Cặp song sinh Việt-Đức: 30 năm ấy biết bao nhiêu tình!

Nguyễn Đức - người em song sinh trong cặp Việt-Đức cùng vợ con và BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ hai, từ phải sang) trong buổi lễ kỷ niệm mới đây. Ảnh: H.LAN
Nguyễn Đức - người em song sinh trong cặp Việt-Đức cùng vợ con và BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ hai, từ phải sang) trong buổi lễ kỷ niệm mới đây. Ảnh: H.LAN
BV Từ Dũ vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mổ tách rời cặp song sinh Việt-Đức. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ cảm xúc đong đầy của người tham gia ca mổ đánh dấu son cho nền y học nước nhà.

Khoảng tháng 8-1986, tự nhiên Việt đổ bệnh, sốt nóng rồi hôn mê còn Đức thì vẫn tỉnh táo, bình thường, có chịu ảnh hưởng như sốt nhẹ và không ăn ngủ được (lúc này hai cháu Việt-Đức vẫn còn dính nhau). BV Từ Dũ báo cáo Sở Y tế và mời hội chẩn tất cả giáo sư, bác sĩ các ngành có thể liên quan đến bệnh của Việt. Nhưng bệnh tình hai cháu vẫn chưa thuyên giảm.

Hai năm gian khổ trước ca mổ

Việt-Đức được điều trị tại BV Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tại Hiroo-Tokyo trong ba tháng. Họ đã làm tất cả xét nghiệm hiện đại nhất cùng với siêu âm toàn bộ từ não bộ đến các cơ quan khác của cơ thể hai cháu nhưng vẫn không thể tìm ra nguyên nhân bệnh. Việt được điều trị khỏi sốt nhưng mất nhận thức và bắt đầu sống đời sống thực vật.

Các giáo sư, bác sĩ và chuyên gia đầu ngành Nhật Bản đã thảo luận rất kỹ và cho biết chưa nên mổ vội. Họ khuyên đem hai cháu về, khoảng hai năm nữa sẽ mổ. Khi đó, nước bạn sẽ giúp trang thiết bị, thuốc men đầy đủ để mổ tại Việt Nam.

Trong hai năm sau đó, Việt suốt ngày đêm quấy phá. Đức không còn ăn uống, ngủ, chơi bình thường được. Đức đã chủ động yêu cầu mổ tách khỏi cháu Việt nếu không chắc “hai đứa con sẽ ra nghĩa trang nằm sớm”. Do đó, khoảng giữa năm 1988, ban giám đốc BV Từ Dũ đã báo cáo với Sở Y tế xin lập kế hoạch để mổ cho hai cháu. BS Dương Quang Trung đã đắn đo, xin ý kiến TP và quyết định chuẩn bị cuộc mổ.

Tôi được cử trở qua Nhật, nhắc lại lời hứa hai năm về trước. sự trợ giúp của Hội Chữ thập đỏ Nhật thật ngoài sự mơ ước. Hai máy gây mê cho nhi khoa thế hệ mới nhất, máy chạy thận nhân tạo, máy tạo nhịp tim... Dịch truyền đủ các loại, các thuốc kháng sinh, lợi tiểu, tim mạch, gây mê... Thuốc Fentamil thời đó còn rất mới cũng được chuyển về dù hết sức khó khăn vì là loại gây nghiện. BS Araki, Trưởng khoa Gây mê hồi sức BV Hội Chữ thập đỏ Nhật ở Hiroo, đã được cử sang giúp thêm ý kiến chuyên môn.

Vỡ òa trí tuệ và tình người

Trực tiếp điều khiển chuyên môn ca mổ là Viện sĩ Hàn lâm, BS Dương Quang Trung cùng với GS Ngô Gia Hy. Ông đã điều động 72 người từ các BV, kể cả BV Chợ Rẫy, đủ hết tất cả chuyên khoa cần thiết để giải quyết tất cả tình huống xấu dự liệu có thể xảy ra trong mổ, hồi sức và hậu phẫu. Tầm nhìn bao quát chiến lược của ông đã quyết định cho sự thành công. Phương án mổ cũng đã được thảo luận thấu đáo trong suốt cả tháng.

