Chỉ 1 trong 4 dự án thành phần đúng tiến độ
Tới nay, trong 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1), đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã đưa vào sử dụng. Bộ GTVT đặt mục tiêu đến cuối năm nay phải có thêm 4 đoạn đưa vào khai thác. Trong dự thảo báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp sắp diễn ra, Bộ GTVT cho biết, các dự án thành phần (đoạn đường cao tốc) vẫn vướng một phần giải phóng mặt bằng do chưa di dời được hạ tầng điện, nước, viễn thông…, làm ảnh hưởng tiến độ thi công.
Thi công cầu Núi Đọ trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay. Ảnh: H. Việt |
Tính tới đầu tháng 9 vừa qua, trong 4 đoạn đường cao tốc phải hoàn thành cuối năm nay, chỉ 1 đoạn đúng tiến độ (đoạn Cam Lộ - La Sơn), còn lại vẫn chậm. Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thi công đạt hơn 69% khối lượng công việc; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt trên 51%; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt hơn 56%. Các đoạn đầu tư công còn lại cơ bản đạt tiến độ để hoàn thành vào cuối năm sau. Riêng 3 đoạn đầu tư BOT, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt chậm gần 8% so với kế hoạch, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo chậm hơn 1%, chỉ đoạn Nha Trang - Cam Lâm đạt tiến độ. Tới nay, các dự án đã giải ngân hơn 42,2 nghìn tỷ đồng (hơn 88% kế hoạch được giao).
Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, đã chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là với 4 đoạn phải hoàn thành cuối năm nay. Với các nhà thầu thi công không đạt tiến độ so với yêu cầu ghi trong hợp đồng, thời gian qua bộ này đã cắt, chuyển một phần khống lượng cho nhà thầu khác. Cụ thể: Với đoạn Cam Lộ - La Sơn, chủ đầu tư đã khiến trách 7 nhà thầu, yêu cầu thay nhân sự với 1 nhà thầu, chuyển khối lượng 1 nhà thầu; Với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, chủ đầu tư đã cắt chuyển khối lượng hơn 16km của 3 nhà thầu và 7 tổ đội thi công yếu kém.
Lo mặt bằng để khởi công 12 dự án mới
Với 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), Bộ GTVT đặt mục tiêu khởi công gói thầu đầu tiên mỗi dự án vào cuối năm nay. Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ phương án phân chia gói thầu, tiêu chí đánh giá năng lực để chỉ định nhà thầu thi công. Tới nay, một số phần việc chuẩn bị đầu tư cũng hòan thành, như: Đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của 12 dự án thành phần; ban hành khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; xong báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Về nguồn cung vật liệu xây dựng, các dự án đều được áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ. Tuy vậy, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cung cát chưa đáp ứng nhu cầu dự án. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu sử dụng cát biển cho san lấp nền móng công trình giao thông, sử dụng cát cồn cho san nền.
Với công tác giải phóng mặt bằng, tới nay, các địa phương đã đo đạc trên 90%, kiểm kê tài sản trên đất đạt hơn 87% diện tích cần giải phóng, đang lập phương án đền bù... Theo lãnh đạo Bộ GTVT, bộ đã bố trí sẵn hơn 8,3 nghìn tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chuyển cho các địa phương có dự án đi qua để chi trả cho người dân. Dù vậy, alo ngại các dự án có thể bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng chậm.
Dù vậy, lãnh đạo bộ này vẫn tỏ ra lo ngại các dự án có thể bị ảnh hưởng về tiến độ, bởi giải phóng mặt bằng chậm. Đây vốn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn nhất tới tiến độ các công trình. Tiến độ giải phóng mặt bằng phụ thuộc hầu hết vào trách nhiệm của các địa phương có dự án đi qua.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được chia làm 11 dự án thành phần, trong đó 8 dự án đầu tư công, 3 dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), tổng mức đầu tư trên 97,6 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2 được chia thành 12 dự án thành phần, đầu tư công toàn bộ với tổng mức vốn trên 146,9 nghìn tỷ đồng, mục tiêu khởi công cuối năm 2022, đưa vào khai thác năm 2026.