Cảnh báo nguy cơ cháy tại lán trại công trường

Cảnh báo nguy cơ cháy tại lán trại công trường
TP - Bên trong các dãy nhà khung sắt tạm bợ là ngổn ngang quần áo, xoong nồi, đồ dùng sinh hoạt công nhân, dây điện chằng chịt, đấu nối loằng ngoằng rất dễ bị chập, gây hỏa hoạn.

> Cảnh báo nguy cơ cháy ở công trình xây dựng
> Ngất lịm thấy xác con trong đám cháy ở An Hưng

Tìm thấy thi thể cháu bé 3 tuổi

Khoảng 6h ngày 9/12, lực lượng cứu hộ và người nhà tìm thấy thi thể bé gái Phạm Bảo Nhi (3 tuổi), tử nạn trong vụ cháy khu lán trại công nhân cạnh khu đô thị mới An Hưng (Hà Đông, Hà Nội).

Thi thể cháu Nhi được tìm thấy tại tầng 2 khu lán trại xảy cháy, trong tình trạng bị biến dạng gần hết do lửa thiêu đốt. Bảo Nhi là con anh Phạm Ngọc Thi và chị Đỗ Thị Kim Cương ở huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Đau xót trước mất mát quá lớn, bố cháu Nhi ngất lịm sau hơn 10h đồng hồ tìm con.

Anh Đỗ Văn Cang - em trai chị Đỗ Thị Kim Cương, cho biết: Khi xảy ra cháy, cháu Nhi đang ngủ trưa trong căn nhà tạm ở tầng 2. Bố mẹ và người thân đã tỏa đi tìm khắp nơi nhưng cả đêm qua vẫn không thấy cháu. Mẹ của cháu bé đã phải nhập viện cấp cứu vì suy sụp tinh thần.

Liên quan vụ việc, ông Bạch Quốc Việt (Trưởng phòng An toàn Lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, do nạn nhân thiệt mạng là con của công nhân, không liên quan trực tiếp đến lao động nên Sở không tham gia xử lý.

Đại tá Tô Xuân Thiều – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân và thống kê thiệt hại vẫn đang được khẩn trương tiến hành. Cơ quan chức năng cũng đang điều tra vấn đề an toàn lao động, hợp đồng lao động, cũng như công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các lán trại của công nhân ở khu công trường này.

Cảnh báo nguy cơ xảy cháy

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, lán trại của công nhân ở đây được thiết kế theo kiểu tạm bợ, gồm các khung sắt được hàn gắn với nhau rồi lát gỗ để làm giường và lối đi lại. Mái nhà được lợp bằng tôn, bên trong có lớp xốp cách nhiệt. Dây điện nguồn được kéo chạy ngang bên trên. Sau đó, các công nhân đến ở lại đấu nối sang các góc giường, góc nhà. Nếu bị chập điện, ngọn lửa rất dễ bén vào quần áo, các tấm xốp rồi lan sang các khu vực bên cạnh.

Bên trong các lán được ngăn chia thành nhiều tổ công nhân khác nhau, họ đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái…Phía đầu các dãy giường là xoong nồi, bát đũa. Quần áo được cất ở góc giường hoặc phơi trên các tấm lưới sắt. Dụng cụ lao động chất đống bên dưới.

Theo một công nhân, họ được các chủ thầu tuyển về đây xây dựng, lương theo công nhật, mỗi ngày 80.000 – 100.000 đồng. Mỗi tổ công nhân thường có 1-2 người lo chuyện bếp núc. Khả năng dẫn đến vụ cháy hôm qua có thể do chập điện bởi thời điểm đó chưa đến giờ nấu ăn. Sau vụ hỏa hoạn, các công nhân đã được chuyển sang các lán trại khác ở ghép để tiếp tục công việc.

Năm hết, Tết đến, những lao động nghèo này càng phải “vắt chân lên cổ” để làm việc, tích góp tiền bạc mang về cho gia đình. Cái nghèo, cái khổ vẫn hằn in trên gương mặt hốc hác, thân thể gầy gò của họ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG