Ngày 16/4/1993, VMS - MobiFone chính thức được thành lập đánh dấu bước khởi đầu của ngành thông tin di động Việt Nam. Trước đó một năm, ông Đinh Văn Phước – Giám đốc đầu tiên của công ty này được Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đinh Văn Thân giao nhiệm vụ xây dựng đề án.
Nhiều năm gần đây khi MobiFone trở thành “mỏ vàng” của ngành di động với những khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, rất ít người biết rằng khi ông Đinh Văn Phước được giao thành lập công ty thông tin di động đầu tiên của Việt Nam, đó được coi là một dự án mạo hiểm và khả năng thành công thấp. Cũng vì thế, “nguồn lực” được giao khi thành lập cũng là mỗi… ông Phước.
Lúc đó, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện đã chọn công nghệ GSM thay vì analog (công nghệ phổ biến thời kỳ đó) để đi thẳng lên hiện đại, phục vụ cho các nhu cầu của tương lai. Còn ông Phước sau một năm miệt mài chuẩn bị đã tìm được bộ khung với 7 cán bộ chủ chốt cho thời kỳ đầu của MobiFone.
Khi đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng đầu tiên của MobiFone là tổng đài dung lượng 8.400 số với 13 trạm BTS (7 tại Hà Nội và 6 trạm ở khu vực phía Nam). Lúc đó, số lượng thuê bao ít vì vùng phủ sóng hạn chế và giá cước thiết bị đầu cuối ở mức rất cao. Tuy nhiên, đó cũng là cột mốc mà người Việt Nam bắt đầu biết đến một khái niệm mới – thông tin di động.
Khác với những lo lắng ban đầu về khả năng thành công thấp của MobiFone, việc cung cấp dịch vụ của mạng di động đầu tiên tại Việt Nam gặp nhu cầu đang lên của người dùng ở các thành phố lớn. Nhờ đó, việc tăng trưởng thuê bao vào doanh thu diễn ra khá thuận lợi.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, năm 1995, VMS – MobiFone ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển). Cho đến năm 2005, công chúng chỉ nhìn thấy một màu hồng về vụ hợp tác thành công mỹ mãn của BCC này mà ít người biết rằng đó cũng là thương vụ thành công xuất sắc hiếm hoi trong lĩnh vực này – một mảng kinh doanh được coi là nhạy cảm trong những năm trước đây.
Trong 10 năm hợp tác của BBC giữa VMS – MobiFone và Comvik, khung pháp lý cho việc vận hành của dự án luôn là một dấu hỏi. Phía nước ngoài phải đổ hàng trăm triệu USD vào Việt Nam ở một dự án với tính pháp lý vô cùng lỏng lẻo, không rõ ràng mà việc vận hành vẫn trơn tru, không có những trục trặc lớn là một điều hiếm thấy. Đây cũng là lý do sau khi kết thúc hợp tác, BCC này trở thành dự án hợp tác với nước ngoài thành công nhất lịch sử viễn thông và cũng là điểm son đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Một điểm đặc biệt của MobiFone là khi dịch vụ thông tin di động vẫn còn ở thời kỳ độc quyền nhà mạng này đã quyết định thành lập phòng chăm sóc khách hàng. Lúc đó, đây được coi là một ý tưởng lạ đời bởi sự phát triển của ngành dịch vụ nói chung ở Việt Nam còn ở mức rất thấp nên rất ít người nghĩ đến chuyện chăm sóc khách hàng và ở một ngành còn độc quyền thì gần như là không tưởng. Bên cạnh đó, mạng di động duy nhất Việt Nam còn đưa ra các cam kết bị coi là “đầu óc có vấn đề” mà một trong số đó là: “Đích thân xin lỗi khách hàng khi khách hàng không hài lòng với dịch vụ của chúng ta, cho dù chúng ta có lỗi hay không”.
Tuy nhiên, chính nhờ những ý tưởng về chăm sóc khách hàng ngay từ thời độc quyền với những cam kết đặc biệt về dịch vụ lúc bắt đầu, MobiFone luôn giữ vững được vị trí của mình về chất lượng liên tục trong nhiều năm. Từ khi ra đời cho đến nay, nhà mạng này luôn mặc nhiên được đánh giá là có chất lượng dịch vụ tốt nhất trong ngành thông tin di động. Trong tất cả các cuộc bầu chọn liên quan đến chất lượng dịch vụ ngành viễn thông, MobiFone thường xuyên nhận giải thưởng “Mạng di động có chất lượng tốt nhất” hoặc “Mạng di động chăm sóc khách hàng tốt nhất”…
Và cũng nhờ có sự ủng hộ của khách hàng, hãng di động đầu tiên tại Việt Nam luôn có được vị trí dẫn đầu trong các mạng viễn thông ở các kết quả điều qua thương hiệu uy tín. Theo thống kê của VnExpress, trong số 90 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam, thì có tới 81 người sử dụng mạng MobiFone.
