Chậm có con vì xuất tinh ngược dòng

Chậm có con vì xuất tinh ngược dòng
Lập gia đình hơn một năm, vợ chồng quan hệ đều đặn nhưng chờ mãi mà bà xã vẫn không có thai, đưa nhau đi khám, anh Sơn mới biết mỗi lần "gần" nhau, tinh trùng của anh không phóng ra ngoài mà chạy vào bàng quang.

Tại khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, chàng kỹ sư 36 tuổi nhà ở quận 5, TP HCM cho biết, do không bao giờ thủ dâm hoặc xuất tinh ngoài nên anh không biết tinh trùng của mình bị trắc trở đường đi như bác sĩ đã nói. "Điều bất thường duy nhất là đi tiểu sau mỗi lần quan hệ, tôi thấy nước tiểu của mình có màu đùng đục", anh này nói.

Chậm có con vì xuất tinh ngược dòng ảnh 1

Anh Thuần, 42 tuổi nhà ở Long An, cưới vợ 3 năm không có con, đi khám sau đó, anh cũng được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phát hiện nguyên nhân do chứng xuất tinh ngược dòng.

Bệnh nhân cho biết từ sau khi cưới, anh vẫn "sinh hoạt" bình thường nhưng chờ mãi mà không thấy tin vui. "Tưởng bà xã lớn tuổi là nguyên nhân khiến cả hai chậm con, tôi đưa vợ đi khám nhưng không phát hiện bất thường. Đến lượt tôi thử tinh dịch đồ thì mới tá hỏa vì không có tí tinh trùng nào xuất ra ngoài", bệnh nhân nói.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết, xuất tinh ngược dòng không phải là bệnh lý phổ biến, tuy nhiên người mắc chứng bệnh này rất khó có con tự nhiên.

"Thay vì xuất tinh ra ngoài, khi quan hệ, tinh dịch và tinh trùng của người bệnh chạy ngược bàng quang. Biểu hiện thường thấy là trong lần đi tiểu đầu tiên sau khi quan hệ tình dục, bệnh nhân sẽ thấy nước tiểu của mình có màu đục", bác sĩ Dũng cho biết.

Nguyên nhân của chứng xuất tinh ngược dòng là do tổn thương cơ của vùng cổ bàng quang. Nhóm cơ này vốn có tác dụng ngăn chặn tinh trùng xâm nhập vào bàng quang khi nam giới cực khoái.

Bệnh có thể xảy ra sau khi phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật trên vùng cổ của bàng quang. Người bị tiểu đường, bị tổn thương tủy sống hay dùng thường xuyên thuốc điều trị huyết áp cao cũng có thể bị xuất tinh ngược dòng. Tùy theo nguyên nhân, bệnh có thể tồn tại tạm thời hoặc vĩnh viễn.

"Bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng không khiến nam giới giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục, tuy nhiên với người đang cần có con thì phải đi khám để được tư vấn cách điều trị", bác sĩ Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trong trường hợp không thể can thiệp để việc xuất tinh trở lại bình thường, bác sĩ sẽ phân lập tinh trùng từ nước tiểu hoặc tinh trùng từ tinh hoàn. Tinh trùng sau đó sẽ được bơm vào người vợ để thụ thai.

Theo Thiên Chương
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG