Toàn tỉnh hiện có 58 giáo viên là F1; có 953 học sinh là F1 đang cách ly tập trung. Riêng học sinh lớp 12 có 125 học sinh F1 và 394 F2 chủ yếu học sinh ở huyện Thuận Thành. Trước đó, ngày 24/5 đã có 5 học sinh mắc COVID-19 được ra viện.
Cũng theo lãnh đạo sở này, từ ngày 6/5, các cơ sở giáo dục đã nghỉ học, sở triển khai giao bài, dạy trực tuyến, dạy truyền hình…để học sinh cũng cố kiến thức. Đầu tháng 6 địa phương sẽ tổ chức khảo sát trực tuyến cho học sinh lớp 12. Quan tâm sức khoẻ cán bộ, giáo viên trong khu vực cách ly tập trung.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, địa phương có hơn 16.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trên cơ sở tình hình dịch đang căng thẳng, Sở GD&ĐT đã xây dựng một số phương án tổ chức kỳ thi phù hợp.
Trong đó, phương án 1: Nếu dịch được kiểm soát, không còn các ca bệnh địa phương sẽ tổ chức kỳ thi theo lịch của Bộ GD&ĐT. Khi đó, nhóm thí sinh F2 sẽ thi ở các phòng thi dự phòng. F0 thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là xét đặc cách. Còn đối tượng F1 đang cách ly tập trung, địa phương đề xuất 2 tình huống. Nếu mỗi huyện, thị xã có hơn 20 học sinh là F1 sẽ tổ chức 1 điểm thi riêng; số thí sinh nhỏ hơn 20 học sinh sẽ bố trí phòng thi riêng. Nếu đối tượng F1 quá lớn sẽ báo cáo xin tổ chức đợt 2. Địa phương dành 12.000 mũi vacxin để tiêm cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi sắp tới.
Phương án 2: Sau ngày 20-25/6, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn phức tạp, địa phương sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi đợt 2 cho học sinh toàn tỉnh.
Bắc Ninh đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản hướng dẫn đối với các địa phương có diễn biến dịch phức tạp để có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở này cũng kiến nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể để tổ chức thi cho đối tượng F1 vì đây là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong đó quy định rõ, điều kiện cơ sở vật chất, giám thị coi thi, số thí sinh/ phòng thi, cán bộ tham gia làm thi có bị cách ly không…
Hải Dương truy vết người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 ở 9 địa điểm
Tất cả những người dân đã đến các địa điểm sau phải khai báo y tế ngay với UBND phường, xã hoặc Trạm y tế xã, phường gần nhất để được hướng dẫn và lấy mẫu xét nghiệm.
Theo kết quả truy vết ban đầu xác định người tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hải Dương yêu cầu tất cả những người dân đã đến các địa điểm sau phải khai báo y tế ngay với UBND phường, xã hoặc Trạm y tế xã, phường gần nhất để được hướng dẫn và lấy mẫu xét nghiệm.
1. Điểm nộp tiền điện và nước tại nhà văn hóa Khu dân cư số 6, P. Phạm Ngũ Lão vào khoảng 10h ngày 16/5/2021.
2. Trường mầm non Hoa Sứ, P. Phạm Ngũ Lão vào trưa ngày 07/5 và ngày 11/5/2021.
3. Hàng bán bún chợ Bắc Kinh, P. Trần Hưng Đạo mua bún vào khoảng 11h, ngày 14/5/2021.
4. Bệnh viện Hòa Bình, P. Hải Tân, TP Hải Dương vào sáng ngày 15/5/2021.
5. Cửa hàng cháo tại phố Phạm Hồng Thái gần đoạn giao với phố Lê Lợi, từ 15/5/2021-20/5/2021.
6. Hàng bánh cuốn tại số 01 Lê Lợi, P. Quang Trung từ 15/5/2021-20/5/2021.
7. Hiệu thuốc khu vực chợ Tân Kim (không nhớ hiệu thuốc nào) vào chiều 22/5/2021.
8. Hiệu thuốc Vì sức khỏe, địa chỉ số 141 Trương Mỹ, P. Phạm Ngũ Lão, vào chiều 22/5/2021.
9. Cửa hàng tạp hóa Việt Hiến, địa chỉ số 133 Trương Mỹ, P. Phạm Ngũ Lão vào chiều 22/5/2021.
Hải Phòng chi viện 83 cán bộ, sinh viên hỗ trợ Bắc Giang chống dịch
Sáng 27/5, TP Hải Phòng đã tổ chức lễ xuất quân chi viện 83 giảng viên, viên Đại học Y dược Hải Phòng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhiều ngày qua, sáng 27/5 TP Hải Phòng đã tổ chức lễ xuất quân chi viện nhân lực hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng chống COVID-19.
Theo đó, 12 cán bộ giảng viên, 71 sinh viên lớp xét nghiệm y học K10 của Trường Đại học Y dược Hải Phòng đã xung phong lên tỉnh Bắc giang để tham gia chi viện, tăng cường trong công tác phòng chống dịch bệnh. Lễ xuất quân được tổ chức tại Trường Đại học Y dược Hải Phòng.
