chị đều sống xa nhà và cũng khó khăn nên không hỗ trợ, giúp đỡ nhiều cho chị em An và mẹ.

Mỗi khi đến kỳ nộp các khoản đóng góp đầu năm, An luôn là học sinh đóng chậm nhất lớp vì để có tiền đóng học, mấy mẹ con phải chờ vào các khoản phụ cấp của mẹ, tiền thưởng của An từ các kỳ thi, hoặc phải vay mượn thêm... Các thầy cô giáo đều hiểu hoàn cảnh của An, nên rất thương và thông cảm cho em.

Khó khăn là vậy, nhưng đến trường, An hòa đồng với các bạn, tham gia các hoạt động phong trào của lớp nhiệt tình. Liên tục là học sinh giỏi 12 năm, An học đều tất cả các môn, trong kỳ thi đại học vừa qua, An đỗ 2 trường đại học là Đại học Quốc gia Hà Nội (khối D: 19 điểm) và Đại học Thương mại (Khối A: 20 điểm).

Chị Thảo xúc động nói: Mừng vì con đỗ đại học, nhưng rồi, cháu sẽ vật lộn ra sao ở nơi xứ người để tự mình lo chi phí ăn học? Tôi mừng, rồi lo mà chẳng thể làm được gì cho cháu khi bản thân bệnh tật, sức khỏe ngày càng yếu và còn con nhỏ.

Nhiều bạn đang chuẩn bị hành trang để nhập học, nhưng An còn trăm nỗi lo lắng về tiền nhập học, tiền ăn học, mẹ và em ở nhà những lúc ốm đau khi không có mình sẽ thế nào... Mấy hôm nay, An bàn với mẹ là sẽ lựa chọn trường Đại học Thương mại để theo học.

Tính đi tính lại, chuẩn bị thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng số tiền trước mắt để An làm thủ tục nhập học trong tháng 9 - 2012 này vẫn thật khó khăn. An cũng liên lạc với các anh chị ở quê đang theo học ngoài Hà Nội để nhờ tìm nơi ở trọ giá rẻ và tìm kiếm các công việc có thể làm thêm ngoài giờ học.

Chúng tôi tạm biệt ba mẹ con An khi trời chuẩn bị đổ mưa, An và em gái lại lúi húi đi lấy áo mưa che củi trong bếp, lấy xoong, chậu để hứng nước trong ngôi nhà cấp 4 dột mái, nền đất nhầy nhụa vì hậu quả của những trận mưa
hôm trước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG