Cấp THPT sẽ chỉ học 7 môn?

Lớp 1, lớp 2 sẽ học tích hợp kiến thức, lớp 10 học sinh mới phân hóa để bứt phá
Lớp 1, lớp 2 sẽ học tích hợp kiến thức, lớp 10 học sinh mới phân hóa để bứt phá
TP - Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất các phương án dạy tích hợp và phân hoá trong chương trình phổ thông sau năm 2015. Trong đó, từ lớp 10, học sinh sẽ chọn học 7 môn liên quan ngành nghề tương lai của mình. Chúng được ngợi ca là những xu hướng tất yếu của nền giáo dục hiện đại.

> Vẫn 12 năm nhưng số môn ít hơn

Tích hợp - xu hướng tất yếu

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu về chương trình phổ thông sau năm 2015, tích hợp là một quan điểm cơ bản trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa (SGK), trong việc tổ chức nội dung dạy học của nhiều nước, đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS.

Chương trình hiện hành của ta cũng thực hiện tích hợp nhưng chủ yếu trong phạm vi hẹp và ở cấp tiểu học.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chương trình sau năm 2015 tăng cường tích hợp cả ở ba cấp học.

Việc tích hợp sẽ được tăng cường ở nội bộ các môn học cốt lõi như Toán, Tiếng Việt (THCS và THPT là Ngữ văn), Đạo đức (THCS và THPT là Giáo dục Công dân)… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khoẻ sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Cấp tiểu học sẽ có hai môn mới là môn Khoa học - Công nghệ (trên cơ sở môn Khoa học và môn Kỹ thuật) và môn Tìm hiểu Xã hội (trên cơ sở môn Lịch sử và Địa lý).

Cấp THCS cũng sẽ xây dựng hai môn học mới là môn Khoa học Tự nhiên trên cơ sở các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học trong chương trình hiện hành và môn Khoa học Xã hội trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý trong chương trình hiện hành cộng với một số vấn đề xã hội.

Giáo dục phổ thông hai giai đoạn

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, cấu trúc chương trình phổ thông vẫn sẽ là 12 năm nhưng chương trình có trong số cho môn cốt lõi.

Những môn cốt lõi sẽ được dạy trong suốt 12 năm. Từ lớp 10 hoặc từ lớp 11 sẽ bắt đầu phân hoá theo hướng dạy học tự chọn. Khi đó một số môn sẽ không tiếp tục được dạy cho những nhóm học sinh nhất định.

Giai đoạn sau giáo dục cơ sở, nội dung học vấn không áp dụng đồng loạt mà có nhiều phương án để tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho học sinh.

Nội dung học vấn gồm 8 lĩnh vực với nhiều môn học, khoá học chia thành các mức độ. Mỗi học sinh tuỳ theo năng lực, sở thích và dự định ngành học cụ thể ở đại học mà lựa chọn môn, khoá học thích hợp.

Có 4 môn bắt buộc được đề nghị gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 (vì sẽ có Ngoại ngữ 2, Ngoại ngữ 3…), Giáo dục Công dân. Ngoài ra, học sinh chọn 3 môn trong danh mục các môn sau: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Môi trường, Công nghệ, Kinh doanh, Nghề… Như vậy mỗi học sinh sẽ học tổng cộng 7 môn và một số chủ đề.

“Cách tổ chức nội dung học vấn trong trường phổ thông theo định hướng này sẽ khắc phục được tình trạng quá tải và không thiết thực trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay” - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nói.

Như vậy nội dung học vấn ở nhà trường phổ thông được tổ chức theo hai giai đoạn: giáo dục cơ sở (cơ bản, bắt buộc) và sau giáo dục cơ sở (chuẩn bị cho học sinh vào đời hoặc lên CĐ, ĐH).

Phân hoá là xu hướng dạy học không mới ở Việt Nam. Thậm chí chương trình phổ thông trước năm 1945 chính là chương trình phân hoá và được biểu đạt trong mô hình phân ban.

Từ năm 1989 đến nay có 3 đợt thí điểm phân ban – đều bị dư luận xã hội xem là một thất bại. Trong đề xuất của mình, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục nhắc đến nguy cơ “một số ban không đủ học sinh để tổ chức dạy” và khẳng định “dạy học theo phân ban không phổ biến trên thế giới”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG