CEO Tổng công ty 319: Thu phí không dừng giúp các BOT nhẹ gánh quản lý

0:00 / 0:00
0:00
Đề cao tính minh bạch tài chính trong hoạt động thu phí BOT, Đại tá Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng cho biết việc phối hợp với Viettel triển khai 2 trạm thu phí không dừng đã giúp doanh nghiệp “nhẹ gánh” rất nhiều trong quản lý dòng tiền, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian cho người dân.
CEO Tổng công ty 319: Thu phí không dừng giúp các BOT nhẹ gánh quản lý ảnh 1

- Ông đánh giá như thế nào về công tác triển khai thu phí không dừng mà Tổng công ty 319 đang phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) thông qua Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC)?

Đại tá Nguyễn Minh Khiêm: Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng là nhà đầu tư 3 dự án BOT và triển khai thu phí 1 dừng từ năm 2015. Chúng tôi chuyển sang thu phí không dừng ngay khi Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đưa ra chủ trương về việc này. Cá nhân tôi cho rằng đây là xu thế tất yếu, hoàn toàn hợp lý, giúp quản lý được dòng tiền của nhà đầu tư rất tốt, nhân công giảm đi nhiều.

Hiện nay, cả 3 dự án BOT của Tổng công ty 319 đã chuyển sang thu phí không dừng, trong đó hệ thống ở 2/3 trạm do Viettel lắp đặt. Kể từ khi hệ thống đi vào hoạt động, tôi thấy chúng vận hành rất tốt, linh hoạt và gần như không xảy ra sự cố.

Với thành tích của Tập đoàn Viettel trong lĩnh vực công nghệ, hệ thống đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong lắp đặt thu phí không dừng của Tổng công ty 319.

CEO Tổng công ty 319: Thu phí không dừng giúp các BOT nhẹ gánh quản lý ảnh 2

- Trước đây, việc triển khai thu phí không dừng với các trạm BOT diễn ra rất chậm, còn với BOT 319 thì sao?

Như đã nói, Tổng công ty 319 chuyển đổi thu phí 1 dừng sang thu phí không dừng là thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Ngay sau khi nhận được chủ trương, chúng tôi chỉ đạo cơ quan chức năng của Tổng công ty, kết nối với các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực thu phí không dừng, để triển khai thực hiện cho các dự án BOT của Tổng công ty 319.

Sau nhiều cân nhắc, lựa chọn, chúng tôi chọn Viettel, cũng là một đơn vị trong quân đội với nhiều dự án thành công và năng lực triển khai xuất sắc. Đúng như kỳ vọng, sau khi triển khai hệ thống của Viettel trên những tuyến mà Tổng công ty đầu tư, chúng tôi thấy hiệu quả được thể hiện rõ rệt.

- Khi triển khai thu phí không dừng với VDTC, điều gì khiến cho việc thực hiện được thuận lợi?

Viettel là tập đoàn công nghiệp, viễn thông của Quân đội trong khi Tổng công ty 319 chúng tôi cũng là của doanh nghiệp Quân đội nên 2 doanh nghiệp chắc chắn sẽ tìm được tiếng nói chung. Sau khi thảo luận, bàn bàn bạc, chúng tôi đi đến thống nhất nhằm hiện thực hóa chủ trương mà Chính phủ và Bộ GTVT đề ra.

- Cùng với việc nhiều xe dán thẻ ePass, việc thu phí không dừng ở trạm BOT 319 có gì thay đổi?

Trong một năm gần đây, sau khi Viettel lắp đặt thu phí không dừng cho 2 trạm của Tổng công ty 319 thì tỷ lệ người dân tham gia giao thông gắn thẻ thu phí không dừng tăng rõ rệt. Điều này góp phần làm giảm ách tắc trên tuyến Quốc lộ 1 trọng điểm của cả nước.

CEO Tổng công ty 319: Thu phí không dừng giúp các BOT nhẹ gánh quản lý ảnh 3

- Nhiều người cho rằng, các trạm BOT không thích triển khai thu phí không dừng vì lý do nhạy cảm. Thế nhưng trạm BOT 319 lại triển khai tốt, điều này nói lên điều gì? Những quan niệm trước đó về thu phí không dừng đã thay đổi ra sao?

Doanh nghiệp khác tôi không biết nhưng riêng với Tổng công ty 319, là một doanh nghiệp quân đội, việc minh bạch tài chính là cốt lõi. Việc lắp đặt thu phí không dừng là vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp trong quản lý dòng tiền thu từ trạm BOT.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai thu phí không dừng. Chúng tôi cảm thấy công việc của mình nhàn đi rất nhiều kể từ khi triển khai phương pháp này.

Bản thân tôi cũng trải nghiệm thu phí không dừng và thấy phương thức này khá tiện lợi. Tôi thường xuyên đi qua đường cao tốc 5B để về Thái Bình. Lần gần nhất, tôi thấy bên phía thu phí 1 dừng hàng xe xếp dài tới vài trăm mét nhưng bên làn thu phí không dừng thì gần như một mình mình một đường.

Tôi cũng đã chỉ đạo phòng ban chức năng, tổng hợp nhu cầu trong toàn tổng công ty với thu phí không dừng, sau đó đăng ký và chủ động dán thẻ cho các xe. Việc làm này rất hữu ích và tiện lợi cho toàn tổng công ty.

CEO Tổng công ty 319: Thu phí không dừng giúp các BOT nhẹ gánh quản lý ảnh 4

Tuy nhiên, trên phương diện một người điều khiển phương tiện giao thông, tôi thấy việc dừng lại để dán thẻ thu phí không dừng đôi lúc cũng có những bất tiện và có thể nhiều người không sẵn sàng làm việc đấy. Nếu các đơn vị triển khai dán thẻ thu phí không dừng có thể tới tận các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để quảng bá và thực hiện thì có lẽ sẽ nhiều người sẵn sàng hơn.

Ngoài ra, không chỉ các địa phương có đường cao tốc đi qua mới phát sinh nhu cầu với thu phí không dừng. Người dân, doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác cũng có thể thường xuyên qua lại trên cao tốc, các tuyến Quốc lộ có trạm thu phí và cũng có nhu cầu đó. Có thể triển khai thêm các dịch vụ quảng bá và tiếp cận với nhóm khách hàng này.

Bên cạnh đó, mọi người vẫn thường để những số dư nhất định trong tài khoản thu phí không dừng. Đây chính là nguồn vốn tốt mà doanh nghiệp có thể sử dụng cho các hoạt động khác của mình.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng thu phí không dừng tại Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi chỉ 1 năm qua, số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đã tăng gấp đôi từ 1 triệu lên 2 triệu?

Đây là xu thế tất yếu. Chúng ta luôn nói rằng thời gian là vàng là bạc. Tuy nhiên, chúng ta đang tốn rất nhiều thời gian ở thu phí 1 dừng với việc luôn phải dùng tiền mặt. Nếu áp dụng thu phí không dừng, chúng ta sẽ tiết kiệm nhiều thời gian, ách tắc giao thông gần như không còn, người dân hạn chế chi tiêu tiền mặt, doanh nghiệp, dự án quản lý dòng tiền tốt, không sợ thất thoát hay tiêu cực xảy ra trong thu phí.

Trong tương lai, tôi nghĩ tất cả các trạm thu phí của chúng ta đều phải chuyển sang thu phí không dừng. Từ 2017 đến 2020, có 1 triệu phương tiện tham gia thu phí không dừng nhưng riêng 2021 lượng khách hàng tăng gấp đôi. Một vài năm tới, toàn bộ người dân sẽ chuyển sang phương thức này và đây chính là lựa chọn sáng suốt để giao thông Việt Nam ngày càng tốt và phát triển hơn.

MỚI - NÓNG