Cắt nước sinh hoạt hàng chục hộ dân: C'Land có đúng luật?

CT 3 Lê Đức Thọ
CT 3 Lê Đức Thọ
TP - Hàng chục hộ dân sống trong chung cư CT3 Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do chủ đầu tư (CĐT) là Công ty CP Đầu tư bất động sản Hà Nội (Công ty C’land) bị cắt nước sinh hoạt cả tháng nay. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc tranh chấp dai dẳng giữa Ban quản trị (BQT) và CĐT.  

Căn hộ cao cấp bị cắt nước 1 tháng

Một tháng qua, nhiều cư dân chung cư CT3 Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do CĐT là Công ty CP Đầu tư bất động sản Hà Nội (Công ty C’land) bị cắt nước sinh hoạt. Ban đầu việc cắt nước chỉ diễn ra ở 2 hộ gia đình là nhà của Trưởng ban, Phó BQT tòa chung cư. Tính đến ngày 25/9, đã có 18/87 hộ dân bị cắt nước. Các hộ dân phải mang xô, chậu xuống sảnh để xếp hàng mua nước.

Chị Phạm Thị Hải Yến, căn hộ 1103 cho biết, cuộc sống của gia đình chị bị đảo lộn hoàn toàn, con cái phải “sơ tán” sang nhà ngoại vì bị CĐT lạm quyền đơn phương ngừng cung cấp nước. Khó tin rằng trong khu chung cư cao cấp giữa trung tâm Hà Nội lại xảy ra chuyện cắt nước cả tháng trời.

Theo người dân tại đây, việc cắt nước chỉ là cao trào của tranh chấp giữa CĐT và BQT xảy ra từ lâu ở tòa chung cư này. Lý do cắt nước mà CĐT lý giải là các hộ dân đang nợ phí quản lý vận hành, trông giữ xe 2 năm qua. Nhưng nhiều hộ dân cho rằng, điều này là vô lý khi BQT không ký hợp đồng vận hành quản lý tòa nhà với Công ty C’land!

Cụ thể, tại Hội nghị nhà chung cư CT3 C’land vào tháng 2/2017, 100% cư dân biểu quyết thay đổi đơn vị quản lý vận hành tòa nhà theo quy định của pháp luật. BQT tòa nhà đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn được một đơn vị khác, đã ký hợp đồng để quản lý vận hành tòa nhà. Theo đó, từ ngày 18/6/2017, Công ty C’land không còn là đơn vị vận hành tòa nhà nữa.

Đơn vị quản lý vận hành tòa chung cư này được BQT ký hợp đồng từ 8/6/2017 là Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt. Sau khi lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mới, BQT chung cư này đã gửi công văn, yêu cầu Công ty C’Land bàn giao việc vận hành cho đơn vị mới từ 18/6/2017.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có đến hàng chục cuộc làm việc, nhưng Công ty C’Land vẫn không bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành tòa nhà mà BQT đã ký hợp đồng, đồng thời vẫn tự triển khai quản lý cho đến nay. Nhiều cư dân tòa nhà cho rằng Công ty C’land vi phạm nên đã không đóng phí trong suốt thời gian qua.

Trong khi đó, đại diện BQL tòa nhà cho biết, cắt nước là việc bất đắc dĩ bởi những hộ dân nợ tiền phí dịch vụ từ 6/2017, hộ nợ cao nhất khoảng 80 triệu còn trung bình nợ từ 40-50 triệu đồng.

Chủ đầu tư không đủ tư cách pháp lý tiếp tục quản lý?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hồ Văn Hiến, Giám đốc BQL tòa nhà cho biết Công ty C’Land là đơn vị quản lý, vận hành hợp pháp và duy nhất của tòa nhà theo Thông tư 02/2016/TT-BXD về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. CĐT đã nhiều lần gửi văn bản cho BQT tòa nhà CT3 đề nghị đại diện cư dân nhận bàn giao phần sở hữu chung- riêng, nhưng BQT tòa nhà không hợp tác nhận bàn giao theo quy định của pháp luật.

Vướng mắc ở chỗ BQT cho rằng chỗ để ô tô là của chung, trong khi BQL khẳng định đó là phần sở hữu riêng của CĐT. Ông Hiến khẳng định: Tại điều 49, Nghị định 71/2010 đã quy định rõ là nơi để xe chỉ là nơi để xe đạp, xe máy, ba gác và xe cho người tàn tật chứ không bao gồm chỗ để ô tô. Trong điều này cũng không có nói gì về việc cư dân được sở hữu chỗ để ô tô cả. “Chúng tôi không phân bổ chi phí xây tầng hầm vào giá bán căn hộ, điều này đã được kiểm toán xác nhận, đảm bảo cơ sở pháp lý”, ông Hiến khẳng định.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Thơ - Phó BQT tòa nhà CT3 cho rằng, C’Land không ký hợp đồng với BQT tòa nhà, do đó không có tư cách để thu tiền phí của cư dân tuy nhiên đơn vị này vẫn cố tình vận hành tòa nhà. Thế nên có thời điểm xảy ra cảnh 1 tòa nhà 2 đơn vị cùng quản lý vận hành, nhân viên vệ sinh của đơn vị BQT thuê vừa lau sảnh xong thì 10 phút sau nhân viên C’Land tiếp tục lau sảnh. BQT khẳng định chỉ đóng tiền cho 1 đơn vị quản lý, vận hành hợp pháp.

Về phần sở hữu chung - riêng, ông Thơ đưa ra bản hợp đồng mua bán giữa CĐT với cư dân, trong đó tại Điều 11, mục 11.2 ghi rõ: Các diện tích và hạng mục công trình thuộc sở hữu riêng của Bên A (CĐT) gồm: Toàn bộ không gian siêu thị, không gian kinh doanh, dịch vụ công cộng, văn phòng thuộc tầng hầm, tầng 1, 2, 3, 4, 5 và tầng kỹ thuật. “Căn cứ vào hợp đồng mua bán thì rõ ràng không có tầng hầm đỗ xe ô tô ở đây. CĐT không thể vin vào bản hạch toán nội bộ để tự nhận 2 tầng hầm là sở hữu riêng của họ, đó là hành vi lừa dối khách hàng”, ông Thơ bức xúc.

Một điều nhức nhối nữa, đó là mặc dù BQT tòa nhà gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng về thực trạng nêu trên tuy nhiên việc tham gia giải quyết rất chậm trễ, thậm chí có phần né tránh. Đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cho biết thêm, quận đã có văn bản giao cho UBND phường Mỹ Đình 2 hòa giải và có biện pháp khẩn trương cấp nước lại cho cư dân CT3. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xung đột trong tòa nhà vẫn chưa thể giải quyết. Băng rôn vẫn được treo đỏ ở các lô gia tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.