Câu hỏi
Chào bác sĩ
Việt Nam mình có cách “cạo gió” để chữa một số bệnh. Tôi thấy cũng khá hữu hiệu. Bác sĩ có thể cho biết thêm về phương pháp này được không ạ?
Cảm ơn bác sĩ!
Thành Lê
Trả lời
Cạo gió là một phương thức trị bệnh có tính cách kinh nghiệm dân gian của người Việt mình cũng như người Trung Hoa.
Theo quan niệm Đông Y, một số bệnh như cảm mạo, đau bụng, nhức đầu… là do tà khí như phong, hàn, cảm, mạo gây ra. Cạo gió (to scrape the wind, coin rubbing) có mục đích làm nhẹ các chứng này. Khi bị bệnh các huyệt đạo của cơ thể bị bế tắc, bề mặt da cũng bế tắc một phần nên không thể thải độc tố trong cơ thể ra ngoài. Cạo gió sẽ giúp khí huyết, huyệt đạo và kinh lạc lưu thông, giúp bề mặt da thông thoáng để thải độc tố trong cơ thể.
Dụng cụ để cạo gió thường là những vật dụng hình tròn, cạnh nhẵn như đồng xu, cái thìa, miệng chén, nhẫn kim loại…
Nơi cạo gió thường là dọc theo xương sống lưng lan ra ngoài, trên cổ, trán, vùng ngực và bụng tùy theo trường hợp bệnh.
Cách cạo gió:
Trong khi cạo, bệnh nhân được đặt nơi kín gió, thư giãn, ở trần, nằm hoặc ngồi.
Khử trùng dụng cụ, lau da cho sạch rồi thoa dầu gió lên da nơi định cạo.
Lưng là nơi thường được cạo gió. Dùng dụng cụ cạo để cạo trên da dọc theo xương sống từ trên xuống dưới hoặc từ phía trong ra ngoài. Cạo vừa phải cho thấy da hơi ửng đỏ là đủ, vì cạo sâu quá có thể làm tổn thương cho da và mạch máu, gây ra xuất huyết cũng như mở đường cho vi trùng xâm nhập. Mỗi lần cạo kéo dài khoảng 5 phút là da ửng đỏ, coi như gió đã rời khỏi cơ thể. Đa số bệnh nhân cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm, tin tưởng rằng gió độc đã “từ giã” cơ thể mình rồi.
Có thể “giật gió” ở các vùng khác của cơ thể như trên trán hoặc sau gáy.
Đau bụng cũng được cạo ở thành bụng và phần dưới của ngực.
Sau khi cạo gió, bệnh nhân thường được cho ăn một bát cháo nóng có hành tươi, lá tía tô, uống ly trà gừng hoặc ly sữa nóng rồi nằm đắp chăn cho toát mồ hôi.
Theo BS Nguyễn Ý Đức