Cảnh giác đới đứt gãy kiến tạo lớn

Cảnh giác đới đứt gãy kiến tạo lớn
TPO - Khu vực xảy ra vụ lở nửa quả núi xuống Quốc lộ 6, đoạn qua tỉnh Hòa Bình phía tây bắc nước ta, được cho là bị ảnh hưởng của đới đứt gãy kiến tạo lớn.

Xử lý chỗ trượt lở có đặc điểm như vậy thế nào? Các biện pháp phòng ngừa cấp bách và lâu dài để hạn chế thiên tai này là gì? Trả lời của PGS.TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất.

Cảnh giác đới đứt gãy kiến tạo lớn ảnh 1

Phải xử lý từ trên xuống

Dưới góc độ địa chất, ông đánh giá thế nào vụ lở nửa quả đồi ở xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, sáng 16-2?

Trong quá khứ, khu vực Đồng Bảng đã xảy ra khá nhiều trượt lở. Ở đoạn đường này xảy ra cả trượt và lở đất đá. Lở đá thường rất bất ngờ và khó phát hiện. Lở đá lại có tầm văng tương đối xa nên phạm vi sát thương lớn. Cách đây 6-7 năm đã xảy ra một vụ lở đá ở khu vực này, không lớn như năm nay, nhưng làm ách tắc giao thông khá lâu.

Một khối đá cỡ vài chục tấn lở từ trên cao hơn chục mét rơi trúng thùng xe tải đang chạy từ Sơn La về hướng Hòa Bình, làm xe bẹp dúm. Còn lở đất cỡ hàng trăm tới hàng nghìn m3 thì khá phổ biến.

Như vậy đây là khu vực trọng điểm hay xảy ra sạt lở mạnh?

Đồng Bảng và các xã lân cận như Phúc Sạn, Tân Sơn là khu vực có hiện tượng trượt lở sườn đồi núi diễn ra rất mạnh. Có đợt mưa đã gây ra lở hàng chục đồi núi một lúc. Tình trạng này bắt nguồn chủ yếu từ điều kiện địa chất. Nơi đây bị ảnh hưởng của đới đứt gãy kiến tạo lớn chạy qua, cộng với hệ các đứt gẫy nhỏ tác động nên đất đá bị dập vỡ, phân phiến, rất dễ trượt lở.

Cần lưu ý gì khi xử lý đất đá tại khu vực nhạy cảm này, thưa ông?

Đây là vụ trượt lở chặn đường khá lớn và khá phức tạp. Lở tới hàng nghìn m3 đất đá thì là lớn. Khối trượt lở xảy ra trên sườn núi cao. Vì vậy, công tác xử lý sẽ phức tạp chứ khồng thể làm vài ba ngày được. Phải xử lý từ phía trên xuống phía dưới. Xử lý như thế vừa khó tiếp cận mà lại nguy hiểm, tốn nhiều thời gian công sức. Song không nên vì sự thúc ép của tiến độ giải phóng mặt đường mà làm tắt. Hậu quả xảy ra sẽ rất khó lường.

Đã biết các nét lớn vùng dễ lở núi

Các vùng miền núi khác thì sao ạ?

Hiện tượng trượt lở mạnh như vậy còn có khả năng xẩy ra ở nhiều tỉnh miền núi nước ta, đặc biệt là Tây Bắc, Trung Trung Bộ - rìa Tây Nguyên. Đơn cử là trận trượt lở năm 1996 diễn ra ở Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Chúng tôi gọi là “trận” vì chỉ trong vài giờ có tới hàng trăm khối trượt từ trên các sườn núi ào ào đỏ xuống các thung lũng, đường xá, khu dân cư.

Mặt đất cũng phải rung chuyển dữ dội. Lúc đó, lở núi và các dòng bùn đá đã vùi lấp 55 người. Cả hệ thống cầu cống, đường giao thông bị hư hại rát nặng và bị cắt đứt hoàn toàn. Phải mất hơn nửa tháng, giao thong đến huyện lỵ Mường Lay mới đươc nối lại.

“Với các cung đường thường xảy ra trượt lở hoặc có nguy cơ trượt lở cao, cần có biện pháp rà soát, phát hiện các biểu hiện mới đồng thời đánh giá rủi ro tai biến.

Công tác rà soát không nên chỉ giới hạn ở phần sát đường mà nên mở rộng ra hai phía tới khu vực không còn nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của phương tiện lưu thông. Ơ khu vực có nguy cơ lũ bùn đá cao thì phạm vi cần mở rông hơn nữa” - PGS.TSKH Vũ Cao Minh

Các nhà địa chất liệu đã xác định được những vùng nào nguy cơ sập núi cao nhất chưa?

Hiện nay chúng ta đã biết ở những nét lớn khu vực nào có thể xảy ra lở núi nhưng chưa biết chắc chắn khi nào chúng xảy ra.

Ngay cả chúng tôi, khi đi khảo sát trượt lở, cũng có lần suýt bị núi lở ven đường vùi lấp, phải ngủ đêm lại trong rừng. Tuy nhiên đối với các khối trượt lớn mà đã phat hiện ra thì hiện nay đã có các biện pháp phòng ngừa tương đối hiệu quả. Vấn đề chính là phải có biện pháp phát hiện kịp thời.

Vụ trượt lở như ở xã Đồng Bảng đặt ra vấn đề gì về phòng ngừa?

Cần xem xét bổ sung một số cách tiếp cận mới trong quản lý an toàn các tuyến đường và khảo sát phát hiện trượt lở dọc các cuung đường miền núi. Trước kia các cung đường này còn it phương tiện qua lai, sạt lở đến đâu thì san gạt hoặc tiến hành xử lý đến đó, ít thiệt hại về người. Nay mật độ lưu thông trên đường tăng gấp nhiều lần, xác suất trượt lở đè trúng người và phương tiện cũng tăng theo.

Như vậy việc quản lý giảm nhẹ thiệt hại hại do trươt lở dọc đường giao thông cần được bổ sung về phần đánh giá rủi ro cho người và phương tiện. Từ kết quả đánh giá mà lập ra kế hoạch hành động phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro. Nhiều nước đã có các hướng dẫn về công tác này.

Cám ơn ông!

Quốc Dũng
Thực hiện

Theo Viết
MỚI - NÓNG