Phần hậu cần đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của kíp mổ với cả trăm bác sĩ, điều dưỡng, ròng rã ngày đêm gần ba tháng trời trong BV Từ Dũ, trong tình hình kinh tế của những năm vừa đổi mới còn thiếu thốn trăm bề là một cố gắng lớn.

6 giờ sáng, Việt-Đức được chuyển vào phòng mổ trong sự hồi hộp, lo âu, căng thẳng của cả BV. Ca mổ kéo dài hơn 15 tiếng đồng hồ, được truyền hình trực tiếp trên đài TP, đã thành công thật tốt đẹp. Theo dõi suốt cuộc mổ, đến gần nửa đêm, tất cả đã vỡ òa cảm xúc khi mũi kim may cuối cùng vừa xong.

Thành công trong cứu sống hai cháu Việt-Đức là thành tích chung của y tế Việt và Nhật, của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hàng ngàn, chục ngàn con chim giấy đã được trẻ em Nhật xếp và gửi tặng Việt-Đức.

Cả TP, cả nước xôn xao xúc động. Từ người dân nghèo khó nhất đến những gia đình thu nhập khá từ khắp nơi đã tấp nập gửi quà về tặng cho kíp mổ, cho BV những quả cam, trứng, xoài, gạo và cả tiền, đầy ắp tình thương... BV phải lập tức thành lập “ban nhận viện trợ”, sổ sách ghi chép đầy đủ.

Được đền đáp bằng cuộc sống hạnh phúc của Đức

Vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ hai cháu cũng đã là thách thức cam go cho đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng ở BV Từ Dũ, nhất là Làng Hòa Bình. Chúng tôi đã dốc hết sức mình chăm lo cho hai cháu. Việt sống đời sống thực vật suốt gần 20 năm trời sau mổ, đã vượt qua bao nhiêu biến chứng vì cháu béo phì và nằm một chỗ, phương tiện chăm sóc chủ yếu là những bàn tay nhân ái của các nhân viên Làng Hòa Bình. Cháu đã mất năm 2008, chỉ còn vài tháng là đủ 20 năm sau mổ.

đức từ ngày mổ lúc mới sáu tuổi, giờ đã 36 tuổi, có vợ và hai con hết sức đáng yêu. 30 năm là một chặng đường đầy gian nan đối với Đức, cũng là gian khổ cho đội ngũ chăm sóc, dạy dỗ cháu, nhất là cho các bạn Nhật.

Hội Negaukai được GS Bunro Fujimoto thành lập từ năm 1985 đã theo dõi, giúp đỡ cháu cả vật chất lẫn tinh thần, khuyến khích cháu học tập suốt ngần ấy thời gian. Bản thân Đức cũng đã có nhiều cố gắng trong học tập, rèn luyện, tu thân... Giờ cháu đã là một người trưởng thành, sống có trách nhiệm với vợ con và biết đảm đương nhiều việc xã hội, giúp đỡ các bạn cùng cảnh ngộ. Cháu quảng giao rộng rãi, nói tiếng Nhật khá trôi chảy. Chắc là Đức cũng có nhiều suy nghĩ về đoạn đường đời đã trải qua và sắp đến. Và Đức chắc cũng cảm nhận được là mình may mắn hơn rất nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ. Gần đây, Đức bắt đầu có một vài biến chứng về tiết niệu và đã được giải quyết.

Chính cuộc sống ổn định và hạnh phúc của Đức hôm nay nói lên một cách hùng hồn nhất ý nghĩa thật lớn lao, thật nhân văn của cuộc mổ mà các lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo và bác sĩ, viện sĩ Viện Hàn lâm y học Dương Quang Trung 30 năm trước đã quyết định thực hiện tại TP, tại chính BV Từ Dũ, để đem lại một cuộc sống độc lập, một tương lai tươi sáng cho Đức.

Theo Theo PLO
MỚI - NÓNG