TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT giao quyền cho các địa phương công nhận tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT giao quyền cho các địa phương công nhận tốt nghiệp THPT
TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT giao quyền cho các địa phương công nhận tốt nghiệp THPT
TPO - Bộ GD&ĐT cần giao quyền cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, TP theo các chuẩn quốc tế và công bố rộng rãi toàn quốc.

Đó là một trong những nội dung trong báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chương trình Nghị quyết 16/NQ-CP (ngày 8-6-2012) và Nghị quyết 54/2017/QH14 (ngày 24-11-2017) của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM của Sở GD&ĐT TPHCM mới đây với UBND TP.

Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các cấp lãnh đạo cho phép ngành giáo dục - đào tạo TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Cụ thể, cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.

Bộ GD&ĐT cần giao quyền cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, TP theo các chuẩn quốc tế và công bố rộng rãi toàn quốc.

Ngoài ra, các trường cần được chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường.

Ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 73%, trong đó 83,4% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày đáp ứng các yêu cầu chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình là 99,12%. Toàn TPHCM có 99,2% học sinh được đánh giá đạt các tiêu chí về phẩm chất và năng lực.

Đối với giáo dục trung học, TPHCM có 36 trường THCS và 22 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giảng dạy theo quy định một cách chủ động, hiệu quả, đảm bảo truyền thụ chuẩn kiến thức, kỹ năng, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong dạy học.

Sở GD&ĐT TPHCM nhận định, trong quá trình phát triển, do đặc thù là TP lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình trong giai đoạn 2012-2020 dao động từ 50.000-75.000 học sinh/năm tạo áp lực lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức cho học sinh học tập sinh hoạt cả ngày trong trường.

Hiện nay, sĩ số học sinh/lớp còn đông, số lớp học 2 buổi/ngày chưa đạt yêu cầu đề ra dẫn đến khó khăn trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông dù đã có nhiều điều chỉnh, tuy nhiên vẫn còn khá nặng nề, quá tải, mang đậm tính hàn lâm, thiếu thực hành, ứng dụng, chưa tạo điều kiện để học sinh phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm. Phân phối chương trình chưa phù hợp về thời lượng và thời gian dẫn đến học sinh phải học nhiều, thiếu thời gian vận dụng kiến thức trong thực tế dẫn đến hệ lụy phải học thêm, dạy thêm.

Được biết, TPHCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp và gần 79.000 giáo viên. Quy mô trường lớp của TPHCM hiện dẫn đầu với hàng ngàn cơ sở công lập, dân lập, tư thục…

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.