Không đánh đổi môi trường lấy phát triển
Mở đầu buổi họp báo, ông Patrick Chung, Tổng giám đốc điều hành Lee & Man Việt Nam khẳng định, ĐTM năm 2008 của công ty vẫn còn hiệu lực. Trong ĐTM này, công suất hệ thống xử lý nước thải xây dựng cho 2 nhà máy: Sản xuất bột giấy và giấy bao bì. Do nhu cầu thị trường thay đổi, hiện công ty chưa xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy. Công ty đang làm thủ tục tách riêng ĐTM của nhà máy sản xuất bột giấy và nhà máy sản xuất giấy.
Vì các ĐTM vừa tách chưa được cơ quan chức năng thông qua, nên mọi hoạt động của công ty phải theo ĐTM năm 2008. Tuy nhiên công ty không tuân thủ điều này. Cụ thể, trong ĐTM do UBND tỉnh Hậu Giang thẩm định (năm 2008), công suất hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 1 là 50.000 m3/ngày đêm. Nhưng thực tế máy móc công ty lắp đặt công suất chỉ 20.000m3/ngày đêm. Trả lời về sự chênh lệch này, lãnh đạo công ty cho biết, dây chuyền sản xuất giấy bao bì chỉ thải ra 14.000 m3/ngày đêm nên công suất hệ thống xử lý nước thải chỉ cần 20.000 m3/ngày đêm.
“Chúng tôi đang thực hiện việc điều chỉnh thủ tục, trong đó có việc phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn và trình Bộ TN&MT phê duyệt. Công ty đang hoàn tất việc tách, lập lại các ĐTM này và trình phê duyệt trước khi chạy thử và đi vào hoạt động”, ông Patrick Chung cho biết.
Đại diện Lee&Man tán thành, chia sẻ và ủng hộ quan điểm của Chính Phủ Việt Nam “không đánh đổi môi trường lấy phát triển”. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: Nếu trong quá trình hoạt động, Lee&Man để xảy ra sự cố môi trường nhà đầu tư có cam kết đóng cửa nhà máy? Đại diện Lee&Man từ chối trả lời.
Không trả lời câu hỏi môi trường
Theo đại diện Lee & Man, thiết kế hệ thống xử lý nước thải của công ty đã được Bộ TN&MT, Sở Xây dựng Hậu Giang thẩm định. Nước thải của công ty sau khi được xử lý sẽ xả ra hồ điều hoà diện tích lớn, trước khi xả thải ra môi trường. Dù hồ điều hoà có diện tích lớn và nước trong hồ đảm bảo an toàn nhưng công ty không nuôi cá vì “sợ thức ăn của cá sẽ làm ô nhiễm môi trường trong hồ”. Công ty sẽ xây hồ nhỏ bên cạnh, sử dụng nước từ hồ điều hoà để nuôi cá.
Dù cam kết không sử dụng sút (NaOH) trong quá trình sản xuất giấy và chỉ sử dụng lượng rất nhỏ trong quá trình xử lý nước thải nhưng Lee&Man từ chối cung cấp số lượng sút cụ thể sử dụng bao nhiêu. Liên quan đến kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường vào tháng 6 vừa qua, công ty cho biết không thể cung cấp thông tin.
Bên hành lang Quốc hội, theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM), vấn đề môi trường của Nhà máy giấy Lee & Man, UBND Tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có tiếng nói trước tiên với dư luận. Nếu trả lời không thoả đáng, với tư cách đại biểu Quốc hội, ông sẽ có tiếng nói.
“Việc thay đổi công suất đầu tư nhà máy có thể chấp nhận vì kinh doanh luôn có những rủi ro. Tuy nhiên, các cam kết về môi trường, các hạng mục xử lý nước thải, khí thải không thể thay đổi. Đó cũng là nội dung đã được lãnh đạo Chính phủ khẳng định”, ông Nghĩa nói.
“Việc thay đổi công suất đầu tư nhà máy có thể chấp nhận vì kinh doanh luôn có những rủi ro. Tuy nhiên, các cam kết về môi trường, các hạng mục xử lý nước thải, khí thải không thể thay đổi. Đó cũng là nội dung đã được lãnh đạo Chính phủ khẳng định”.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM)