Cảnh giác với những kẻ lợi dụng ‘mác’’Tây’ kiếm tiền phi pháp
Bên cạnh những người nước ngoài đến Việt Nam với những mục đích lành mạnh như đi du lịch, học tập hoặc tìm cơ hội kinh doanh phát triển thì cũng có 1001 kẻ nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều con đường để trà trộn hành nghề bất hợp pháp.
Hai đối tượng người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả bị bắt tại Việt Nam. |
Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam đa dạng về tội danh, từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, phong phú về thủ đoạn, tính chất từ đơn giản đến phức tạp, từ giang hồ vặt, trộm cắp nhỏ lẻ đến những băng nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia…
Chima bị bắt với hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
“Sư dỏm”, "trùm" game thủ lừa đảo là người nước ngoài
Sáng 27/8/2012, Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) phát hiện hai đối tượng người nước ngoài giả dạng người tu hành để khất thực là Peng Yurui và He Dechao (cùng 60 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Vốn là hai đối tượng lang thang cơ nhỡ, không công ăn việc làm nên sống vất vưởng ở nước bản địa, Peng và He nhập cảnh vào Việt Nam dưới danh nghĩa khách du lịch để hành nghề “khất thực”, kiếm bộn tiền.
Hành vi của "nhị vị" sư “dỏm” này đã không qua mắt được các trinh sát Phòng PA 27 Công an TP Đà Nẵng nên sau khi đấu tranh làm rõ, Peng và He đã bị trục xuất về nước. Cũng với thủ đoạn trên, trước đó, tại địa bàn Hà Nội cũng đã phát hiện một nhóm 6 người Trung Quốc vào vai “sư dỏm” đi khất thực lừa đảo lòng tốt của các tín đồ.
Cũng tại TP Đà Nẵng, vào ngày 7/8/2012, tại doanh nghiệp tư nhân Taran (số nhà 45 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng), lực lượng PA72 cùng Công an quận Thanh Khê phát hiện gần 20 sinh viên đang miệt mài “cày” game online do 4 người Hàn Quốc thuê trái phép nhằm mục đích lừa đảo bằng tiền ảo trên mạng.
Qua kiểm tra hành chính, cơ quan chức năng phát hiện ông Kang Buseok (quốc tịch Hàn Quốc, nhập cảnh vào Việt Nam để du lịch) đã thuê Nguyễn Minh Nhật (24 tuổi, người địa phương) đứng tên đăng ký thành lập Taran và hoạt động trái phép từ cuối năm 2011.
“Ngành nghề” kinh doanh chính của Taran là “cày” game online để buôn bán, lừa đảo tiền ảo, hàng hóa ảo của các game thủ trên mạng để thu lợi nhuận bất chính là tiền thật.
Đi du lịch để… gieo rắc cái chết trắng
Ngày 3-10, TANDTC tại TP HCM đã bác đơn kháng cáo xin giảm án đối với nữ bị cáo Preeyanooch Phuttharaksa (SN 1989, ngụ TP. Bangkok, Quốc tịch Thái Lan) và tuyên y án tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Preeyanooch Phuttharaksa là một nữ sinh viên trẻ đẹp nhưng lại dạn dày kinh nghiệm trong việc tham gia nhiều phi vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Ngày 17-10-2011, Preeyanooch Phuttharaksa bay từ Thái Lan sang Togo rồi đi ôtô sang Benin.
Tại Benin, cô được hai người châu Phi giao cho một chiếc vali, yêu cầu cô bỏ quần áo vào để mang về Việt Nam. Biết rõ trong vali có hàng cấm nhưng Preeyanooch Phuttharakasa vẫn đồng ý xách chiếc vali này để về Việt Nam với hành trình từ Benin – Casablanca – Doha – TP.Hồ Chí Minh.
Tối 29-10-2011, Preeyanooch Phuttharaksa đáp máy bay xuống sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Lực lượng an ninh, hải quan cửa khẩu sân bay đã kiểm tra, phát hiện dưới đáy vali của Preeyanooch Phuttharaksa có chứa hơn 3 kg tiền chất ma túy Methamphetamine. Ngoài ra, cô gái này thừa nhận vận chuyển 2 chuyến ma túy trước đó một cách trót lọt vào Việt Nam với một số đối tượng khác. Với hành vi trên, nữ sinh viên người Thái Lan 23 tuổi bị tuyên án tử hình.
Mới đây, một bà già ngoại quốc khác là Amodia Teresita Palacio (61 tuổi, người Philippines) cũng đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Palacio đã có hành vi vận chuyển 5,5 kg ma túy về Việt Nam bằng máy bay với giá được thuê là 3.000 USD mỗi chuyến.
Đến phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia
Thời gian qua, lực lượng công an ở các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đã triệt phá nhiều vụ phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia dùng thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao để phạm tội. Điển hình như vụ án đối tượng Cletus Chimaobi Hillary (tên thường gọi là Chima, SN 1979) và Okonkwo Mathias Ugochukwu (tên gọi là Ugo, SN 1982) đều mang quốc tịch Nigieria. Các đối tượng này đã có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng trên nhập cảnh vào Việt Nam, câu kết mượn tên của Dương Anh Nhung (20 tuổi, ngụ phường 8, quận 11) để mở tài khoản tại một Ngân hàng Việt Nam nhằm mục đích lừa đảo. Thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng là dùng một email gần giống email trên của nhân viên Cty Hoa Sen để gửi cho Cty KHP Roofing yêu cầu công ty này chuyển số tiền 115.537USD trên vào tài khoản cá nhân của Dương Anh Nhung mở tại một ngân hàng. Phía Cty KHP Roofing không để ý nên đã chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của hacker.
Ngày 5-11-2012, khi đối tượng Dương Anh Nhung đến Ngân hàng rút tiền thì bị Cơ quan điều tra triệu tập làm việc. Ngày 26-11, Ugo cũng đã bị Cơ quan CSĐT triệu tập và đưa về trụ sở làm việc.
Theo lời khai của Nhung, thông qua mạng Facebook, Nhung quen Ugo và Ugo cho biết là đang làm nghề kinh doanh quần áo qua nhiều quốc gia từ Nga, Trung Quốc đến Việt Nam. Do người nước ngoài không mở được tài khoản ngân hàng nên Ugo nhờ Nhung đứng tên mở tài khoản giúp và được Nhung đồng ý...
Tại Cơ quan CSĐT, Ugo khai nhận đã nhập cảnh vào Việt Nam ngày 22/11/2012. Ugo “nhờ” Nhung mở tài khoản là theo yêu cầu người tên Chima, quốc tịch Mỹ. Toàn bộ thông tin khách hàng, các chứng từ chuyển tiền từ Cty KHP Roofing vào tài khoản của Nhung là do Chima gửi cho Ugo.
Còn theo khai nhận của Chima, Chima thực hiện việc này là theo yêu cầu của Cris, hiện ở Nigeria. Theo thỏa thuận, sau khi nhận được tiền thì Chima hưởng 10%, Ugo hưởng 20%. Thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao của chúng đã bị công an vạch trần.
Theo Trần Nguyên
Pháp Luật Việt Nam