Cao điểm đi lại Tết, người dân được bảo vệ ra sao?

Nhiều người thích bay ban ngày, trong khi ban đêm còn nhiều vé Ảnh: Đình Thắng
Nhiều người thích bay ban ngày, trong khi ban đêm còn nhiều vé Ảnh: Đình Thắng
TP - Sau khi công bố các số điện thoại của quan chức để người dân phản ánh bức xúc trong dịp cao điểm đi lại Tết Nguyên đán, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết nhiều thông tin đã được xử lý.

> Không lợi dụng Tết để tăng giá vé
> Người Trung Quốc gian nan về quê ăn Tết

Điện thoại quan chức thành đường dây nóng

Lần đầu tiên, Ủy ban ATGT Quốc gia công bố các số điện thoại nóng để người dân có thể phản ánh khi gặp bất trắc trong khi di chuyển trên đường đón xuân.

Điện thoại đường dây nóng thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình trật tự ATGT dịp Tết Nguyên đán (có số của nhiều quan chức có trách nhiệm liên quan)

06942608

06942407 - 0994666534

0913227844

0912323353

0977244289

0984249999

0913204168

0913228315

0989088719

0978539999

0913257053

0903232654

Đó là số điện thoại của nhiều quan chức có trách nhiệm liên quan tới giao thông, bên cạnh số điện thoại của CSGT các tỉnh, thành. Những ngày đầu của dịp cao điểm, đã có nhiều thông tin được gửi về đường dây nóng và hầu hết đã được chuyển trực tiếp cho các đầu mối xử lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp (chủ của một trong 12 số điện thoại nóng) nói: “Những ngày qua, trung bình một số điện thoại nóng nhận được 300 cuộc gọi và tin nhắn/ngày từ hành khách.

Trong đó, chủ yếu phản ánh việc xe khách chở người quá số ghế quy định, tăng giá vé bất thường; ùn tắc và tai nạn giao thông; hành vi không đúng mực của các lực lượng tuần tra kiểm soát và lái, phụ xe.

Mười hai số điện thoại của 12 người thuộc các lĩnh vực khác nhau, nếu đúng chức năng sẽ xử lý ngay, còn lại sẽ chuyển cho người liên quan. Ví dụ, chúng tôi vừa xử lý một xe khách chở quá số người ở Bình Thuận, buộc phải san tải qua xe khác để hành khách sớm về nhà.

Chiếc xe này bị hỏng dọc đường và giam hành khách cả ngày trời. Trường hợp khác tại Đồng Nai, người dân phản ánh CSGT không làm đúng quy trình và ngay tức khắc một Cục Phó CSGT Đường bộ-đường sắt sau khi tiếp nhận tin đã cử cán bộ tới tận nơi xử lý”. 

Máy bay, tàu hỏa vẫn còn chỗ

Thông tin từ Hãng Hàng không Quốc gia VN (VNA)-đơn vị thực hiện hầu hết các chuyến bay dịp Tết (do chiếm phần lớn thị phần vận tải hàng không) cho biết, vé chủ yếu “cháy” vào giờ đẹp của những ngày cao điểm. Những chuyến bay đêm vẫn còn ghế. 

Theo thống kê của VNA, có hơn 300 nghìn vé đã được bán, chủ yếu vào giờ đẹp, ngày cao điểm. Tâm lý chung, nhiều hành khách ngại bay đêm, đặc biệt với trường hợp phải di chuyển về nhà cách xa sân bay.

Hiện, VNA đã lập lịch bay nội địa với chuyến sớm nhất khởi hành lúc 0h30, muộn nhất 23h50. Đặc biệt từ hôm nay (6-2) đến 8-2 (28 tháng chạp) và ngày 15-2 đến 17-2 (mồng 8 tháng giêng) sẽ thực hiện kế hoạch khai thác 24/24 giờ trên đường bay Bắc Nam.

Tối 5-2, Phó ga Hà Nội Phùng Thị Lý Hà khẳng định vé tàu dịp cao điểm ngày nào cũng có. Tuy nhiên, đa số hành khách chỉ quan tâm tới vé tàu giường nằm điều hoà của tàu chạy đêm, mà không biết các chuyến chạy ngày còn rất nhiều chỗ (đặc biệt các loại ghế ngồi).

“Chỉ tính vé tàu sau Tết chiều Hà Nội-TPHCM dịp cao điểm từ ngày 13-2 (mồng 4) đến 21-2 (12 âm lịch), ga Hà Nội vẫn còn 6 nghìn vé. Ngay như tuyến Hà Nội-Lào Cai trước Tết Nguyên đán, vé tàu vẫn còn nhiều. Sau Tết, vé điều hoà giường nằm mới căng do lượng khách du lịch từ Trung Quốc đổ sang”, bà Hà nói. 

Hà Nội lại tắc nghẽn

Xe tải, taxi đã bị cấm và CSGT đã tăng quân số tối đa nhưng nhiều tuyến đường Thủ đô dịp cuối năm vẫn như nêm.

Từ khi tuyến đường trên cao vành đai 3 đi vào hoạt động, đường Nguyễn Trãi đoạn qua nút giao thông Thanh Xuân rất ít xảy ra ùn tắc, nhưng từ đầu tuần này, ùn tắc đã xảy ra liên tục. Sáng 5-2, đường Nguyễn Trãi đoạn từ ngã ba Lương Thế Vinh đến Khương Đình xảy ra 3 điểm ùn tắc, đoạn từ ngã ba Lương Thế Vinh đến nút giao thông Thanh Xuân lúc 8h sáng lượng xe ùn ứ dài gần 1 km.

Tại các nút giao thông Láng Hạ - Lê Văn Lương và Láng - Nguyễn Chí Thanh sáng qua, ùn tắc cũng xảy ra. Với nút giao thông Láng - Nguyễn Chí Thanh, lúc 8h30, phương tiện đi trên chiều Láng - Ngã Tư Sở phải chờ 2 đến 3 nhịp đèn mới qua lại được. Ngập trong các dòng phương tiện xếp hàng chờ thông đường sáng qua, có nhiều phụ nữ đèo con trẻ và nhân viên văn phòng mang theo túi xách bị muộn giờ học, giờ làm.

Tình trạng ùn ứ kéo dài cũng xảy ra với các tuyến đường Trường Chinh, Tây Sơn - Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn - Kim Liên, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn… Riêng với các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Âu Cơ - Nghi Tàm… ùn tắc lại xảy ra từ sau 9h sáng đến cuối giờ chiều. Đã bị cấm, nhưng những ngày qua, xe ba gác, tự chế vẫn vô tư lưu thông, chở hàng Tết, cây cảnh lưu thông rầm rộ trên nhiều tuyến đường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2 - Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, lượng người và phương tiện những ngày cuối năm tăng 30 - 40% so với ngày thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG