Cảnh báo thói quen dùng nước sinh hoạt chưa qua xử lý

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người dân ở Đắk Lắk vẫn còn duy trì thói quen dùng nước sinh hoạt, ăn uống bằng nước giếng đào, giếng khoan. Trong khi đó, nguồn nước này đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm cao do ảnh hưởng từ các tác nhân khác.
Cảnh báo thói quen dùng nước sinh hoạt chưa qua xử lý ảnh 1

Nước giếng bị đục ngầu mỗi khi mùa mưa đến

Bà Đại Thị Thảo (buôn Cư Mlim, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, gia đình vẫn sử dụng nước giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Việc sử dụng nước giếng đã là thói quen từ trước đến nay. Thấy nguồn nước trong nên gia đình bà cứ sử dụng chứ không lấy mẫu đi kiểm tra chất lượng nước. Bà Thảo nói thêm, không riêng hộ nhà bà, nhiều người xung quanh cũng đều dùng nước giếng.

Hộ bà Hoàng Thị Bình, (thôn 4, xã Ea Kao), cũng không dùng nước máy dù trước đó đã được lắp đặt miễn phí thiết bị đồng hồ nước. Cụ thể, bà Bình cho hay, cách đây 2 năm, bà được Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk lắp đặt miễn phí thiết bị đồng hồ nước bởi bà thuộc diện người già (đối tượng ưu tiên). Tuy nhiên, từ đó đến nay bà chỉ dùng khoảng 6 ngày, rồi dừng.

“Trước khi có hệ thống nước máy, nhà tôi đã có giếng khoan để sinh hoạt. Còn nước ăn uống thì đi mua từng bình 12 lít. Về sau, các cháu mua cho máy lọc nước bằng điện để uống cho tiện. Do đó, khi công ty kéo nước vào nhà, tôi ít khi sử dụng. Chỉ khi nào máy bơm giếng bị hỏng tôi mới dùng”, bà Bình cho hay.

Cảnh báo thói quen dùng nước sinh hoạt chưa qua xử lý ảnh 2

Nhiều người đầu tư máy lọc nước để lọc nước giếng khoan

Bà Trần Thị Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết, toàn xã có hơn 4.600 hộ dân thuộc 14 thôn, buôn; trong đó tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Hệ thống nước máy đã được kéo về xã cách đây 3 năm, chủ yếu là dọc đường chính.

Hằng năm, phía xã đều có kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn. Theo đó, đến nay, 100% người dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; còn nguồn nước từ nhà máy cấp thì tỉ lệ còn thấp. Nhiều người dân đưa ra lý do, họ đã khoan giếng và sử dụng nó trước khi có nước máy.

Cũng như bà Bình, bà Thảo, nhiều người dân khi được hỏi về chất lượng nguồn nước, họ đều nói nước sạch, an toàn, dù bản thân chưa lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước bao giờ. Trong khi đó Tiền Phong đã phản ánh ở bài “Báo động ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở Đắk Lắk”, kết quả kiểm tra chất lượng nước giếng của nhiều hộ gia đình trên địa bàn các phường xã của TP Buôn Ma Thuột, phát hiện phần lớn nguồn nước chưa qua xử lý có chỉ số E. Coli, chỉ số Nitrat (NO3) vượt quá ngưỡng quy định.

Theo bác sĩ Phạm Hòa Anh (Đắk Lắk), nguy cơ ô nhiễm nước giếng đào khá cao bởi hiện nay, mạch nước ngầm bị ảnh hưởng do hoạt động sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu...); nước thải, rác thải sinh hoạt ra ngoài môi trường sẽ ngấm sâu vào lòng đất từ đó hòa tan vào nguồn nước nước. Tương tự, nguồn nước giếng khoan cũng bị ảnh hưởng do nhiễm kim loại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nếu không qua xử lý đúng tiêu chuẩn.

MỚI - NÓNG