Không để người hâm mộ thất vọng, đương kim vô địch SEA Games 25, Nguyễn Đình Toàn cùng đồng đội là Nguyễn Minh Tú đã xuất sắc đoạt chiếc huy chương vàng đầu tiên để giải toả áp lực cho các đồng đội khác. Nội dung quyền biểu diễn là nội dung mà Đình Toàn được coi như phát hiện độc đáo của làng thể thao Việt Nam.
Gia đình Toàn rất khó khăn, cậu đã từng phải đi nhặt rác để kiếm tiền qua ngày. Ở các buổi “đi làm” lang thang, Toàn không ít lần đụng độ với “đồng nghiệp”, thường trong những lần đụng độ ấy Toàn thất thế bởi thể hình quá nhỏ thó.
Năm 2000 Toàn đến với các lò võ chỉ với một mong muốn “cháy bỏng”, học võ để cho đối phương biết mặt. Bước đầu đến với võ thuật của Toàn rất bình thường xuất phát từ hoàn cảnh thực tế. Chính vì vậy, Toàn chọn học thi đấu đối kháng, với Toàn lúc đó quyền chỉ là thứ để múa may “chẳng làm ăn gì được”.
Nhưng dưới con mắt nhà nghề, võ sư Lê Minh Khương đã thâu nhận Toàn về với võ đường của mình. Dưới sự hướng dẫn, thậm chí là nuôi dạy của ông Khương, Toàn dần dần trở thành một con người khác hẳn. Ông Khương nhận ra trong Toàn có cái lửa, cái thần mà người biểu diễn quyền rất cần.
Chính ông Khương cũng nói thật rằng, với chiều cao 1m60 nặng 55kg, hạng cân của Toàn không thi đấu nhiều trên thế giới, tập thêm rất phí, thậm chí nếu có thi đấu thì Toàn khá “ngắn đòn” nên cũng khó.
Với Toàn, bước ngoặc ấy đã khiến anh vỡ ra nhiều điều. Bây giờ, võ là cái gì đó cao đẹp hơn và mỗi bài quyền được thể hiện với tất cả thần thế của nó mới là “đỉnh” chứ không phải các pha đấm đá túi bụi mà anh đã từng tri qua khi hả hê chiến thắng và đau đớn vì dính đòn.
Càng tập Toàn càng tiến bộ, từ năm 2006 bắt đầu tham gia thi đấu các giải quốc tế, anh có trong tay bốn chiếc huy chương vàng, và chiếc huy chương vàng mà Toàn đoạt được sáng nay 12.11 là chiếc thứ năm của Toàn.
Trong nội dung thi đấu đồng đội, bộ đôi Minh Tú – Đình Toàn cũng gắn liền với nhau bởi cả hai có thể hình tương đương và có sự đồng điệu đến lạ thường.
Khi được hỏi, có ngại khi người ta nhắc đến mình bắt đầu từ chuyện mình là cậu bé nhặt rác không, chính Toàn đã nói: “Làm người học võ phải biết tôn sư và không quên quá khứ đã tạo nên mình để cố gắng hơn.
Có gì mà mắc cỡ khi mình xuất thân khó khăn nhưng biết vươn lên. Tôi nghĩ, cuộc sống không cho ai sự chọn lựa nơi mình sinh ra, vấn đề là mình sống thế nào cho tốt, vì điều này tôi biết ơn thầy Khương và luôn nhớ, mình còn phải phấn đấu nhiều".
Theo SGTT.VN