Năm 2005, sau 10 năm hợp tác, MobiFone quyết định tách khỏi Comvik và trở thành một mạng di động Việt Nam 100%. Ba năm kể từ khi kết thúc BCC, MobiFone có bước tăng trưởng cực lớn với số thuê bao tăng gấp đôi, bằng tất cả các năm trước đó cộng lại, hạ tầng cũng tăng gấp đôi… với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2008, trong bối cảnh kinh tế khủng khoảng, mạng di động đầu tiên của Việt Nam trở thành một điểm sáng chói của doanh nghiệp “ngược dòng” không chỉ với ngành viễn thông mà còn với nền kinh tế nói chung.
Năm 2009, VinaPhone giới thiệu đầu tiên công nghệ 3G tại Việt Nam. Thế nhưng, MobiFone mới là nhà mạng gây bất ngờ trong việc tung ra gói cước Mobile Internet mà chi phí sử dụng khởi điểm chỉ là 5.000 đồng/tháng với chiến lược “3G cho mọi người”. Đối với học sinh, sinh viên, mạng di động đầu tiên của Việt Nam đổi toàn bộ ưu đãi GPRS hàng tháng sang miễn phí cước 3G với số tiền tương đương (25.000 đồng). Trước đó, rất nhiều người cho rằng MobiFone sẽ tập trung cho nhóm khách hàng có thu nhập cao, thay vì phổ cập 3G cho mọi người (tốc độ nhanh gấp 6-8 lần so với 2G nhưng lưu lượng cước lại rẻ hơn 20 lần).
Năm 2010, một kết quả về đóng góp của MobiFone với đất nước được công bố bất ngờ qua một nghiên cứu độc lập, lần đầu tiên được thực hiện. Theo kết quả bảng xếp hạng Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam trong ba năm liên tục (V1000), doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất là MobiFone. Thống kê này do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report - đơn vị đã từng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất VN) phối hợp với Tổng cục Thuế Việt Nam thực hiện.
Năm 2014, MobiFone trải qua 21 năm phát triển, mạng di động từng khởi phát với 1 người đứng trước những thách thức lớn. Sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng OTT (ứng dụng nhắn tin miễn phí), thị trường thông tin di động đã tiến đến ngưỡng bão hòa, kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn khó khăn… là những trở ngại lớn cho sự phát triển mang tính bước ngoặt của mạng di động này. Tuy nhiên, cơ hội mới cũng mở ra khi Thủ tướng Chính phủ quyết định tách MobiFone độc lập để đẩy nhanh cổ phần hóa, nhằm mục tiêu tái cấu trúc thị trường viễn thông Việt Nam. Mạng di động đầu tiên của Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành di động cổ phần hóa và mời gọi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng với MobiFone mà còn với cả ngành viễn thông Việt Nam.
Các danh hiệu của MobiFone trong 3 năm gần đây
Các giải thưởng năm 2013
- Đón nhận Huân chương Độc Lập Hạng Ba của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
- Đạt Chỉ số tín nhiệm Doanh nghiệp phát triển bền vững - Sustainable Development Business của tổ chức đánh giá và chứng nhận InterConformity – Cộng hòa Liên bang Đức (Châu Âu) và Hội đồng Viện Doanh nghiệp Việt Nam
- Được trao tặng Bằng chứng nhận cùng biểu trưng Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam 2013 tại Lễ tôn vinh trao giải Nhãn hiệu nổi tiếng – Nhãn hiệu cạnh tranh do Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức.
- Được trao tặng danh hiệu Thương hiệu xuất sắc – Excellent Brand 2013 của Hội sở hữu trí tuệ TP.HCM
2. Các giải thưởng năm 2011
- Danh hiệu "Anh Hùng Lao Động" do Nhà nước trao tặng nhằm ghi nhận những đóng góp của MobiFone vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong suốt 18 năm hình thành và phát triển.
- Giải thưởng “Mạng điện thoại di động được ưa chuộng nhất” dành cho sản phẩm CNTT - TT do tạp chí Thế giới Vi tính tổ chức ngày 12/07/2011.
3. Các giải thưởng năm 2010
- Giải thưởng "Doanh Nghiệp Viễn Thông Di Động Có Chất Lượng Dịch Vụ Tốt Nhất" năm 2010 do Bộ thông tin và Truyền thông trao tặng tại Lễ trao giải VICTA 2010.
- Danh hiệu “Mạng Di Động Được Ưa Chuộng Nhất Năm 2010” do độc giả báo VietnamNet và tạp chí EchipMobile bình chọn.
- Danh hiệu “Mạng di động có dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt nhất” do độc giả báo VietnamNet và tạp chí EchipMobile bình chọn.
- “Sản phẩm CNTT – TT ưa chuộng nhất 2010” dành cho lĩnh vực Mạng điện thoại di động do tạp chí PC World bình chọn.