Cảnh báo nguy cơ sốt rét “nhập khẩu” từ châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 1/6, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết hiện đang điều trị cho hai bệnh nhân sốt rét sau khi trở về nước từ Angola. Điều đáng chú ý là từ nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam hầu như không còn bệnh nhân sốt rét nên việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót.

Bệnh nhân Nguyễn Đình Th. (38 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) từ Angola về nước được 1 tuần. Bệnh nhân nhập viện cách đây 5 ngày, trong tình trạng sốt cao, rét run, kèm đau đầu nhiều khi sốt, tiểu buốt. Bệnh nhân thứ 2 là một sản phụ 32 tuổi, mang thai tháng thứ 6, quê ở Hà Nội. Sản phụ này từng đi lao động tại Angola được 8 năm và đã từng bị sốt rét vào năm 2021, đợt này mới trở về từ Angola được 1 tuần.

Bệnh nhân này khi vào viện cũng trong tình trạng sốt cao, rét run thành cơn, chủ yếu sốt về chiều tối. Sau cơn sốt vã mồ hôi nhiều, kèm nôn, buồn nôn, đau đầu nhiều. Chị đi khám phòng khám tư, sau đó được đưa vào Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương làm xét nghiệm và được chẩn đoán là sốt rét. Do có thai và kèm bệnh lí hạ tiểu cầu cần theo dõi nên nữ bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, nơi có nhiều chuyên khoa cùng phối hợp để có thể theo dõi và điều trị.

Cảnh báo nguy cơ sốt rét “nhập khẩu” từ châu Phi ảnh 1

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt rét “nhập khẩu” từ châu Phi

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Thời gian gần đây chúng tôi nhận nhiều bệnh nhân sốt rét do đi từ châu Phi về, nên được gọi là sốt rét “nhập khẩu””. Bác sĩ khuyến cáo người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có kí sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng. Khi có biểu hiện sốt cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Thời gian gần đây chúng tôi nhận nhiều bệnh nhân sốt rét do đi từ châu Phi về, nên được gọi là sốt rét “nhập khẩu””.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường cả 2 bệnh nhân hiện đang điều trị tại Trung tâm bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế ở địa phương không phát hiện ra, không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ châu Phi về nên dễ bỏ sót. Do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết, hay nhiễm trùng tiết niệu. “Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3-5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi,...) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết. Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Các loại thuốc sốt rét hiện nay có sẵn được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình”, PGS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.