Chưa kể lúc trời mưa, đêm khuya lạnh, có gia đình vừa kéo hành lý, vừa bế con nhỏ lếch thếch ướt nhẹp đi vòng qua nhiều đoàn tàu để thoát ra cửa ga.
Dường như ngành đường sắt muốn lưu giữ giá trị lịch sử hơn 100 năm nên ngay một cây cầu vượt nhỏ có mái che cũng phải đợi đến cuối tuần qua (ngày 21/12) mới có. Giá trị 2 cây cầu vượt này nghe nói hơn 20 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong cùng dịp, hàng loạt công trình cỡ nghìn tỷ của ngành giao thông khởi công: Nâng cấp kênh Chợ gạo (tổng vốn đầu tư trên 2 nghìn tỷ đồng); nâng cấp quốc lộ 19 qua Bình Định và Gia Lai (hơn 2 nghìn tỷ đồng); đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan qua Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng (tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng)... Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo Bộ GTVT hôm đó dường như chỉ tập trung tại ga Hà Nội để cắt băng khánh thành 2 cây cầu vượt nhỏ.
Một lãnh đạo Bộ GTVT nói ngay trên cây cầu vượt mới, đại ý: Những cây cầu vượt này sẽ làm thay đổi nhận thức tư duy của ngành đường sắt Việt Nam. Điều gì thực sự vì hành khách và bằng sự trong sáng sẽ làm được. Đường sắt Việt Nam cần phải đổi mới.
Nghe nói, sở dĩ có được 2 công trình này là do một lãnh đạo Bộ GTVT “vi hành” hồi tháng 9 năm nay, đã phát hiện ra điều bất cập. Được biết, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đang bị Bộ GTVT thúc đến tháng 6/2014 phấn đấu phải giải quyết được vấn đề xả thẳng chất thải (mỗi ngày thải 6,5 tấn phân và 40 nghìn lít nước tiểu) xuống đường ray.
Tuy nhiên, điều khủng khiếp nhất dường như đang đe doạ ngành đường sắt: Nguy cơ giá vé máy bay cùng tuyến Bắc Nam đang rẻ hơn vé tàu hỏa. Việc các lãnh đạo Bộ GTVT đến khánh thành 2 cây cầu vượt nhỏ là thông điệp lớn.