Cha đẻ 'Vi Tiểu Bảo' đã về trời

Kim Dung tại đại học Bắc Kinh tháng 6/2007
Kim Dung tại đại học Bắc Kinh tháng 6/2007
TP - Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung  hay Louis Cha, nhà văn chuyên viết truyện kiếm hiệp với số sách bán được còn nhiều hơn cả tác giả J K Rowling của bộ truyện Harry Potter, đã trút hơi thở cuối cùng tại Hong Kong hôm thứ Ba vừa rồi sau thời gian dài lâm bệnh, thọ 94 tuổi.

Mặc dù nhà văn Kim Dung đã bị bệnh trong một thời gian dài nhưng sự ra đi của ông vẫn gây chấn động cộng đồng nói tiếng Hoa khắp thế giới, những người xếp các danh tác của ông vào nhóm đầu sách “buộc phải đọc”.

Sách của ông tràn ngập hình ảnh các anh hùng, những trận giao tranh long trời lở đất và đầy chất sử thi. Kim Dung không chỉ mô tả những kiếm khách võ nghệ siêu quần, những người không chỉ khí chất phi phàm, công lực cao thâm, có thể bay hay đi lướt trên mặt nước, mà còn là những nhân vật có nội tâm phức tạp, lồng vào các sự kiện đầy kịch tính có thật trong lịch sử.
Bắt đầu khởi nghiệp ở Hong Kong với nghề phóng viên, Kim Dung đã viết 15 tiểu thuyết, được dựng thành hơn 150 bộ phim điện ảnh và phim truyền hình, với sự tham gia diễn xuất của rất nhiều diễn viên hàng đầu Trung Quốc.

Mặc dù chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ, và chỉ một phần các tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Kim Dung được hâm mộ khắp thế giới. Theo CNN, nói đến Kim Dung là nói đến nhà văn Trung Quốc được đọc nhiều nhất trong thời hiện đại.

Đặc khu Trưởng Hong Kong, bà  Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nói ông Tra là “một học giả, một nhà văn nổi tiếng” trong một văn bản và thêm rằng các tác phẩm của ông “thừa hưởng truyền thống văn hóa Trung Quốc qua các yếu tố lịch sử và văn hóa”.

Kim Dung sinh năm 1924 ở Chiết Giang nhưng sống tại Hong Kong từ năm 1948. Mặc dù khởi đầu với nghề phóng viên, Kim Dung tình cờ rẽ sang viết văn.  

Năm 1955, ông làm việc cho tờ Tân Vãn và được giao viết một truyện dài kỳ đăng trên báo. “Thư kiếm ân cừu lục” lập tức thành công và từ bước khởi đầu này, Kim Dung viết thêm 14 tiểu thuyết võ hiệp nữa  trong vòng 15 năm. Tác phẩm cuối cùng của ông là “Việt nữ kiếm” được xuất bản năm 1970.

Mặc dù rất thành công với văn học, Tra Lương Dung cả đời gắn bó với nghề báo. Năm 1959, ông thành lập tờ Minh báo ở Hong Kong, từ một tờ báo chỉ chuyên đăng các truyện võ hiệp của ông, thành một tờ báo có ảnh hưởng, có lợi nhuận với những bài báo trung dung, khách quan ở một vùng đất đầy chia rẽ về chính trị.

Tuy vậy, việc ông tham gia các hoạt động chính trị đã gây ra tranh cãi. Kim Dung là thành viên ủy ban dự thảo hiến pháp của Hong Kong trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi vùng đất này còn nằm dưới quyền kiểm soát của Anh.

Mặc dù bối cảnh trong các tiểu thuyết của Kim Dung đều là thời xa xưa, tác phẩm của ông vẫn phản ánh những triết thuyết, những tập quán của xã hội Trung Quốc đương đại. Ra đời trong thời điểm Trung Quốc đang trải qua nhiều biến động lịch sử, tác phẩm của Kim Dung không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng từ những sự kiện xảy ra ở Đại lục.

Sau này, Kim Dung thừa nhận rằng hai trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Tiếu ngạo giang hồ” và “Lộc đỉnh ký” với nhân vật Vi Tiểu Bảo có những so sánh, ám chỉ những hành vi thờ cúng ma quỷ thời xa xưa với hiện tượng sùng bái cá nhân cùng sự điên loạn của cuộc Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc trong nửa cuối những năm 60 của thế kỷ trước.

Lúc còn sống, lãnh đạo Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình, một nạn nhân của cuộc thanh trừng do chủ tịch Mao Trach Đông phát động trong Cách mạng Văn hóa, rất hâm mộ các tác phẩm của Kim Dung. Năm 1981, ông Đặng đã gặp nhà văn tại Bắc Kinh. Một trong những người nổi tiếng khác rất hâm mộ Kim Dung là tỷ phú Jack Ma của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 6/2/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô. Tra Văn Thanh về sau từ chức, đến đời con là Tra Xu Khanh bắt đầu sa sút. Tra Xu Khanh theo nghề buôn, sinh 9 đứa con, Kim Dung là con thứ hai.

MỚI - NÓNG