> Cháy ở khu nhà cao nhất Việt Nam
Ngay từ khi toà nhà được khởi công, nó đã gây ồn ào dư luận khi một số cựu chiến binh đứng ra thách đố chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ vào dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (như cam kết). Phía Keangnam và một số cựu chiến binh đã gặp nhau, nhưng cuối cùng thách đố bất thành. Sau kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Keangnam vẫn tiếp tục xây dựng.
Quá trình xây dựng, nơi đây liên tục xảy ra tai nạn lao động chết người. Trong đó, ầm ĩ nhất là vụ kỹ sư Vũ Tiến Lâm gặp nạn dẫn tới tử vong. Thống kê chưa đầy đủ, ít nhất có gần chục người Việt đã tử nạn ở công trường này. Một cái giá quá đắt.
Rồi trong phiên rao bán nhà lần cuối (24-3-2010), công trình Keangnam đang xây dở bỗng nhiên bốc cháy. Đến ngày, 6-11-2010, lại có cháy tại tầng 1 (Tháp B cao 70 tầng) công trình Keangnam. Người dân sống ở gần đấy liên tục đặt ra câu hỏi về việc quản lý xây dựng công trình của nhà đầu tư Hàn Quốc này.
Công trình vừa đưa vào sử dụng, lại xẩy ra chuyện: Thu phí vô tội vạ, khiến cư dân vừa về ở đã phải kêu kiện...Và, chiều 27-8, cháy lại tái diễn trên toà nhà cao nhất Việt Nam, lần này khói mù mịt, cũng là vụ cháy lớn nhất so với những vụ cháy trước đó.
Để được sở hữu một căn hộ tại đây, người dân Việt Nam phải trả một cái giá không hề rẻ cho chủ Hàn Quốc, từ 40 đến 60 triệu đồng/m2. Nhưng rốt cuộc, họ không biết điều gì đang diễn ra tại toà nhà này. Liệu những sự cố tương tự có còn xảy ra?
Với hàng loạt sự cố đã xảy ra, người ta có cảm giác ở công trường này thiếu vắng sự giám sát của cơ quan công quyền. Sự thiếu vắng ấy, dù vô tình hay hữu ý, chỉ người sử dụng bị thiệt.