Đủ kiểu khó khăn
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, thời gian qua việc thu hồi đất các dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị để giải phóng mặt bằng (GPMB) rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức. Có trường hợp, chủ đầu tư phải trả lại dự án vì cơ quan Nhà nước không xác định được thời điểm chính xác hoàn thành GPMB để bàn giao, không xác định được tổng chi phí GPMB để chủ đầu tư có cơ sở tính toán tổng chi phí đầu tư.
Điển hình như dự án 164 Đồng Khởi, quận 1 giao cho hai nhà đầu tư Hongkong Land (Anh) và Sumitomo & Development (Nhật Bản). Năm 2009, khu đất vàng 164 Đồng Khởi thu hút gần 70 nhà đầu tư xin tham gia. Tháng 7/2013, UBND TPHCM đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với việc chỉ định Hongkong Land (Anh) và Sumitomo & Development (Nhật Bản) thực hiện dự án.
Theo quy hoạch, khu đất vàng 164 Đồng Khởi sẽ được xây khu thương mại, dịch vụ như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày triển lãm với tổng vốn đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng. Theo tính toán, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư khu đất này (sau khi trừ chi phí bồi thường thu hồi đất) sẽ giúp ngân sách thu về 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai nhà đầu tư trên sau đó xin rút khỏi dự án.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trước đó, để đẩy nhanh tiến độ, thành phố đã tiếp và làm việc với 2 nhà đầu tư nhiều lần nhưng tiến độ thực hiện chậm so với quy định.
Có trường hợp, tòa án đã bác quyết định thu hồi đất, giao đất của cơ quan Nhà nước như một dự án ở quận 2. Trước thực trạng trên, Hiệp hội bất động sản TPHCM kiến nghị Nhà nước thu hồi đất, GPMB, sau đó đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư thích hợp.
Khuyến khích dân nhận tiền tự lo tái định cư
Tại Hà Nội, từ năm 2010 đến tháng 6/2016 có hơn 3.000 dự án phải thu hồi đất. Trong đó, thành phố đã hoàn thành GPMB 1.700 dự án, với tổng diện tích đất hơn 8.400ha; chi trả bồi thường gần 55.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 200.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho gần 10.000 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ.
Thành phố đang đặt mục tiêu từ 2016 đến 2020 hoàn thành GPMB khoảng 2.700 dự án (trong đó có 52 dự án, công trình trọng điểm) với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới hơn 80.000 hộ dân; số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân.
Điển hình như dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) do Cty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án cũng chưa giải phóng xong mặt bằng sau hơn 2 năm khởi công do vướng phần mộ. Chủ đầu tư dự án cũng nhiều lần làm văn bản kiến nghị quận Long Biên sớm giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Để chấn chỉnh công tác GPMB của các quận, huyện, thị xã trong thời gian tới, ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB của TP Hà Nội cho biết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nghị quyết về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên”.
Theo nghị quyết này, thành phố cho cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo tái định cư theo phương thức tự nguyện. Định hướng, có chính sách khuyến khích và đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng nhà tái định cư theo tiêu chuẩn nhà ở để phục vụ nhu cầu tái định cư...
Lãnh đạo nhiều quận, huyện cũng kiến nghị, thành phố nên phân cấp kinh phí GPMB về cấp quận, huyện quản lý để bảo đảm linh hoạt và đền bù kịp thời cho dân.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc GPMB thuộc trách nhiệm của quận. Bản thân chủ đầu tư phải phối hợp với quận để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. Có nhiều dự án chỉ vì dính một phần mộ tổ của dòng họ mà đắp chiếu hàng chục năm trời.