Trước khi lên đường, em Đỗ Minh Trang, sinh viên năm 3 lớp Xét nghiệm y học K10 (Đại học Y dược TP Hải Phòng) cho biết, bản thân có phần lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, sau khi tham gia các buổi tập huấn, các thành viên trong đoàn được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, dụng cụ cần thiết. Đặc biệt, đoàn nhận được sự cổ vũ tinh thần từ thầy cô, bạn bè.
Do đó, em cùng các thành viên trong đoàn có động lực, tự tin và quyết tâm cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng liên ngành tỉnh Bắc Giang sớm dập dịch thành công.
“Rất nhiều sinh viên, giảng viên, cán bộ y tế từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương đã lên đường chi viện, hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang trước làn sóng dịch bệnh lần này. Em và các bạn đều rất tự hào về tinh thần dân độc Việt Nam và cảm thấy vinh dự khi được cùng thầy cô trong trường trở thành những chiến binh áo trắng chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh, để tất cả mọi người có cuộc sống bình yên trở lại”, nữ sinh Đỗ Minh Trang nói.
Tại buổi lễ xuất quân chi viện, bà Đào Khánh Hà – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng chúc đoàn lên đường mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng tỉnh Bắc Giang đẩy lùi dịch bệnh.
Hải Phòng đóng cửa công viên, vườn hoa
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành lân cận, UBND TP Hải Phòng vừa thông báo điều chỉnh một số biện pháp phòng chống COVID-19.
Theo đó, kể từ sáng 27/5, thành phố dừng hoạt động đối với các công viên, vườn hoa, các hoạt động thể thao trong nhà và ngoài trời. Các cơ sở dịch vụ ăn uống trong nhà phục vụ không quá 10 người trong một thời điểm và phải đảm đảm khoảng cách tối thiếu 2m, có tấm chắn giữa các vị trí ngồi.
Khuyến khích các cửa hàng ăn uống bán hàng mang về. UBND các quận, huyện có trách nhiệm giám sát, yêu cầu dừng hoạt động nếu các cơ sở không đảm bảo quy định phòng dịch.
UBND thành phố chỉ cho phép các cơ sở lưu trú phục vụ cho chuyên gia, người lao động, công nhân đang làm việc trên địa bàn thành phố nhưng phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh.
Đối với công nhân, người lao động từ thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương sang Hải Phòng làm việc, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện chỉ đạo các doanh nghiệp bố trí công nhân, người lao động ở lại Hải Phòng.
Trước đó, ngày 25/5, thành phố Hải Phòng có thông báo các công viên, vườn hoa được mở cửa hoạt động trở lại. Thành phố Hải Phòng dừng hoạt động vì qua kiểm tra thực tế còn một số đơn vị, cơ sở trên địa bàn chưa thực hiện nghiêm túc, một số quận, huyện chưa tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, ngày 26/5, tỉnh Hải Dương đã ghi nhận trường hợp F2 chuyển thành F0.
Một phòng khám ở Nghệ An bị xử phạt vì từ chối tiếp nhận bệnh nhân
Ngày 27/5, ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra và tiến hành xử phạt đối với Phòng khám Đa khoa 115 Phúc Hậu.
Trước đó, Phòng khám Đa khoa 115 Phú Hậu, địa chỉ tại xã Diễn Tháp, Diễn Châu, Nghệ An cho dựng bảng lớn trước cổng với nội dung: “Từ ngày 25/5, Phòng khám không tiếp nhận khám bệnh nhân từ xóm 1, xóm 2 xã Diễn Tháp; xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích. Mong quý khách thông cảm”.
Sau khi biển thông báo được dựng lên, nhiều người cho rằng Phòng khám Đa khoa 115 Phú Hậu có thái độ kỳ thị đối với người dân các khu vực trên, gây bức xúc dư luận.
"Với hành vi trên, phòng khám sẽ bị phạt hành chính từ 30 đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện phòng khám đang xin thời gian để giải trình sự việc", ông Sánh thông tin.
Trước đó, tại xã Diễn Bích có một người đàn ông đi sang Lào, xét nghiệm nhanh tại khu cách ly phát hiện dương tính với SARS-COV-2.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Nghệ An đã quyết định thực hiện truy vết tìm F1. Đồng thời, thực hiện giãn cách xã hội toàn xã Diễn Bích, theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ chiều 25/5.
Bước đầu, 61 F1 tiếp xúc ở xã Diễn Bích đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Các tỉnh chưa phát hiện COVID-19 cử ngay kíp điều trị đi đào tạo, nâng cao năng lực
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa có Công điện gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc khẩn trương rà soát và tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị người bệnh COVID-19 tại các địa phương theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Trước thách thức nghiêm trọng này, Ban Chỉ đạo Quốc gia điện Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu đặc biệt là máy thở, hệ thống ô-xy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh/TP và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị ca bệnh COVID-19.
