'Canh bạc tỷ đô' bán ôtô VinFast ở Mỹ

TPO - Ngày 10/12, Bloomberg đưa tin, Phạm Nhật Vượng - tỷ phú đứng sau công ty ôtô mới 6 tháng tuổi VinFast của Việt Nam có một kế hoạch cực khủng mà ngay cả Toyota hay Hyundai cũng không thể nghĩ đến trong những năm đầu đời đó là bán ôtô sang Mỹ vào năm 2021.
Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Đông Nam Á, hiện nắm giữ nhà sản xuất ôtô non trẻ, đang có ý định xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ béo bở vào năm 2021, kế hoạch sẽ tiêu tốn của ông 2 tỷ USD. Số tiền ông đầu tư chiếm một nửa số vốn của VinFast, hãng đã bắt đầu giao xe cho người tiêu dùng Việt Nam với các động cơ được BMW cấp phép vào đầu năm năm và dự định mở rộng sang các dòng xe điện.
'Canh bạc tỷ đô' bán ôtô VinFast ở Mỹ ảnh 1 Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Bloomberg.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế", tỷ phú 51 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở ở Hà Nội của công ty mẹ Vingroup. "Đó sẽ là một con đường rất khó khăn và chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng chỉ có một con đường phía trước".
Những chiếc xe nội địa được sản xuất dưới chướng một "đế chế" từ bất động sản đến bệnh viện của ông Vượng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khó khăn để đạt được thành công ở nước ngoài: Các nhà sản xuất như Tata Motors của Ấn Độ và Proton của Malaysia đã giành được số lượng khách hàng lớn tại thị trường sân nhà của mình. Ngay ở Việt Nam, VinFast cũng có sự cạnh tranh đáng gờm từ những đối thủ liên doanh như: Toyota, Ford và Hyundai.
Cổ phiếu của Vingroup đã giảm 1,2% vào lúc 9h37 sáng (ngày 5/12), chạm ngưỡng thấp nhất trong một phiên giao dịch kể từ ngày 15/7. Chỉ số VN Index của chứng khoán Việt Nam giảm 0,3%.
VinFast nối bước một danh sách dài các công ty ôtô Trung Quốc có tham vọng bán xe tại Mỹ trong hơn một thập kỷ. Mặc dù các kế hoạch vẫn chưa hoàn thành nhưng Guangzhou Automobile và Zotye Automobile và các nhà sản xuất khác đã thiết lập các đơn vị bán hàng và thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, cho thấy họ nghiêm túc ra sao với tham vọng đó. Một số thương hiệu Trung Quốc cũng đã trưng bày xe tại các triển lãm ôtô ở Mỹ những năm gần đây.
Nhà tài phiệt với giá trị tài sản ròng 9,1 tỷ USD (theo Bloomberg Billionaires Index) không hề nản lòng. Ông đã bán một số cổ phần của mình tại Vingroup vào năm ngoái và dự định bán thêm 10% nữa để bổ sung vào dự án đầy tham vọng này. Ông sở hữu 49% cổ phần VinFast trong khi Vingroup nắm giữ 51%.
'Canh bạc tỷ đô' bán ôtô VinFast ở Mỹ ảnh 2 Các công nhân lắp ráp ôtô tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng.
Ông Vượng cho biết, nhà sản xuất ôtô này sẽ không đạt được lợi nhuận trong vòng 5 năm đầu, thị trường trong nước quá nhỏ và doanh số bán hàng ở nước ngoài chính là chìa khóa để có được lợi nhuận. Tỷ phú Việt Nam cũng đang sở hữu trực tiếp 26% cổ phần của Vingroup, theo dữ liệu của Bloomberg. Công ty cổ phần Vietnam Investment Group mà ông sở hữu 92%, hiện đang nắm 31,6% cổ phần của Vingroup.
Và VinFast sẽ phải vượt qua một nhiệm vụ thậm chí còn nan giải hơn, đó là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng khó tính ở Mỹ và các thị trường phát triển khác, những nơi có tiêu chuẩn an toàn về khí thải và va chạm nghiêm ngặt.
Thêm vào các thách thức này là việc sản xuất và kinh doanh thành công xe điện. Rất nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc, được chống lưng bằng hàng tỷ USD, đã đặt cược vào ngành xe điện tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới, nhưng chỉ một số ít trong đó tạo ra lợi nhuận. BAIC BluePark New Energy Technology, nhà sản xuất xe điện toàn phần lớn nhất của Trung Quốc, dự báo sẽ có một năm 2019 lỗ. Công ty NIO (hiện không có lợi nhuận) đang cố gắng xoa dịu những lo ngại rằng hãng đang cạn kiệt nguồn vốn trong bối cảnh nhu cầu mua sắm xe điện tăng vọt.
Các rào cản lớn
Chiếc xe điện đầu tiên sẽ chưa thể xuất xưởng ở nhà máy VinFast cho đến cuối năm sau nhưng ông Vượng cho biết mình đã có kế hoạch xuất khẩu ôtô sang Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021.
'Canh bạc tỷ đô' bán ôtô VinFast ở Mỹ ảnh 3 Các robot đang vận hành tại nhà máy VinFast.
Michael Dunne - CEO của hãng tư vấn về ôtô ZoZo Go - chia sẻ, VinFast phải vượt qua nhiều rào cản lớn để cạnh tranh bên ngoài Việt Nam, đặc biệt ở thị trường châu Á. "Sẽ tốn một khoảng thời gian trước khi công ty sẵn sàng cạnh tranh ở Mỹ - vẫn đang là thị trường khắc nghiệt nhất thế giới", ông nói. "Bạn cần một tên thương hiệu vững chắc".
Ông Dunne bổ sung, nhiều người tiêu dùng thích mua một chiếc xe cũ của Honda hay Toyota hơn mua xe mới từ một thường hiệu xa lạ. Nhà sản xuất Việt Nam sẽ cần sản xuất ít nhất 100.000 chiếc ôtô mỗi năm để có thể cạnh tranh về chi phí, phát triển thương hiệu toàn cầu và thiết lập mạng lưới phụ tùng và dịch vụ. Tuy nhiên VinFast có cơ hội đánh chiếm các thị trường Đông Nam Á nhỏ hơn, ông nói thêm.
VinFast, công ty vận hành một nhà máy rộng 335 ha tại thành phố cảng phía bắc Hải Phòng, đang bán các dòng xe đầu tiên của mình - một hatchback, một sedan và một SUV - với mức giá thấp. Hatchback có giá tương đương 17.000 USD, trong khi mẫu sedan được bán với giá 47.400 USD và SUV là 60.400 USD. Hãng xe này đặt mục tiêu sản xuất lên tới 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025. Nhà sản xuất Việt Nam cũng làm cả xe máy điện.
Trong những năm tới, Vingroup sẽ phải tiêu tốn "hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm" để bù đắp phần lỗ của VinFast, ước tính lên tới 18 nghìn tỷ (777 triệu USD) mỗi năm, theo chia sẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Các khoản lỗ này bao gồm cả phần tài chính và trượt giá, và lên tới 7 nghìn tỷ đồng mỗi năm để tiến hành chiến dịch bán xe dưới giá gốc.
'Canh bạc tỷ đô' bán ôtô VinFast ở Mỹ ảnh 4 Một chiếc VinFast Lux A2.0.
Ông Vượng cũng cho biết, Vingroup sẽ thoái vốn tại các đơn vị trực thuộc để góp thêm vào VinFast trong khi một số được yêu cầu cắt giảm chi phí. VinFast cũng sẽ tìm kiếm khoản vay bổ sung, ngoài các khoản vay quốc tế khoảng 1,95 tỷ USD đã huy động được. Ông cũng có kế hoạch niêm yết VinFast trên một sàn giao dịch của Việt Nam và có thể ở nước ngoài.
Vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi khát khao xây dựng một thương hiệu Việt Nam nổi danh trên toàn cầu", và nói thêm: "Thách thức lớn nhất của chúng tôi là các sản phẩm Việt Nam không có thương hiệu quốc tế. Đối với nhiều người bạn nước ngoài, Việt Nam vẫn còn là một đất nước nghèo đói và lạc hậu. Chúng tôi sẽ phải tìm cách quảng bá và chứng minh các sản phẩm của mình thể hiện một Việt Nam phát triển và năng động, đã đạt tới các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới."
Theo Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.