Các tỉnh/TP chưa phát hiện ca bệnh COVID-19 lập tức cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối (hoặc đào tạo trực tuyến).
Ban Chỉ đạo Quốc gia phê bình các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 của một số tỉnh/TP đã thiếu chủ động trong công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị ca bệnh COVID-19. Yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh/TP chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và giám đốc các bệnh viện rà soát lại năng lực điều trị người bệnh COVID-19 của các bệnh viện trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly và điều trị người bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở Y tế và các bệnh viện báo cáo diễn biến ca bệnh hằng ngày, năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực trên phần mềm trực tuyến cdc.kcb.vn theo hướng dẫn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện trong địa bàn làm bệnh viện dã chiến (căn cứ theo quy mô dân số địa phương), trong đó có bố trí khu cấp cứu, hồi sức tích cực và chuẩn bị các trang thiết bị, khí y tế và các điều kiện khác.
Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện; chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị các ca bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Diễn biến mới về sức khỏe của ca mắc COVID-19 nặng ở Đắk Lắk
Chiều 27/5, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bệnh viện lao và bệnh phổi Đắk Lắk cho biết, bệnh nhân số 3836 mắc COVID-19 đã không cần dùng máy thở oxy từ tối qua (26/5), đến sáng nay các bác sĩ đã rút ống thở, để thở tự nhiên. Bệnh nhân này đã tỉnh táo.
Cũng theo lời lãnh đạo Bệnh viện lao và bệnh phổi Đắk Lắk, hiện còn một bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) được bố trí ở lại để tiếp tục theo dõi, chữa trị đối với bệnh nhân trên. Ba bác sĩ khác đã được điều ra hỗ trợ cho tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, ngày 23/5, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã cử 4 chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu hỗ trợ chúng tôi khám, chữa bệnh đối với ca bệnh này.
Bệnh nhân số 3836 (giới tính nam, 50 tuổi, trú tại phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), ghi nhận có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/5.
Theo lịch trình truy vết của ngành y tế, bệnh nhân này có yếu tố dịch tễ với bệnh nhân số 3052 ở Bắc Ninh.
Như Tiền Phong đã đưa tin, ngoài ca bệnh nói trên, ở Đắk Lắk có 2 ca mắc COVID-19 gồm, bệnh nhân số 3237 (bệnh nhân nữ, 23 tuổi, trú tại TP.Buôn Ma Thuột có tiền sử đi về từ Đà Nẵng, tiếp xúc với bệnh nhân số 3131) và bệnh nhân số 3334 (bệnh nhân nam 26 tuổi, trú tại TP.Buôn Ma Thuột, yếu tố dịch tễ với bệnh nhân số 3237). Cả hai bệnh nhân này đang được điều trị ở Bệnh viện lao và bệnh phổi Đắk Lắk, sức khỏe đang dần ổn định.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, UBND phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) đã công bố Quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với khu vực dân cư tại hẻm 189/1, đường Mai Hắc Đế có 40 hộ dân, 144 nhân khẩu. Đây là nơi lưu trú của 2 bệnh nhân số 3237 và 3334.
Bộ Y tế tặng Bằng khen cho 398 cá nhân xuất sắc hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch
Ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định khen thưởng kịp thời cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
Đợt dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay với những biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát và nguy hiểm hơn đã xuất hiện ở nhiều địa phương đặc biệt là 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch COVID-19”; để tiếp sức, chi viện cho những địa phương có dịch, rất nhiều đơn vị, tỉnh, thành phố đã cử các chuyên gia y tế; kỹ thuật viên xét nghiệm; y, bác sĩ chia sẻ khó khăn, vất vả với lực lượng y tế ở 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Để kịp thời động viên, khích lệ những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi, không quản vất vả, gian nan và hiểm nguy của đội ngũ nhân viên y tế chống dịch; ngay trong ngày 26 tháng 5 năm 2021 Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định tặng Bằng khen cho 398 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang bao gồm:
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế; đoàn công tác hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 từ các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Công cộng, Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bênh viện Trung ương Thái Nguyên.
Đáng ghi nhận trong đó là hơn 300 em sinh viên là lực lượng tiên phong, đi đầu từ các trường Đại học đã lăn xả quên mình lên đường chống dịch; các em không quản ngại thời tiết nắng mưa khắc nghiệt của mùa hè oi nóng, không quản ngại ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” miệt mài lấy mẫu, truy viết, xét nghiệm với mong mỏi duy nhất là sớm kiểm soát được dịch bệnh tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
Bộ Y tế cho biết, sự biểu dương lần này là ghi nhận những công lao đóng góp nhằm động viên tinh thần, khơi dậy lòng nhiệt huyết của lực lượng y tế nơi tuyến đầu, đặc biệt là đội ngũ chi viện cho các địa phương nhằm quyết tâm cao, hành động nỗ lực, mạnh mẽ hơn nữa cùng với cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.